Xây dựng, điều chỉnh nội dung chính sách giáo dục, tuyển sinh đại học
- Tranh luận về dự án Luật Giáo dục
- Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) cần bao quát nhiều vấn đề bức xúc của xã hội hiện nay
- Luật Giáo dục (sửa đổi): Trong giờ học thêm, ai quản lý hành xử của giáo viên?
- Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học
- Tại sao phải sửa đổi Luật Giáo dục đại học?
Tạo hành lang pháp lý thể chế hóa giáo dục thường xuyên
Liên quan đến quy định về kỳ thi tốt nghiệp THPT, trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình dự án luật, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng (VH-GD-TN-TN-NĐ) của Quốc hội cho biết, một số ý kiến đại biểu đề nghị bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, chỉ thực hiện kỳ thi tuyển sinh vào CĐ, ĐH. Tuy nhiên có ý kiến đề nghị vẫn giữ kỳ tốt nghiệp THPT và giao các địa phương thực hiện.
UBTVQH cho rằng, hiện nay, việc tổ chức kỳ thi để cấp bằng tốt nghiệp THPT nhằm đánh giá mức độ đạt chuẩn GDPT của học sinh; cung cấp dữ liệu quốc gia cho việc nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh nội dung, phương pháp giảng dạy, chính sách giáo dục và tuyển sinh đại học, đồng thời tạo hành lang pháp lý để thể chế hóa giáo dục thường xuyên, tự học của người dân trong tương lai.
Quang cảnh Quốc hội. |
"Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc tổ chức thi và cấp bằng tốt nghiệp THPT sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh khi tiếp tục việc học ở nước ngoài” - ông Phan Thanh Bình nói.
Để linh hoạt cho Chính phủ trong tổ chức thực hiện thi tốt nghiệp THPT, Dự thảo Luật chỉ quy định nguyên tắc học sinh học hết chương trình THPT thì được dự thi để lấy bằng tốt nghiệp THPT, không quy định phương thức cũng như quy mô tổ chức thi.
Thảo luận về nội dung này, đại biểu Phạm Văn Hoà - Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh, kỳ thi “2 trong 1” thời gian qua rất được dư luận quan tâm. Bên cạnh xảy ra một số tiêu cực thì tỷ lệ đậu rất cao, có địa phương đạt 99%. “Thi thì có người trúng, người trượt nhưng cách tổ chức thi vừa qua cần xem có hợp lý hay chưa khi trúng gần hết học sinh” – ông Phạm Văn Hoà đặt vấn đề. Đồng tình vẫn quy định thi THPT nhưng đại biểu đề nghị dự thảo cần có khoản giao Chính phủ nghiên cứu để sau này, tuỳ thực tế mà có thể bỏ thi tốt nghiệp THPT, chỉ cấp bằng THPT với những điều kiện cụ thể; tổ chức thi tuyển sinh ĐH như trước kia để tuyển học sinh có năng lực khá giỏi tham gia, còn học sinh học lực trung bình thì có thể học nghề, lao động theo sở thích, năng lực.
Một hay nhiều bộ sách giáo khoa?
Một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm đó là bộ sách giáo khoa dành cho học sinh phổ thông.
Chủ nhiệm Ủy ban VH-GD-TN-TN-NĐ Phan Thanh Bình cũng cho biết, có ý kiến đề nghị quy định cụ thể về chương trình, sách giáo khoa Giáo dục phổ thông; đề nghị xây dựng một chương trình, một bộ sách giáo khoa dùng chung cho cả nước. UBTVQH cho rằng, hiện nay quy định về chương trình, sách giáo khoa GDPT trong Dự thảo Luật đã cụ thể hóa tinh thần nghị quyết của Đảng và Quốc hội.
Theo đó, việc giảng dạy và học tập phổ thông chuyển từ giáo dục thiên về truyền thụ kiến thức sang giáo dục phát triển phẩm chất và năng lực, phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh.
Hiện nay Bộ GD-ĐT đã công bố chương trình giáo dục phổ thông thống nhất trong cả nước và đang soạn thảo ban hành bộ sách giáo khoa theo chương trình này, sẽ hoàn thành sau năm 2022.
“UBTVQH đề nghị được giữ quy định một chương trình thống nhất, mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa như trong Dự thảo Luật” – ông Phan Thanh Bình nói. Về quy định việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK), Dự thảo Luật quy định UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK để sử dụng ổn định trong các cơ sở GDPT trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
Đại biểu Phạm Văn Hoà. |
Băn khoăn về quy định trên, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) nói: “Quy định như xuất bản SGK theo quy định của pháp luật, cơ sở giáo dục được lựa chọn SGK theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhưng quy định gì thì không rõ. Đây là hạn chế có thể dẫn đến loạn SGK, mỗi trường một kiểu, mạnh ai nấy làm, học một đường thi một nẻo. Bên cạnh đó, quy định UBND cấp tỉnh chủ động biên soạn tài liệu còn chung chung. Đề nghị quy định cụ thể tiêu chí quy trình biên soạn, việc lựa chọn SGK”.
“Sách tham khảo do giáo viên bộ môn lựa chọn nhưng quy định cụ thể, rõ ràng để phòng ngừa giáo viên lợi dụng sách tham khảo để học thêm, dạy thêm, nếu học sinh không học thì không biết làm bài kiểm tra trên lớp, gây bức xúc trong phụ huynh” - Đại biểu Phạm Văn Hoà nêu quan điểm.