Tranh luận về dự án Luật Giáo dục

Thứ Ba, 21/05/2019, 11:46

Tiếp theo chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 7, sáng nay 21-5, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị phóng, Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về Luật Giáo dục (sửa đổi).


Tiếp theo chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 7, sáng nay 21-5, Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về Luật Giáo dục (sửa đổi).

Có nên giữ kỳ thi tốt nghiệp PTTH?

Liên quan đến quy định về kỳ thi tốt nghiệp THPT, tình bày báo cáo tiếp thu, giải trình dự án luật, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng (VH-GD-TN-TN-NĐ) của Quốc hội cho biết, một số ý kiến đại biểu đề nghị bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, chỉ thực hiện kỳ thi tuyển sinh vào CĐ, ĐH. Tuy nhiên có ý kiến đề nghị vẫn giữ kỳ tốt nghiệp THPT và giao các địa phương thực hiện.

UBTVQH cho rằng, hiện nay, việc tổ chức kỳ thi để cấp bằng tốt nghiệp THPT nhằm đánh giá mức độ đạt chuẩn GDPT của học sinh; cung cấp dữ liệu quốc gia cho việc nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh nội dung, phương pháp giảng dạy, chính sách giáo dục và tuyển sinh đại học, đồng thời tạo hành lang pháp lý để thể chế hóa giáo dục thường xuyên, tự học của người dân trong tương lai.

“Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc tổ chức thi và cấp bằng tốt nghiệp THPT sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh khi tiếp tục việc học ở nước ngoài” – ông Phan Thanh Bình nói.

Đại biểu Phạm Văn Hoà

Để linh hoạt cho Chính phủ trong tổ chức thực hiện thi tốt nghiệp THPT, Dự thảo Luật chỉ quy định nguyên tắc học sinh học hết chương trình THPT thì được dự thi để lấy bằng tốt nghiệp THPT, không quy định phương thức cũng như quy mô tổ chức thi.

Thảo luận về nội dung này, đại biểu Phạm Văn Hoà – Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh, kỳ thi “2 trong 1” thời gian qua rất được dư luận quan tâm. Bên cạnh xảy ra một số tiêu cực thì tỷ lệ đậu rất cao, có địa phương đạt 99%.

“Thi thì có người trúng, người trượt nhưng cách tổ chức thi vừa qua cần xem có hợp lý hay chưa khi trúng gần hết học sinh” – ông Phạm Văn Hoà đặt vấn đề.

Đồng tình vẫn quy định thi THPT nhưng vị đại biểu này đề nghị dự thảo cần có khoản giao Chính phủ nghiên cứu để sau này, tuỳ thực tế mà có thể bỏ thi tốt nghiệp THPT, chỉ cấp bằng THPT với những điều kiện cụ thể; tổ chức thi tuyển sinh ĐH như trước kia để tuyển học sinh có năng lực khá giỏi tham gia, còn học sinh học lực trung bình thì có thể học nghề, lao động theo sở thích, năng lực.

“Từ đó chất lượng đầu vào ĐH được nâng lên, tiết kiệm cho gia đình và xã hội” – ông Hoà nói.

Độ tuổi của học sinh quy định thế nào?

Về độ tuổi bắt đầu các cấp học phổ thông, ông Phan Thanh Bình cho biết, UBTVQH đề nghị giữ như quy định hiện hành để bảo đảm tính ổn định, phù hợp với sự phát triển thể chất, tâm lý của người học và thuận lợi trong thực hiện dự báo quy hoạch đầu vào các cấp học, thực hiện các chính sách giáo dục.

Cụ thể, các  cấp học và độ tuổi của giáo dục phổ thông được quy định như sau: Giáo dục tiểu học được thực hiện trong năm năm học, từ lớp một đến hết lớp năm. Tuổi của học sinh vào học lớp một là sáu tuổi và được tính theo năm; Giáo dục trung học cơ sở được thực hiện trong bốn năm học, từ lớp sáu đến hết lớp chín. Học sinh vào học lớp sáu phải hoàn thành chương trình tiểu học. Tuổi của học sinh vào học lớp sáu là mười một tuổi và được tính theo năm; Giáo dục trung học phổ thông được thực hiện trong ba năm học, từ lớp mười đến hết lớp mười hai. Học sinh vào học lớp mười phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở. Tuổi của học sinh vào học lớp mười là mười lăm tuổi và được tính theo năm.

Về vấn đề này, đại biểu Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) rằng nnếu quy định độ tuổi, thì nếu cứ theo cách học thế nào cũng được lên lớp, thế nào cũng được tốt nghiệp, con em sẽ ảo tưởng về năng lực của mình. “Chúng ta không thể đổ lỗi mãi cho cơ chế thị trường, mà phải xem xét lại phương pháp, nhận thức của chúng ta. Lẽ nào cứ đổi mới là phải thay thế cái cũ?. Trước đây học sinh lưu ban là chuyện bình thường, có em  lưu ban 2-3 năm. Năm 1977 trường tôi chỉ có 40% học sinh đỗ tốt nghiệp. Trường nào cao cũng chỉ 80%”.

Đại biểu Bùi Văn Phương cũng bày tỏ tiếc nuối khi cuộc vận động hai không “nói không với thành tích, nói không với tiêu cực” chỉ làm được 1 thời gian ngắn rồi bỏ vì tỷ lệ đỗ tốt nghiệp thấp. Bây giờ giáo dục cái gì cũng sợ, đánh giá điểm thấp thì sợ phụ huynh buồn, khônbg cho lên lớp sợ học sinh tổn thương. “Theo tôi chỉ nên quy định đầu vào lớp 1 không dưới 6 tuổi, lớp 6 không dưới 11 tuổi, lớp 10 không dưới 15 tuổi. Còn nếu em nào học không đạt thì nên cho học lại” – đại biểu nhấn mạnh.

Một hay nhiều bộ sách giáo khoa?

Một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm đó là bộ sách giáo khoa dành cho học sinh phổ thông.

Chủ nhiệm Uỷ ban VH-GD-TN-TN-NĐ Phan Thanh Bình cũng cho biết, có ý kiến đề nghị quy định cụ thể về chương trình, sách giáo khoa Giáo dục phổ thông; đề nghị xây dựng một chương trình, một bộ sách giáo khoa dùng chung cho cả nước.

UBTVQH cho rằng, hiện nay quy định về chương trình, sách giáo khoa GDPT trong Dự thảo Luật đã cụ thể hóa tinh thần nghị quyết của Đảng và Quốc hội. Theo đó, việc giảng dạy và học tập phổ thông chuyển từ giáo dục thiên về truyền thụ kiến thức sang giáo dục phát triển phẩm chất và năng lực, phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh.

Hiện nay Bộ GD-ĐT đã công bố chương trình giáo dục phổ thông thống nhất trong cả nước và đang soạn thảo ban hành bộ sách giáo khoa theo chương trình này, sẽ hoàn thành sau năm 2022.

“UBTVQH đề nghị được giữ quy định một chương trình thống nhất, mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa như trong Dự thảo Luật” – ông Phan Thanh Bình nói. Về quy định việc lựa chọn SGK, Dự thảo Luật quy định UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK để sử dụng ổn định trong các cơ sở GDPT trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.

Đại biểu Nguyễn Tạo

Băn khoăn về quy định trên, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) nói: “Quy định như xuất bản SGK theo quy định của pháp luật, cơ sở giáo dục được lựa chọn SGK theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhưng quy định gì thì không rõ. Đây là hạn chế có thể dẫn đến loạn SGK, mỗi trường một kiểu, mạnh ai nấy làm, học một đường thi một nẻo. Bên cạnh đó, quy định UBND cấp tỉnh chủ động biên soạn tài liệu còn chung chung. Đề nghị quy định cụ thể tiêu chí quy trình biên soạn, việc lựa chọn SGK”.

“Sách tham khảo do giáo viên bộ môn lựa chọn nhưng quy định cụ thể, rõ ràng để phòng ngừa giáo viên lợi dụng sách tham khảo để học thêm, dạy thêm, nếu học sinh không học thì không biết làm bài kiểm tra trên lớp, gây bức xúc trong phụ huynh” – Đại biểu Phạm Văn Hoà nêu quan điểm.


Phương Thuỷ
.
.
.