Vụ cây phượng bật gốc đè nam sinh tử vong: Trách nhiệm thuộc về ai?

Thứ Ba, 26/05/2020, 20:08
Theo nhận định của lãnh đạo Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh tại cuộc họp báo chiều 26/5, vụ cây bật gốc đè học sinh tử vong là vụ tai nạn nghiêm trọng đầu tiên xảy ra trong ngành giáo dục thành phố.


Tai nạn bất thình lình từ gốc cây phượng 24 năm tuổi “bật gốc”

Bác sĩ Huỳnh Minh Thu, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, trong 8 học sinh được đưa vào Bệnh viện do bị cây đổ đè, 4 học sinh bị thương nặng và 4 em bị thương nhẹ. Trong đó có 1 em bị nặng nhất là Nguyễn Lý Hoàng Minh (HS lớp 6/8). Em Minh bị gãy xương cẳng tay phải, chấn thương cột sống, chấn thương bụng kín.

Sau khi bác sĩ khám, mẹ của Minh là chị Hồng đến bên hỏi han động viên con. Nhìn con nằm bất động trên giường bệnh, nước mắt chị Hồng trào ra, chị lấy khăn giấy ra lau những giọt nước mắt thương con. Lúc này, Hoàng Minh cố gắng rướn lên nói chuyện rất nhỏ với mẹ và bật khóc khi biết được tin người bạn học thân của mình đã qua đời vì bị cây đè.

 Chị Hồng chỉ biết rút khăn giấy ra lau nước mắt cho con trai, nhìn con mà không nói được câu nào, nước mắt cứ tuôn trào. Dặn dò con vài cầu rồi chị Hồng chậm rãi ra bên ngoài phòng bệnh đợi bác sỹ.

 Ngay khi vụ việc xảy ra, lực lượng chức năng liên quan đã có mặt tại trường để lo cấp cứu cho các học sinh và tìm hiểu nguyên nhân vụ việc.

Các học sinh được chăm sóc tích cực tại BV Nhi Đồng 2 TP Hồ Chí Minh.

 Ông Lê hoài Nam -Phó GĐ sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh trả lời báo chí. 

Chị Hồng cho biết, nhà chị ở gần trường nên mỗi ngày Minh đi bộ đến trường học. Sáng nay con chị đi học được một lúc thì chị nghe tin cây phượng đổ đè lên nhiều học sinh, chị liền chạy ra thì thấy con bị thương nặng sau đó được xe cấp cứu chở đi bệnh viện.

  Hiệu trưởng THCS Bạch Đằng, thầy Nguyễn Văn Phúc nói về vụ việc tại cuộc họp chiều 26/5.

 Cuộc họp báo về vụ việc chiều 26/5 tại TP Hồ Chí Minh.

Hoàng Minh cho biết, em vẫn không thể nào quên được cảnh tượng kinh hoàng vừa xảy ra tại trường mình. Trong lúc tập trung vào lớp học thì bất ngờ cây phượng bật gốc, đè trúng em và nhiều bạn khác. Trong số đó, một người bạn rất thân của em đã tử vong. 

Nằm giường gần đó là em Nguyễn Anh Tiến, cũng là bạn học cùng lớp với Nguyễn Lý Hoàng Minh cho biết: “Lúc đó em đang nói chuyện với một người bạn, đến giờ học nên em và các bạn chuẩn bị vào lớp. Trước khi cây đổ, em thấy một ít lá cây phượng rụng và nước mưa trên cây rơi xuống. Sau đó cây phượng đổ ập xuống rất nhanh nên chúng em không kịp chạy”.

Rất may là Nguyễn Anh Tiến chỉ bị cành cây đập vào đầu và vai, Tiến chỉ bị chấn thương đầu, cột sống ngực, hiện đang được theo dõi.

Bác sĩ Trịnh Hữu Tùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 trực tiếp xuống Khoa Cấp cứu chỉ đạo công tác điều trị cho những em học sinh Bị thương, cho biết: “Các bác sĩ của bệnh viện đang tích cực điều trị cho các em bị thương, đến thời điểm hiện tại các em cơ bản ổn định. BV sẽ kiểm tra để có hướng điều trị tốt nhất cho các em”.

Theo Hiệu trưởng Trường THCS Bạch Đằng, thầy Nguyễn Văn Phúc cho biết, cây phượng vĩ bị đổ sáng 26/5 được trồng từ năm 1996. Hàng năm, các trường đều nhờ công ty Công viên cây xanh đến “mé” nhánh cây để giảm nguy hiểm khi giông lốc, mưa bão. 

Tháng 3 vừa qua, nhà trường cũng vừa tiến hành chăm sóc cây phượng trên, cho công ty tới thay đất và “mé” nhánh cây. Trích xuất camera tại trường cũng cho thấy, cây phượng đổ về phía một số học sinh (lớp 6/8) đang ngồi ăn sáng, gây ra tai nạn.  Hiện trong sân trường còn một cây phượng khác nhiều tuổi hơn cây vừa bị đổ. Bên công ty cây xanh cũng đã có đề nghị nhà trường cho đốn bỏ luôn cây này và trường đã chấp nhận đốn bỏ.

Chưa có ai nhận trách nhiệm về việc cây phượng ngã đổ trong trường

Ghi nhận vào chiều cùng ngày, tại Trung tâm Báo chí TP Hồ Chí Minh, vụ việc cây phượng gãy đổ trên đã thu hút sự quan tâm của 85 phóng viên thuộc 55 cơ quan báo chí với nhiều câu hỏi “nóng” gửi tới đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT TP.HCM, Sở Thông tin và Truyền thông, sở xây dựng TP Hồ Chí Minh, và phòng giáo dục quận 3, nơi quản lý cơ sở nhà trường đã xảy ra vụ việc.

Báo cáo nhanh về vụ việc, Chủ tịch UBND Quận 3, ông Trần Quang Bá cho biết, lúc 6 giờ 22 phút  ngày 26/5 tại sân Trường THCS Bạch Đằng, Quận 3 đã xảy ra tai nạn thương tâm. Cụ thể, 1 cây phượng vĩ cổ bị đổ  làm 18 em học sinh chủ yếu là học lớp 6/8 và 2 em học lớp  6/7 bị thương. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, nhà trường đã liên lạc với các cơ quan chức năng đưa các em đi cấp cứu tại Bệnh viện (BV) Nhi đồng 2, BV Sài Gòn ITO, BV An Sinh, và BV Quận 3. Lãnh đạo quận đã trực tiếp xuống hiện trường để tham gia giải quyết vụ việc; công an quận đã tiến hành khám nghiệm hiện trường.

Cụ thể, có 4 em được chuyển vào BV Sài Gòn ITO, trong đó 1 em đã được cho về, 3 em đã mổ xương vào trưa cùng ngày. 8 em được đưa vào BV Nhi đồng 2, có 5 em được khám và sức khỏe ổn định, BV cho về; 3 em bị gãy tay, chân, ảnh hưởng cột sống đang chờ mổ. Tại BV Quận  3 cũng co 5 em xây xát nhẹ và đã được cho về.

Riêng trường hợp em N.T.K ( lớp 6/8) được chuyển BV An Sinh đã tử vong. UBND Quận 3 đã chỉ đạo các đơn vị của quận đến gia đình em thăm hỏi, động viên và hỗ trợ. Gia đình của em thuộc diện gia đình cận nghèo. Trước mắt, UBND quận đã chi tạm ứng hỗ trợ cho gia đình 40 triệu đồng.  

Cũng theo Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115  TP Hồ Chí Minh, bác sỹ Nguyễn Duy Long cho biết, lúc 6 giờ 28 phút Trung tâm Cấp cứu 115 nhận được thông tin về vụ tai nạn. Ngay khi đến nơi, lực lượng cấp cứu đã phát hiện 1 học sinh ngưng tim, ngưng thở tại hiện trường và tổ cấp cứu đã thực hiện sơ cấp cứu cần thiết, sau đó tiếp tục đưa vào BV An Sinh là cơ sở gần trường nhất điều trị cho em. Tuy nhiên, theo ê kíp cấp cứu tại đây, do bị đa chấn thương, trong đó có vết tổn thương vùng xương chẩm sau đầu là nặng nhất, kèm theo gãy xương sườn, xương chân,… sau 65 phút hồi sức tích cực nhưng bệnh nhân không có dấu hiệu khả quan. 

Ông Trần Đăng Khoa- Trưởng phòng GDĐT quận 3 cho biết, sau sự việc xảy ra, phòng GD cũng đã có chỉ đạo tới nhà trường, nhất là tại lớp 6/8 có số học sinh bị thương vong là các thầy cô, nhất là cô giáo chủ nhiệm hãy cố gắng trở thành “người mẹ” thứ 2 của các em, ổn định tâm lý cho các em trong cùng lớp 6/8 cũng như học sinh toàn trường để giữ việc học tập trở lại ổn định.

Trần tình về vụ việc đau lòng, ông Lê Hoài Nam, Phó GĐ sở GD-ĐT cho rằng, sự việc xảy ra là vô cùng đáng tiếc, bất ngờ. Về công tác an toàn trường, vào đầu mỗi năm học, Sở cũng luôn có công tác chỉ đạo vào trước mùa mưa bão. Trên 2.000 trường học đều triển khai tốt, tuy nhiên vụ việc này là “bài học để toàn ngành tăng cường công tác an toàn trường học trong việc quản lý cây xanh”. Ông Nam nhấn mạnh. Tuy nhiên, ông Nam cũng cho biết, theo qui định, khi trồng cây trong trường đều được quản lý, kể các việc đốn cây vẫn phải có xin phép, có cơ quan chức năng thẩm định chứ nhà trường không được tự ý đốn bỏ.

Trả lời câu hỏi, vậy ai chịu trách nhiệm trong vụ việc này, ông Lê Quang Đạo, đại diện cho Phòng quản lý cơ sở hạ tầng-Sở Xây dựng TP cho hay, cây phượng là cây hạn chế, thuộc trường quản lý. Vào mùa mưa, Sở thường có văn bản gửi các cơ quan, ban ngành để tăng cường rà soát, đảm bảo an toàn. Cây xanh trên đường, công viên do Sở xây dựng quản lý. Đối với cây xanh trong công sở là do đơn vị cơ sở quản lý. Ông Đạo cho biết thêm, cây phượng là loại cây không phù hợp với đô thị, đối với nhưng cây thân có vòng khoanh trên 30cm thì cần phải đốn bỏ. Đối với công sở, tùy vào đặc điểm, và công tác chăm sóc để có thể trồng hay không.

Như vậy, vụ việc trên cho tới hiện nay, còn nhiều câu hỏi cũng chưa thể thoả mãn sự quan tâm của báo chí cũng như các PHHS về vấn đề quản lý cây xanh trong trường học ra sao cho an toàn với học sinh. Được biết, qua vụ việc, thành phố sẽ có chỉ đạo siết lại kỹ càng về vấn đề cây xanh trong trường. Hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP, Công an Quận 3 vào cuộc điều tra nguyên nhân và có nhiệm vụ báo cáo kết luận điều tra nguyên nhân vụ việc sớm nhất.

Huyền Nga-Nhân Sơn.
.
.
.