Vì sao phải giữ bí mật đáp án và đề thi đánh giá năng lực?

Thứ Tư, 18/05/2016, 10:05
Đợt 1 của kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) vào Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) năm 2016 đã chính thức khép lại. Mặc dù đây là một phương thức thi mới song sau 2 năm triển khai, phương thức này đã nhanh chóng lan tỏa, được dư luận xã hội quan tâm và đánh giá cao. Nhưng dư luận băn khoăn vì sao ĐHQGHN không công bố đề thi và đáp án.


Lý giải vì sao ĐHQGHN không công bố đề thi và đáp án, TS Sái Công Hồng, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, ĐHQGHN cho rằng: ĐHQGHN có nhiều lý do để không công bố đề thi. Một trong những lý do đầu tiên đó là với kỳ thi ĐGNL, đề thi được sử dụng lại nhiều lần nên không thể công bố được.

Đơn cử như trong đợt 1 của kỳ thi ĐGNL năm 2016 có 70.000 thí sinh dự thi là có 70.000 bài thi, mỗi đề thi có 180 câu hỏi. Nếu công bố đề thi và đáp án thì không còn câu hỏi trong ngân hàng đề nữa. Trong khi đó, để xây dựng ngân hàng đề thi là một quá trình vô cùng tốn kém và vất vả, công phu, mất nhiều thời gian với sự tham gia của cả trăm người.

Cũng theo ông Hồng, với bộ đề thi đã được chuẩn hóa, không chỉ Việt Nam mà các nước trên thế giới như Hoa Kỳ cũng không công bố. Bởi lẽ khác với đề thi truyền thống hiện nay, đề thi chuẩn hóa sau khi được xây dựng sẽ được thử nghiệm trên các đối tượng học sinh cụ thể. Trong quá trình đó, những sai sót của đề thi chuẩn hóa sẽ được chính thí sinh phát hiện để bộ phận làm đề hoàn thiện. Và tính chính xác của bộ đề thi đã được kiểm nghiệm qua 2 đợt thi ĐGNL năm 2015.

PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc ĐHQGHN cũng nhấn mạnh thêm: Dù không công bố đề thi nhưng ĐH Quốc gia Hà Nội đã công bố một số câu hỏi nằm trong Bộ đề mẫu để các em học sinh biết cách thức ra đề thi.

“Sắp tới chúng tôi sẽ chủ động gia tăng đề thi mẫu để các em thí sinh làm quen với đề, còn các đề thi đang sử dụng thì chúng tôi không thể công khai”, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực đợt 1 năm 2016 do ĐHQGHN tổ chức.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, năm 2016, số lượng câu hỏi trong bộ đề thi ĐGNL của ĐHQG Hà Nội đã tăng gấp đôi, với tổng số câu hỏi là 8.000 câu.

“Tôi muốn nhấn mạnh rằng, việc xã hội giám sát kỳ thi, đề thi là một nhu cầu chính đáng. Tuy nhiên, với một phương thức thi mới thì xã hội cũng cần tiếp nhận và giám sát nó theo một cách thức mới”, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm với PV Báo CAND về đề thi ĐGNL của ĐHQGHN, ông Trần Thắng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu văn hóa - giáo dục Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết: Nếu đề thi ĐGNL của ĐHQGHN được thiết kế giống như đề thi trắc nghiệm đã được áp dụng tại Hoa Kỳ như kỳ thi SAT chẳng hạn thì không cần phải công bố đáp án.

Lý do là các câu hỏi trắc nghiệm đã được chuẩn hóa, được sàng lọc kỹ lưỡng trước khi đưa vào ngân hàng đề thi. Trong số các phương án đưa ra, thí sinh chỉ chọn phương án trả lời đúng và máy sẽ tự chấm điểm. Do vậy, việc công bố đáp án không còn là điều cần thiết và quan trọng.

Tuy nhiên, ông Trần Thắng cũng cho biết: Thông thường tại các cuộc thi này, nhà trường phải công bố đề thi mẫu cho học sinh tham khảo. Trên cơ sở các dạng câu hỏi tương tự như đề thi thật, học sinh sẽ được làm quen và luyện tập tốt trước khi bước vào kỳ thi. Thậm chí, nhà trường còn phối hợp với các công ty chuyên ra đề thi có thể tổng hợp các dạng câu hỏi mẫu để in thành sách, học sinh mua sách về học để làm quen với cấu trúc của đề thi.

PGS. TS Lê Hữu Lập, Phó Giám đốc Học viện Bưu chính viễn thông cũng cho biết: Do kỳ thi ĐGNL vừa mới được tổ chức 2 năm, ngân hàng đề thi còn khiêm tốn nên nếu công bố hết đề thi thì rất dễ bị “vỡ trận” vì đề thi không còn được bảo mật. Tuy nhiên, về lâu dài, khi ngân hàng đề thi đã được bổ sung với một số lượng câu hỏi lớn vượt nhiều lần so với số lượng thí sinh dự thi, ĐHQGHN cũng nên công bố đề thi mẫu để học sinh tham khảo, nghiên cứu và xã hội cũng có cơ hội để giám sát và góp sức cùng với nhà trường hoàn thiện hơn hệ thống đề thi.

Huyền Thanh
.
.
.