Ưu tiên quy hoạch ngay mạng lưới các trường sư phạm

Thứ Bảy, 12/08/2017, 08:29
Ngày 11-8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2016-2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm học 2017-2018 các cơ sở giáo dục đại học, các trường sư phạm với sự tham gia của hơn 1.200 đại biểu ở cả ba đầu cầu Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã nêu lên hàng loạt vấn đề nóng của ngành giáo dục mà dư luận xã hội đặc biệt quan tâm như “mưa điểm 10”, nhiều thí sinh điểm cao nhưng vẫn trượt đại học, sự bất hợp lý trong việc cộng điểm ưu tiên và điểm chuẩn vào các trường sư phạm thấp.

Năm học 2016-2017 là năm đầu tiên giáo dục ĐH xác định những bước đi phù hợp và lộ trình cụ thể, đặt nền tảng vững chắc cho công cuộc đổi mới trong những năm tới và đã đạt được số thành tựu, kết quả rất đáng nghi nhận như ban hành nhiều văn bản mới nhằm tăng cường quyền tự chủ của các nhà trường, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục ĐH.

Khung trình độ quốc gia đã được ban hành; hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục được đẩy mạnh, nhiều chương trình, cơ sở giáo dục ĐH đã được kiểm định theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế; các chương trình chất lượng cao, chương trình liên kết đào tạo đã đem lại những thành quả thiết thực góp phần nâng cao tính cạnh tranh của lực lượng lao động trẻ trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, vướng mắc cần tháo gỡ của giáo dục ĐH như công tác tuyển sinh, chất lượng đào tạo, chất lượng nghiên cứu khoa học, việc làm cho sinh viên sau khi ra trường và đặc biệt là quá trình thúc đẩy tự chủ ĐH… Đây đều là những vấn đề có thật, cần phải nỗ lực để khắc phục.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục trong năm học 2017-2018 là quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm. (Ảnh minh họa)

Ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội đề xuất: Năm 2018, Bộ GD&ĐT nên giữ ổn định phương thức thi và xét tuyển, cần điều chỉnh một số kỹ thuật nhỏ để việc xét tuyển hợp lý hơn. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT nên điều chỉnh để đề thi phân hóa tốt hơn, xem xét điểm ưu tiên để áp dụng phù hợp hơn trong bối cảnh mới....

Giải đáp những vấn đề nóng mà dư luận xã hội và các đại biểu đặt ra tại hội nghị như việc thí sinh điểm cao vẫn trượt ĐH hay tỷ lệ thí sinh ảo vẫn còn nhiều, điểm chuẩn đầu vào các trường sư phạm thấp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: Với sự minh bạch do công nghệ thông tin hỗ trợ tốt nên năm nay nhiều thí sinh cùng đăng ký vào một số trường tốt, ngành hot như Y, Dược, Công an, Quân đội... trong khi chỉ tiêu các trường này không tăng, thậm chí là giảm tới 50%, nên điểm chuẩn các trường/ngành này cao là điều dễ hiểu. Về hiện tượng này, ngành Giáo dục sẽ khắc phục bằng việc ra đề thi phân hóa rõ nét hơn nữa.

Nhìn lại kỳ xét tuyển ĐH vừa qua, Bộ trưởng cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn tới thí sinh ảo là do thí sinh chưa đủ thông tin, vì vậy đã tới lúc chúng ta phải thay đổi nhận thức khi xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh, tư vấn tuyển sinh.

“Tới đây các trường sẽ tự chịu trách nhiệm về đầu vào. Vì thế, cần tính đến ngành gì thị trường cần, phân khúc nào thích hợp để tư vấn tuyển sinh. Trong đó dành nhiều thời gian tư vấn nghề nghiệp cho các em phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động”-Bộ trưởng cho biết.

Xoay quanh vấn đề cộng điểm ưu tiên, Bộ trưởng Nhạ khẳng định đó là chủ trương tốt và đầy nhân văn, không chỉ ở nước ta mà nước khác cũng áp dụng. Và không chỉ cộng điểm ưu tiên khi thi mà còn có chính sách hỗ trợ, ưu tiên trong suốt quá trình. Tuy nhiên, hiện nay tình hình thay đổi, khu vực 1-2-3 sự chênh lệch điều kiện đã khác xưa thì phải điều chỉnh cho phù hợp. Và Bộ Giáo dục sẵn sàng lắng nghe để có điều chỉnh phù hợp.

Về tự chủ đại học, Bộ trưởng cho rằng, các trường phải coi tự chủ là đích đến để nâng cao chất lượng chứ không phải chỉ là vấn đề tài chính, thay bằng cấp ngân sách nhà nước theo kiểu hành chính thì sẽ cấp theo nhiệm vụ trên cơ sở chất lượng đầu ra và không phân biệt công tư.

Về vấn đề đang được quan tâm hiện nay là đầu vào các trường sư phạm, Bộ trưởng cho biết: Tới đây Bộ sẽ có những buổi làm việc riêng với các trường sư phạm để có những tính toán sao cho phù hợp. Trong đó, việc quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm sẽ phải được ưu tiên làm ngay. Sẽ có những trường trung tâm, trường là phân hiệu và trường là vệ tinh.

“Ngành sư phạm muốn nâng cao chất lượng đầu vào phải học tập kinh nghiệm từ ngành công an, quân đội là giao chỉ tiêu hàng năm, có chính sách ưu tiên về học phí và được phân công công việc sau khi ra trường. Có như vậy, đầu vào mới cao được. Nhưng tôi cũng lưu ý, điểm đầu vào chỉ là một yếu tố, quá trình tuyển chọn giáo sinh cho các trường sư phạm phải quan tâm tới năng khiếu có tính chất nghiệp vụ, chú ý tới năng lực phẩm chất nhà giáo. Dù thế nào cũng phải làm sao giáo sinh vào trường sư phạm phải cảm thấy tự hào” - Bộ trưởng đặt vấn đề.

Ngoài ra, người đứng đầu ngành giáo dục cũng cho biết, đối với những chính sách nằm ngoài tầm kiểm soát của Bộ GD&ĐT thì bộ sẽ làm việc với Bộ Nội vụ để từng bước giải quyết. 

Huyền Thanh
.
.
.