Tuyển sinh đại học năm 2021: Chọn ngành nghề trước khi chọn trường?
Là người nhiều năm gắn bó với công tác tuyển sinh, TS. Ngô Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Gia Định đã đưa ra gợi ý về 3 bước chọn ngành, hướng nghề. Bước đầu tiên là thí sinh phải hiểu rõ chính mình bởi mỗi một ngành, nghề đều có những yêu cầu đặc thù về năng khiếu cũng như năng lực khác nhau để thành công. Nếu các em có khả năng ngôn ngữ, thích giao tiếp, các ngành về sư phạm, truyền thông, kinh doanh sẽ là phù hợp. Còn nếu các em yêu thích tính toán, con số, logic thì các ngành liên quan tới tài chính, kiểm toán sẽ là thế mạnh. Bước thứ hai là chọn ngành, chọn lĩnh vực phù hợp.
Ảnh minh hoạ: Lựa chọn ngành nghề phù hợp sẽ giúp học sinh phát huy tốt sở trường của mình. |
Theo TS Ngô Minh Hải, về nguyên tắc, học rộng thì bớt sâu, học sâu thì bớt tổng quát. Tuy nhiên, các trường đại học ở Việt Nam hiện nay chưa truyền thông rõ về hệ thống phân loại ngành nghề hoặc phân loại còn cứng nhắc, thiếu linh hoạt dẫn tới khó hiểu cho thí sinh và phụ huynh. Do vậy, trước khi chọn ngành, học sinh cần phân biệt được giữa ngành chính (ngành được ghi trên văn bằng tốt nghiệp) và ngành nhỏ, ngành phụ. Trong đó, ngành chính thường tổng quát, phạm vi kiến thức rộng, cơ hội việc làm cũng sẽ rộng mở hơn, còn ngành nhỏ, ngành phụ sẽ chuyên sâu hơn nhưng cơ hội việc làm lại bị bó hẹp hơn. Bước thứ ba mới đến chọn trường và đây cũng là bước quan trọng nhất.
Theo kinh nghiệm của TS Ngô Minh Hải, ngoài những thông tin chính thống từ trường, thí sinh còn có thể tham khảo rất nhiều nguồn khác nhau từ cựu sinh viên, doanh nghiệp, chuyên gia, cán bộ công nhân viên cũng như các tổ chức kiểm định độc lập, thậm chí cả các hội nhóm trên mạng xã hội, cộng đồng review trên mạng. Tuy vậy, nguồn thông tin tham khảo cần được phân tích tổng quát thay vì phiến diện từ người thân hoặc các kênh mạng xã hội chưa được kiểm chứng.
Ngoài ra, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Gia Định cũng lưu ý một số “bẫy” mà thí sinh cần tránh khi chọn ngành, chọn trường. Đó là chỉ chăm chăm chạy theo các ngành hot, ngành thời thượng theo xu hướng đám đông mà không căn cứ vào năng lực bản thân cũng như xu thế việc làm sau khi ra trường. “Thí sinh cần hiểu nhất là chính mình và không có câu trả lời nào tốt hơn thực tế và trải nghiệm. Do đó, sau khi xác định được ngành, nghề mà mình có thế mạnh, thí sinh nên cân nhắc thật kỹ để chọn những trường đại học nói được làm được, nói ít làm nhiều, đưa doanh nghiệp đến với sinh viên, tạo cơ hội việc làm và khởi nghiệp ngay từ trên ghế nhà trường”- TS Ngô Minh Hải chia sẻ.
Tại Ngày Hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp năm 2021 vừa được tổ chức tại Hà Nội, nhiều chuyên gia hướng nghiệp cũng đã khuyên các bạn trẻ nên lựa chọn ngành nghề theo nguyên tắc: Nghề - ngành - trường, tức chọn nghề, chọn ngành trước rồi mới chọn trường sau. Trong đó, muốn có nghề nghiệp hợp lý phải thỏa mãn cả ba đỉnh của tam giác chọn nghề. Đỉnh thứ nhất là đam mê, yêu thích, muốn sống chung cả đời với nghề nghiệp đó. Thứ hai là năng lực, khả năng và thế mạnh của bản thân. Thứ ba là cơ hội nghề nghiệp của ngành mình lựa chọn và nhu cầu thị trường lao động sau 4-5 tới.
PGS.TS Phạm Mạnh Hà-Phó Chủ nhiệm khoa các Khoa học giáo dục, ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội nhấn mạnh: Để lựa chọn ngành nghề chính xác, học sinh cần lưu ý phải dựa vào sở thích, sở trường của mình cũng như giá trị mà mình mong muốn. Bởi vì nghề nghiệp sẽ theo mình suốt cả cuộc đời, nếu không phù hợp bản thân sẽ không gắn bó với nó và rất khó có thể cống hiến hết mình. Ngoài ra, khi lựa chọn nghề, thí sinh cần mở rộng diện ngành nghề lựa chọn, lĩnh vực để làm cơ sở chọn ngành và cuối cùng là chọn trường phù hợp trên cơ sở năng lực học tập (điểm thi) mà mình đạt được.
TS Nguyễn Đào Tùng, Phó Giám đốc Học viện Tài chính cũng đưa ra một số lưu ý với thí sinh trong việc chọn nghề. Theo đó, trước đi đăng ký chọn ngành hay chọn trường thí sinh cần hết sức bình tĩnh, tự đặt câu hỏi xem ngành đó có hợp với năng lực, sở trường của mình hay không. Đặc biệt, các em không nên ngộ nhận ngành mới hoặc ngành được dự báo hot thì mới dễ tìm được việc làm sau khi ra trường. Các em cũng không nên chạy theo thị hiếu của đám đông để chọn ngành nghề, hãy cân nhắc để lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực của bản thân, điều kiện kinh tế gia đình và xu hướng việc làm sau khi ra trường.