Tuyển sinh đại học năm 2021: Ngành học nào dễ kiếm việc làm?

Chủ Nhật, 11/04/2021, 18:28
Chọn trường trước hay chọn ngành học trước? Chọn ngành học nên nương theo sở thích cá nhân hay theo định hướng gia đình?Ngành học nào dự kiến sẽ “hot” trong 4 năm tới, ngành học nào dễ kiếm việc làm? Đó là những câu hỏi được nhiều thí sinh đặt ra tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh-hướng nghiệp năm 2021 do Báo Tuổi trẻ phối hợp với Sở GD&ĐT Hà Nội và Trường ĐH Bách Khoa được tổ chức ngày 11/4.


Trả lời câu hỏi của thí sinh về việc chọn ngành hay chọn trường trước, TS. Nguyễn Thanh Bình, Trưởng Phòng Chính trị và công tác sinh viên, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội cho rằng, để tăng cơ hội trúng tuyển vào ngành học mình yêu thích, thí sinh nên chọn ngành học trước sau đó mới chọn trường. 

Theo ông Bình, hiện nay rất nhiều trường đại học cùng đào tạo một số nhóm ngành tuy nhiên điểm chuẩn trúng tuyển vào các trường lại có sự chênh lệch nên thí sinh cần tìm hiểu kỹ trước khi đăng ký. Một nguyên tắc được nhiều thí sinh vận dụng trong những năm gần đây là chọn ngành xong rồi mới sắp xếp thứ thự nguyện vọng ưu tiên dựa trên kết quả điểm thi của mình và điểm chuẩn vào các ngành học ở các trường mà mình đăng ký. 

Liên quan đến câu hỏi, học sinh nên chọn trường, chọn ngành theo sở thích của bản thân hay theo nguyện vọng của gia đình, PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng Phòng Đào tạo ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội cho rằng, sẽ rất khó để đưa ra câu trả lời có thể thoả mãn các bên trong câu hỏi này. Tuy nhiên, nên có sự trao đổi, thảo luận từ phụ huynh và học sinh để có thể đưa ra một lựa chọn phù hợp và tránh “xung đột”. Trong đó, các yếu tố có thể cân nhắc khi lựa chọn ngành nghề là sở thích, năng lực của bản thân học sinh và điều kiện kinh tế gia đình.

Các chuyên gia tuyển sinh lưu ý thí sinh cần phân biệt giữa ngành hot và ngành dễ kiếm việc làm.

Một vấn đề được rất nhiều thí sinh đặt ra tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh năm nay là ngành học nào đang hot và hứa hẹn sẽ dễ kiếm việc làm, có thu nhập tốt sau 4-5 năm tới. GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm khảo thí, Phó Trưởng ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: Một số ngành nghề thời điểm hiện tại có thể rất hot nhưng chưa chắc trong tương lai đã có nhu cầu nhân lực cao. 

Một số ngành nghề thời điểm hiện tại có thể rất hot nhưng chưa chắc trong tương lai đã có nhu cầu nhân lực cao.

Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, quan sát nhu cầu thị trường lao động những năm gần đây cho thấy,một số ngành đã và đang tiếp tục có xu hướng phát triển bền vững như công nghệ thông tin, tự động hóa, cơ điện tử… Tuy nhiên, một xã hội muốn phát triển bền vững luôn cần tất cả các ngành. Khi một ngành nào đó phát triển sẽ kéo theo sự phát triển của những ngành liên quan khác.

Dự báo thêm về nhu cầu nhân lực, thầy Thảo cho rằng các ngành có nhu cầu lớn trong tương lai như giao thông vận tải, cơ khí, ô tô, điều khiển tự động hóa, ngôn ngữ, y học. Điểm chung của các ngành này hầu hết đều thuộc khối khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, y dược...

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa Hà Nội lại lưu ý thí sinh cần phân biệt hot và ngành dễ kiếm việc làm sau khi ra trường. 

“Các ngành công nghệ thông tin và tự động hóa vẫn là những ngành có vị trí quan trọng trong cơ cấu ngành nghề trong những năm tới. Nhưng không phải vì thế mà "dễ xin việc" bởi các ngành hot đều có độ cạnh tranh cao, trong đó sự tiến bộ về công nghệ sẽ có những biến động nhiều hơn so với các ngành khác. Tại ĐH Bách Khoa Hà Nội, có những ngành xã hội chưa coi là hot nhưng sinh viên năm thứ 4 ra trường lại luôn được doanh nghiệp săn đón. Chẳng hạn như ngành kỹ thuật luyện kim, kỹ thuật môi trường…Nếu theo học các ngành này, sinh viên khi ra trường sẽ rất dễ có việc làm ổn định, vững chắc, thậm chí trở thành chuyên gia trong lĩnh vực này. Các ngành này cũng có điểm chuẩn đầu vào dễ chịu, phù hợp với các học sinh có học lực khá”-PGS.TS Nguyễn Phong Điền chia sẻ.

PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng ĐH Giao thông Vận tải cũng cho rằng, mục tiêu của Việt Nam giai đoạn 2030-2045 sẽ trở thành nước phát triển. Để hiện thực hóa điều này, trong thời gian tới cần đẩy mạnh việc xây dựng hạ tầng cơ sở như giao thông, cảng biển, do đó các ngành về kỹ thuật sẽ có nhu cầu rất lớn. Cuộc cách mạng 4.0 sẽ đưa sản xuất từ tự động sang thông minh, ngoài công nghệ thông tin, quá trình đó cũng sẽ đòi hỏi có nền tảng kỹ thuật. Do đó cơ hội việc làm những ngày này trong tương lai vẫn còn rất rộng mở.


Huyền Thanh
.
.
.