Tự chủ mà không đảm bảo được chất lượng là tự đào thải

Chủ Nhật, 29/12/2013, 09:51
Tự chủ tuyển sinh, tự chịu trách nhiệm về chất lượng đầu vào, thi chung hay thi riêng trong bối cảnh giáo dục đại học đang có những chuyển biến quyết liệt, đòi hỏi một “sản phẩm” đầu ra không dễ dãi, đáp ứng nhu cầu chất lượng nguồn nhân lực… Đó là “tâm điểm”, làm nóng hội nghị tuyển sinh đại học, cao đẳng được Bộ GD&ĐT tổ chức vào ngày 28/12.

Đổi mới thi cử, tuyển sinh dù theo hướng nào thì xét cho cùng cũng phải vì chất lượng nguồn nhân lực. Tự chủ tuyển sinh dù thực hiện sớm hay muộn thì cũng là một thách thức cho các trường, là một thước đo khẳng định thương hiệu, đẳng cấp của từng cơ sở giáo dục trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo nước nhà.

Bên lề hội nghị tuyển sinh, PV Báo CAND đã trò chuyện, trao đổi với lãnh đạo một số trường đại học để cùng chia sẻ về những “bước đi tự chủ” trong tuyển sinh mà các trường đang nỗ lực hoàn thiện, lắng nghe suy nghĩ của các nhà khoa học về chiếc áo “3 chung” liệu có quá chật với giáo dục đại học tiên tiến…

Càng tự chủ tuyển sinh, càng cần phân tầng mạnh mẽ

PV: Tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong tuyển sinh đang được nhắc đến tại nhiều diễn đàn. Vậy ông có thể cho biết, quan điểm của mình về tự chủ và giá trị của tự chủ trong đào tạo?

TS Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Đại học Nguyễn Tất Thành: Tôi cho rằng, tự chủ là thuộc tính căn bản nhất để các trường ĐH tự phát triển. ĐH là nơi sản sinh ra các kiến thức, biến kiến thức thành giá trị, dẫn dắt xã hội phát triển. Tự chủ trong tuyển sinh nghĩa là các trường phải chịu trách nhiệm đầu vào, đầu ra, đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng. Khi tuyển được học sinh có trình độ tốt thì việc giảng dạy, chất lượng đầu ra sẽ tốt hơn. Giao tự chủ cho các trường phải phù hợp với điều kiện Việt Nam. Bộ GD & ĐT đã có hơn 10 năm thực hiện “3 chung”, đây là kỳ thi nghiêm túc nhất từ trước tới nay và có tác dụng phân luồng. Các nhà khoa học đã phân tích rất rõ, chỉ có khoảng 500.000 thí sinh /gần 1 triệu thí sinh tham dự kỳ thi đại học đỗ đại học, cao đẳng, trung cấp – đây là do “3 chung” phân luồng với mức điểm sàn được coi là “ngưỡng” để phân luồng.

PV: Thưa ông, vậy các trường đã sẵn sàng bước vào “tự chủ tuyển sinh” riêng hay chưa, vì tâm thế nhiều trường vẫn ỷ lại, ngại thay đổi?

TS Nguyễn Mạnh Hùng: Đổi mới tuyển sinh cần phải có lộ trình phù hợp để dư luận xã hội, phụ huynh có điều kiện thích nghi, không bị sốc. Bộ ra quy trình đến năm 2017 sẽ chấm dứt “3 chung”, tôi cho là phù hợp, đủ thời gian để các em học sinh lớp 10 đang học làm quen dần với phương thức thi mới. Quy trình này khá khoa học, mang tính nhân văn, đáp ứng yêu cầu của thí sinh phổ thông. Khi thực hiện tuyển sinh riêng, đó cũng là hồi chuông báo động cho các trường cần có một sự chuẩn bị, từ khâu làm đề thi riêng, đòi hỏi các trường chuẩn bị cho mình một đội ngũ ra được đề thi, thực tế không phải trường nào cũng làm được. Nên đặt ra một lộ trình từ bây giờ là rất cần thiết.

PV: Vậy trường của ông có tổ chức thi riêng không?

TS Nguyễn Mạnh Hùng: Trường chúng tôi vẫn theo “3 chung”, nhưng có tuyển riêng một số lĩnh vực, ví dụ tuyển thí sinh có trình độ tiếng Anh 5.0 thì vào học chuyên ngành tiếng Anh, không cần điểm khác nữa, sẽ tuyển khoảng 500 thí sinh. Mặt khác, tôi cho rằng, nguồn tuyển cần phải điều chỉnh, các trường phải chủ động sáng tạo trong tuyển sinh, đủ năng lực đầu vào, nhưng phải đảm bảo chuẩn đầu ra.

PV: Có một thực tế là nhiều trường đại học lớn lại không mặn mà với thi riêng và vẫn tiếp tục “3 chung”, dù họ đủ năng lực làm đề, tổ chức kỳ thi riêng. Trong khi đó, nhiều trường ngoài công lập lại tổ chức thi riêng. Vậy có chăng, các trường ngoài công lập đang tìm cách hạ thấp chuẩn đầu vào của mình để lấy thêm nhiều thí sinh?

TS Nguyễn Mạnh Hùng: Đây đúng là tâm lý của một số trường ngoài công lập. Các trường ngoài công lập phải vươn lên đảm bảo chất lượng của nguồn tuyển, dù họ còn nhiều khó khăn so với các trường công lập, muốn giải quyết vấn đề này thì nhu cầu tồn tại tất yếu là phải phát triển trường ngoài công lập. Tôi cũng là một hiệu trưởng trường ngoài công lập, tôi cho rằng, trong tuyển sinh nên có phân tầng. Với trường tốp trên có điểm chuẩn cao hơn, tốp giữa có điểm chuẩn trung bình và có điểm sàn cho trường ngoài công lập, ví như tàu lớn thì đánh cá lớn, tàu bé thì đánh cá bé, tàu nhỏ đánh cá nhỏ.

PV: Mức điểm sàn hiện nay không phải là quá cao, có thể gọi là ngưỡng để phân tầng rồi. Vì sao vẫn chưa thỏa mãn các trường ngoài công lập, thưa ông?

TS Nguyễn Mạnh Hùng: Như tôi đã nói ở trên, một năm chỉ có khoảng 500.000 thí sinh đỗ đại học, chỉ tiêu này đủ cho các trường đủ nguồn tuyển. Năm nay chỉ tuyển được 78%, chứng tỏ điểm sàn là mức thấp rồi. Tôi hiểu là Bộ đã thận trọng để các trường chuẩn bị phương án tuyển sinh riêng, có thời gian cân nhắc, chuẩn bị. Và cũng đã mở cửa tự chủ cho các trường rồi. Nhưng tự chủ thì cũng phải đảm bảo chất lượng đào tạo. Tự chủ, cải tiến mà không tự đảm bảo chất lượng thì sẽ theo quy luật giá trị, quy luật cung cầu và quy luật cạnh tranh, trong đó quy luật giá trị sẽ bao trùm tất cả. Không đảm bảo ba quy luật đó thì anh sẽ bị loại ra khỏi cuộc chơi. Giá trị lớn nhất của trường đại học là sinh viên tốt nghiệp thì tấm bằng tốt nghiệp phải có giá trị với doanh nghiệp. Đây chính là cốt lõi của tự chủ. Tự chủ chính là tự tìm cho HSSV nâng cao giá trị của mình, nâng cao thương hiệu của mình.

Vẫn cần “3 chung” nhưng là một “3 chung” mở và linh hoạt hơn

PV: Là một trường đi đầu xây dựng các phương án tuyển sinh riêng, ông có thể chia sẻ gì về những “bước cải tiến” đang được đông đảo thí sinh quan tâm?

PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội: Tôi cho rằng, bất cứ thay đổi nào cũng phải được cân nhắc, thận trọng nhiều yếu tố, đảm bảo tuyển sinh diễn ra ổn định, không hỗn loạn.

Việc đổi mới tuyển sinh của ĐH Quốc gia hướng tới đổi mới căn bản, có định hướng lâu dài: chuyển từ kiểm tra kiến thức sang đánh giá năng lực, đòi hỏi phải có bước chuẩn bị khá bài bản. Đó là chuẩn bị bộ công cụ, kiểm tra năng lực cốt lõi, phẩm chất của người học. Đối với bậc cử nhân, trong năm 2014, do cần thời gian hoàn thiện bộ công cụ nên chúng tôi vẫn sử dụng kết quả thi “3 chung”. Sau đó, với thí sinh đã trúng tuyển vào trường, chúng tôi sẽ dùng bộ công cụ đó để một lần nữa đánh giá đưa các em vào đào tạo ở chương trình chất lượng cao, tiên tiến. Sau khi hoàn thiện bộ công cụ và chính sách tuyển sinh, năm 2015 chúng tôi sẽ tuyển sinh rộng rãi theo hình thức mới này.

PV: Theo ông, Bộ có nên quy định cứng nhắc là đã tuyển sinh riêng thì không được xét tuyển thí sinh “3 chung” không?

PGS.TS Nguyễn Kim Sơn: Với các trường còn đang trong giai đoạn thí điểm thì việc sử dụng kết quả “3 chung” là cần thiết. Mục tiêu của ĐH Quốc gia năm 2015 hoàn toàn có thể dựa vào hệ thống công cụ đánh giá để tiến hành tuyển sinh riêng. Nếu đơn vị nào có cả một Đề án tuyển sinh riêng độc lập thì việc họ không xét tuyển “3 chung” cũng là bình thường.

PV: Ông có lo sợ khi đó thí sinh vào trường mình sẽ ít hay không?

PGS.TS Nguyễn Kim Sơn: Chúng tôi không lo điều đó. Việc đánh giá năng lực có nhiều điểm mới so với hiện nay. Chúng tôi sẽ có hỗ trợ cho kỳ thi, qua truyền thông tuyên truyền cho các em hiểu, bộ đánh giá tiên tiến đó mang đến cho các em nhiều cơ hội.

PV: Tự chủ tuyển sinh là xu hướng của giáo dục đại học hiện đại. Nhưng nhiều ý kiến lo ngại là khi tuyển sinh riêng chúng ta lại quay về kỳ thi riêng trước khi “3 chung” xuất hiện để thay thế. Vậy quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

PGS.TS Nguyễn Kim Sơn: Tôi nghĩ, Bộ duy trì “3 chung” lâu dài là điều cần thiết, nhưng phải là một “3 chung” mới có tính mở hơn, linh hoạt, tiên tiến hơn. Sẽ có yếu tố chung, do Bộ hỗ trợ, điều tiết, nhưng phải có cái mới: tách kiểm tra đánh giá và tuyển sinh ra thành hai vấn đề độc lập, nên hình thành các tổ chức khảo thí, với những bộ đánh giá năng lực tổng hợp. Khi các trường tham gia đánh giá theo bộ tiêu chuẩn đó thì sẽ dùng kết quả để đăng ký vào các trường ĐH. Cũng giống như cả thế giới đều dùng kết quả đánh giá của TOFL, IEL. Tự chủ không có nghĩa tất cả các trường đều ra đề. Tự chủ tuyển sinh, các trường tự đề ra chính sách tuyển sinh riêng của mình, nhưng người học vẫn cần năng lực ở mức tối thiểu và Bộ vẫn cần điều tiết để người học đạt được năng lực tối thiểu.

GS.TS Nguyễn Quang Kim, Hiệu trưởng ĐH Thủy lợi: Tổ chức thi “3 chung” thấy nhàn hơn!

“Với trường chúng tôi đã cân nhắc, năm 2014 vẫn tuyển sinh “3 chung”. Với Trường ĐH Thủy lợi, và nhiều trường khác việc tuyển sinh 3 chung vẫn đáp ứng mục tiêu tuyển sinh được sinh viên có chất lượng tốt, tránh được tiêu cực hoặc những phức tạp nảy sinh khi tổ chức thi riêng, như khâu bảo mật đề, chi phí cho làm đề. Làm “3 chung” thấy nhàn hơn, mà vẫn đạt mục tiêu. Nhưng nếu Bộ giao tự chủ thì chúng tôi sẽ nghiên cứu, xây dựng phương án. Ba năm là lộ trình hợp lý để các trường vừa làm vừa rút kinh nghiệm, tiến tới tổ chức thi riêng. Tăng quyền tự chủ là tăng trách nhiệm, có các giải pháp để kiểm soát quá trình đó minh bạch, đạt được mục tiêu tuyển được sinh viên tốt, có cơ chế kiểm soát được tất cả tiêu cực tuyển sinh”.

Thu Phương
.
.
.