Truy nguyên nhân bạo lực học đường
- Nâng cao kiến thức phòng chống bạo lực học đường cho 500 học sinh
- Xử lý đối tượng phát tán video bạo lực học đường lên mạng xã hội
- Nâng cao kỹ năng phòng chống bạo lực học đường, ma túy cho học sinh
Nạn bạo lực học đường (BLHĐ) tại sao vẫn gia tăng, lại có phần ngày càng “dã man” hơn? Luật sư (LS) Phạm Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội Luật sư thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh đã có những lý giải, phân tích đáng chú ý trong cuộc trao đổi với PV Báo CAND.
Khởi nguồn từ bạo hành gia đình
Dù trong trường học, các em đều được học đầy đủ hết nhất là môn giáo dục công dân, trong đó có các nội dung như: bình đẳng giới, đạo đức làm người, đối nhân xử thế với thầy, với bạn… Tuy nhiên gần đây, vấn đề BLHĐ ngày càng khiến xã hội bất an. Theo LS Phạm Thị Ngọc Nữ, môi trường học đường không hề “có tội” trong vấn đề BLHĐ. Có một nguyên nhân sâu xa từ ngay chính môi trường gia đình.
Chia sẻ về cảm giác của mình khi chứng kiến cảnh BLHĐ, LS Ngọc Nữ nói: “Bên cạnh những hình ảnh rất đẹp, xúc động thể hiện tình thầy trò sâu nặng, tình bạn bè tri kỷ trong môi trường học đường thì cũng không thể lý giải được tại sao gần đây xảy ra ngày càng nhiều vụ việc học sinh đánh nhau, khổ tâm nhất là khi chứng kiến những clip BLHĐ mà nạn nhân bị đánh hội đồng. Vụ sau dường như dữ dằn hơn vụ trước.
Tình cảm yêu thương trong môi trường học đường biến mất không một dấu vết. Những lời hay, ý đẹp của các thầy cô, bạn bè trao đổi hay những câu chuyện xúc động về tình thầy trò mà các em đã được nghe trong giờ sinh hoạt dưới cờ không còn tác dụng. Trong các clip BLHĐ chỉ còn lại sự vô cảm và đau đớn, đó là cảnh đánh nhau dữ dội, chửi thề, thậm chí lột đồ bạn, làm nhục bạn, rồi còn vô tư dùng điện thoại quay lại để lưu giữ, truyền cho nhau”.
Những vụ bạo lực học đường đánh hội đồng bao giờ cũng gây nhức nhối cho cộng đồng, xã hội. |
Chia sẻ và lý giải về nguyên nhân liên quan tới yếu tố gia đình của BLHĐ, LS Ngọc Nữ đã trao đổi về một câu chuyện mà bà tham gia “gỡ rối” cho một nhà trường. Cách đây không lâu, bà nhận được một cuộc điện thoại của hiệu trưởng một trường THCS tại TP Hồ Chí Minh. Cô giáo nhờ bà tới tìm hiểu giúp về một học sinh (HS) nữ có một thói quen “xưng hùng xưng bá” trong trường. Đó là có tật, cứ mỗi lần mâu thuẫn với bạn thì dùng chân đá vào người bạn. Vì HS nữ này đã vi phạm tới vài chục lần đá bạn mà nhà trường không tìm ra nguyên nhân nên nhờ LS Ngọc Nữ tìm hiểu giúp.
Sau khi tiếp xúc với HS này, bà mới phát hiện, nữ HS này đã có một cuộc sống trong một gia đình bất hoà thường xuyên, chịu đựng nạn bạo hành của cha với mẹ kéo dài. Khi nghe hỏi nguyên nhân đá bạn, HS này nói vì bị bạn coi thường mình. Khi được hỏi tiếp, tại sao cứ phải đá vào người bạn dã man?
HS này thú thật vì ở nhà ba hay “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” với mẹ. Chỉ cần bà mẹ chạy ra mở cửa chậm thôi thì ba của HS này cũng “xử” mẹ bằng cách đá vào người mẹ. Trong đó một lần, nữ HS này chứng kiến cảnh ba hành mẹ dã man nhất là khi mẹ đang ngồi bằm thịt nấu canh, ba về thấy đã trễ giờ cơm tối và không nói không rằng đá mẹ một phát, không may con dao bà mẹ đang bằm thịt văng lên, mũi dao trúng vào gần mắt mẹ. Máu chảy lai láng, nữ HS này phải đưa mẹ đi cấp cứu.
Chính những lần chứng kiến như vậy đã ám ảnh cô con gái. Tìm hiểu sâu hơn mới biết, hành vi đá bạn nữ trong trường vì HS này cho rằng, sao cũng như mình mà bạn nữ kia được cha mẹ tới đưa đón, chăm bẵm, mua mua bánh, cài lại mũ bảo hiểm trước khi ngồi phía sau để mẹ đón đi học thêm, còn mình thì không được như vậy. Từ đây mà sinh ra ganh ghét bạn, và phải đá “con nhỏ” cho bõ tức.
Câu chuyện trên đây điển hình để lý giải nguyên nhân bạo hành gia đình dẫn tới BLHĐ, LS Ngọc Nữ phân tích: “Cách giáo dục trong mỗi gia đình có ảnh hưởng sâu sắc tới nhân cách một con người. Hành vi đánh bạn trên của HS trên xuất phát từ sự “uất ức” trong lòng, thấy bạn cùng trang lứa được cưng chiều, còn mình không được như vậy mà nảy sinh hiềm khích, tìm cách “đá” bạn trả thù.
LS Ngọc Nữ cũng dẫn chứng một trường hợp khác, một nam HS (16 tuổi, đang học lớp 10 tại TP Hồ Chí Minh) đã cầm dao đâm 23 nhát một người đàn ông đi đường. Nạn nhân tử vong ngay tại chỗ.
Tại Trại tạm giam Chí Hoà, khi được yêu cầu diễn lại hành vi phạm tội giết người, nam HS này đã dùng con dao đâm liên tục vào con thú nhồi bông. Sự việc được bà mẹ ngồi chứng kiến. Cứ mỗi động tác của con trai dùng dao đâm vào thú bông lại khiến bà mẹ co rúm người giật mình. Bà cho biết, con trai bà đã diễn lại hành vi giống hệt cái cách mà chồng bà đã từng bạo hành với bà khi ở nhà.
Tìm hiểu thêm trong lời khai của học sinh này, được biết, sở dĩ HS này phạm tội giết người đàn ông đi đường dù không quen biết vì không chịu nổi cảnh nhìn ông ta đánh một phụ nữ ngoài đường. Hành vi đó không khác nào cảnh mẹ HS này bị ba hành hung tại nhà. Ngay khi ấy, máu nóng nổi lên trong đầu và HS này đã chạy tới rút một con dao của một sạp bán trái cây gần đó đâm liên tiếp vào nạn nhân.
Được biết, nam HS này ngay từ 4 tuổi đã chứng kiến hành vi bạo lực như của ba với mẹ và tình trạng bạo hành gia đình xảy ra kéo dài tới khi cậu HS này phạm tội là đã 12 năm. Dẫn chứng câu chuyện thứ 2 trên, LS Ngọc Nữ muốn củng cố thêm về nhận định của mình về một trong những nguyên nhân sâu sa dẫn tới BLHĐ có liên quan mật thiết tới vấn đề bạo lực gia đình.
Có “thế lực ngầm” trong trường học
Theo LS Ngọc Nữ, một lý giải nữa về việc tại sao gần đây hay xuất hiện các vụ BLHĐ với hình thức đánh hội đồng, nhiều bạn của HS bị bạo hành thì vô tư đứng quay phim cảnh nạn nhân bị xé quần áo, bị đè ngã xuống đường, bị bạn giậm chân lên người. Nguyên nhân rất nhiều vụ việc chỉ xuất phát từ mâu thuẫn rất nhỏ, có khi là va chạm trên đường đi học, hay rất phổ biến là mâu thuẫn nói xấu nhau trên các diễn đàn, mạng xã hội,…
Qua điều tra cho thấy, đã xuất hiện một tình trạng bạo lực “ngầm” trong học đường. Cụ thể, có khi trong lớp hình thành một nhóm HS nam chơi với nhau và tôn một người trong nhóm làm “anh Hai”. Thậm chí hằng ngày nhóm người này còn đi uy hiếp các bạn khác trong lớp ép phải nộp tiền hùn cho “anh Hai” này. Có mức quy định đàng hoàng từ 10.000 hay 20.000 đồng/lần đóng. Bạn nào trong lớp không đóng khoản cống nộp này là ra khỏi cổng trường sẽ bị đánh “hội đồng”.
Nhưng, những vụ BLHĐ “ngầm” như trên, thường xảy ra bên ngoài khuôn viên nhà trường. Mọi việc thông qua mạng, tin nhắn cho nhau. HS bị “xử lý” bởi nhóm HS không phải HS trong trường. Chính vì vậy, đây là nguyên nhân tại sao nhiều vụ BLHĐ đánh nhau hội đồng xảy ra và xảy ra rất dữ dội, thậm chí có sử dụng hung khí. Khi tìm hiểu, Ban Giám thị nhà trường, Đoàn thanh niên hay đội Sao đỏ trong nhà trường không thể nào nắm bắt, ngăn chặn kịp, để xử lý.
Ngoài ra, còn một nguyên nhân nữa, đó là nhiều vụ BLHĐ rất nguy hiểm như trên đã xảy ra, song vì câu chuyện “thành tích” của nhà trường mà được giấu kín, không thông tin ra ngoài. “Do đó, theo tôi, thực trạng này là có thực đang diễn ra mà ngành Giáo dục thành phố cần quan tâm và nên phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với gia đình, ban, ngành để bảo vệ an toàn cho HS khi tới trường trước nạn BLHĐ”, LS Ngọc Nữ nhấn mạnh.