Trường công mô hình tiên tiến: Thận trọng triển khai, minh bạch trong học phí
- Chỉ có khoảng 60% học sinh được vào các trường công lập
- Học phí các trường công lập tại Hà Nội không tăng
Tuy nhiên, ghi nhận từ phía phụ huynh, giáo viên và cả những Chuyên gia giáo dục, việc triển khai cần hết sức thận trọng, trong đó điều phụ huynh mong mỏi nhất, chính là con cái họ phải được hưởng thụ thực sự một nền giáo dục hiện đại, không chỉ trên giấy và mọi chuyện phải minh bạch.
Quá nhiều băn khoăn
Được biết, sau khi được UBND TP Hồ Chí Minh cho phép xây dựng mô hình tiên tiến, hiện đại trong các trường phổ thông, trường học được chọn lựa tập trung vào những trường đã đạt chuẩn quốc gia, có cơ sở vật chất (CSVC) khang trang.
Học sinh một trường Tiểu học TP Hồ Chí Minh trong một tiết học theo mô hình tiên tiến. |
Mọi hoạt động từ chương trình, nhân sự, thiết bị đều theo khung chuẩn của UBND TP đề ra như: Trường mầm non phải có 80% giáo viên (GV) dạy giỏi cấp trường, 30% trong số này phải đạt danh hiệu GV dạy giỏi cấp quận/huyện. Trường tiểu học 100% GV đạt chuẩn và 70% có trình độ đào tạo trên chuẩn, ít nhất 30% GV dạy giỏi cấp huyện trở lên và tiếng Anh 100% đạt trình độ B2. THCS phải 100% GV đảm bảo đạt trình độ A2 tiếng Anh, và ít nhất 20% đạt trình độ B1 và 100% đạt B2. Về sĩ số lớp học tiên tiến duy trì 30 em/lớp...
Tuy nhiên, vào cuối tuần qua, ngay sau một cuộc họp PHHS đầu năm tại 1 trường THCS (quận 2 - TP Hồ Chí Minh), đây là 1 trong 3 trường của quận được lựa chọn theo mô hình tiên tiến, một số PHHS lớp 6 của trường này đã đứng dậy bỏ ra về sau khi nghe cô chủ nhiệm thông báo về khoản học phí "tiên tiến".
Một PHHS của trường này cho biết, ông cùng một số PH rất băn khoăn với khoản học phí tiên tiến.
Ông trình bày: "Chúng tôi không phủ nhận, sĩ số của lớp giảm chỉ còn 30 HS. Tuy nhiên chưa thấy được trang bị cho xứng tầm của một trường tiên tiến như chủ trương đã đề ra. CSVC vẫn vậy, vẫn là phòng ốc, cơ ngơi được xây dựng từ lâu. Trường mới đưa vào hoạt động từ năm nay. GV là đội ngũ trẻ, mới tuyển về thì không hiểu với tiêu chí đặt ra như: Ít nhất 20% GV đạt trình độ trên chuẩn; 100% đạt tiêu chuẩn dạy giỏi từ cấp cơ sở trở lên; 100% GV đạt chuẩn loại khá trở lên... nhà trường kiếm đâu ra? Thắc mắc nhất là khoản thu mô hình tiên tiến chỉ nói chung chung, không công bố rõ ràng cụ thể các khoản mà chỉ thông báo khoản nộp trọn gói là: 1.450.000 đồng. Trong khi nếu không phải mô hình này thì học phí chỉ có 100.000 đồng/tháng".
Chưa kể PH vẫn phải nộp các khoản thu thoả thuận khác như tổ chức phục vụ bán trú, VS bán trú, dụng cụ học tập, phục vụ bán trú, tiền ăn, nước uống... khoảng 550.000 đồng nữa.
Một PH khác cũng phân tích: "Nếu có tiết tăng cường tiếng Anh ila với GV nước ngoài thì cũng phải cụ thể, học phí là bao nhiêu? năm học này có thêm môn kĩ năng sống, nhiều PH đã cho con đăng kí học bơi. Sĩ số 30HS/lớp. Mô hình tiên tiến chúng tôi mới chỉ nhìn thấy có vậy nhưng từ mức học phí trường thường, nay chỉ vì được gắn thêm cái mác "tiên tiến", mức đóng tăng lên 14-15 lần so với mức trường thường?".
Ngoài ra, PH một lớp 6 cũng thắc mắc, PH vẫn được thông báo khoản "thoả thuận", tự nguyện là khoảng 60-70 triệu/lớp để trang bị cho lớp học hiện đại để mua 2 máy lạnh, dàn âm thanh cho lớp, tivi và thay rèm cửa lớp. PH thắc mắc: Vậy cái khoản 1.450.000 đồng nếu để trang bị cho CSVC lớp học hiện đại thì dùng làm gì mà lại kêu gọi PH đóng góp?
Tham khảo thêm ý kiến từ phía một cán bộ Phòng GD của 1 quận, được biết, khi được lựa chọn các trường triển khai, các trưởng phòng cũng rất lo lắng, băn khoăn về chuẩn đầu ra của HS các trường theo mô hình tiên tiến. Và cũng cho rằng, cần xem xét và thận trọng với các tiêu chí mà trường học tiên tiến đưa ra vì chưa thật phù hợp với điều kiện thực tế, nhất là chuẩn về đội ngũ GV, khó đạt được như đã đề ra.
Nhưng nhiều khi áp lực từ UBND quận muốn phải có những thành tích đột phá trong giáo dục nên Phòng GD buộc phải đăng ký. Chuyện đề án trường tiên tiến không đặt nặng chuẩn đầu vào mà chỉ cần đáp ứng khả năng tài chính là HS được tuyển vào thì cũng cần "cân nhắc".
Minh bạch, rõ ràng, không để phụ huynh bị động
Qua triển khai mô hình tiên tiến tại TP Hồ Chí Minh cho tới thời điểm này cho thấy, không phải quận nào cũng đáp ứng được các tiêu chí khi tham gia. Có quận sau khi được chỉ định chọn trường để đăng ký tham gia xây dựng mô hình tiên tiến, nhưng khảo sát và cân nhắc, nhất là với khoản thu học phí tiên tiến so với mặt bằng kinh tế dân cư trong khu vực nên vừa qua, Trường Tiểu học An Phú 1 của huyện Củ Chi đã xin rút không triển khai mô hình này. Theo đó, TP chỉ còn 23 trường triển khai.
Trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh thừa nhận, trong xu thế hội nhập, việc xây dựng trường tiên tiến, chất lượng cao theo chuẩn quốc tế với các tiêu chuẩn về đội ngũ GV, HS là ý tưởng tốt. Tuy nhiên, cần có những bước đi phù hợp, thận trọng. Khi chuyển đổi mô hình thành trường tiên tiến thì cần cụ thể hóa các mục tiêu, tiêu chuẩn như thế nào để phụ huynh chấp nhận và thấy được lợi ích.
Bà Hoàng Thị Khánh - Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật- trẻ mồ côi TP Hồ Chí Minh, người có nhiều ý kiến tâm huyết cho ngành GD, cũng cho rằng, mô hình lớp chọn hay lớp nâng cao trong trường công trước đây đã không được dư luận đồng tình. Xuất hiện tình trạng PHHS đua nhau "chạy" vào lớp chọn.
Mô hình trường tiên tiến ta đang triển khai xem ra có phần vội vàng, gợi lại về sai lầm trước đây của ngành. Chúng ta thừa nhận, các HS "gà nòi" trong lớp chọn được ưu tiên mọi mặt cả về CSVC, giảng dạy, và luôn có thành tích" nhỉnh" hơn những bạn lớp thường.
Thế nhưng khi thi tốt nghiệp, thực tế, nhiều PHHS mới "vỡ mộng" rằng, thành tích, kết quả học của con ở lớp chọn không hề cao hơn so với HS học "trường làng". Đỗ đầu, Thủ khoa có khi chỉ là HS lớp thường. Trong khi về mặt bằng thì suốt mấy năm học, vô hình chung đã tạo ra sự cách biệt trong một ngôi trường, giữa HS nhà giàu và HS nhà nghèo, không có điều kiện vào lớp chọn. Ngành GD đã từng có bài học kinh nghiệm cho việc lớp chọn, lớp nâng cao.
Cũng theo bà Khánh, khoan hãy bàn về vấn đề học phí, nên bàn về vấn đề chủ trương. Trong đó, cải tiến, đột phá không có nghĩa là không có bài bản. Sở GD-ĐT cần nghiên cứu xem mô hình tiên tiến có thể làm riêng biệt ở một trường, ngay từ đầu cả về CSVC, GV, nội dung học tập.
Tuy nhiên, với mô hình nào cũng vậy, minh bạch là yếu tố quan trọng. PH cần được biết cụ thể về nội dung học, GV ra sao, tiêu chuẩn đầu vào, đầu ra, học phí. Càng cụ thể, càng nhận được sự đồng thuận của PH. Là điều kiện tiên quyết duy trì, hay nhân rộng được mô hình này hay không.
Để PH cân nhắc, tuỳ điều kiện mà lựa chọn, không thể để PH bị động như cái cách đang làm. Trách nhiệm của trường trước hết phải lo truyền thụ kiến thức cho HS, theo mặt bằng chung của khu vực, chứ không phải theo "túi tiền" của PHHS. Điều quan trọng hơn, khi nhân rộng mô hình này phải đảm bảo các tiêu chí như khi thí điểm ở diện hẹp, vì nếu không ý nghĩa của "tiên tiến" sẽ tự mai một dần.