“Loạn” các tổ hợp xét tuyển

Thứ Bảy, 24/03/2018, 07:36
Một điều khá bất ngờ trong mùa tuyển sinh đại học năm 2018 là sự xuất hiện của nhiều tổ hợp xét tuyển khá... “lạ đời”, chẳng có mấy liên quan đến ngành đào tạo. Đơn cử như việc một số trường đại học phía Nam thông báo tuyển sinh các ngành Kế toán, Kỹ thuật, Công nghệ thông tin bằng tổ hợp khối C và tuyển sinh ngành Văn học bằng tổ hợp khối A.


Theo các chuyên gia giáo dục, việc tuyển sinh bằng các tổ hợp xét tuyển trên có thể tăng cơ hội giúp các trường “vét” người học song sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các thí sinh, khiến các em dễ phải bỏ học giữa chừng vì nền tảng kiến thức quá “lệch pha” với ngành đào tạo.

Theo phương án tuyển sinh năm 2018 của Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai, rất nhiều ngành như Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử, Công nghệ kỹ thuật ôtô, Công nghệ chế tạo máy, Công nghệ kỹ thuật xây dựng, kế toán, Tài chính ngân hàng, vốn rất xa lạ với thí sinh khối C truyền thống lại xét  tuyển bằng cả tổ hợp Văn, Sử, Địa hay Văn, Sử, Giáo dục công dân.

Riêng ngành Công nghệ thông tin trường này xét tuyển bằng cả 2 tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa) và C20 (Văn, Địa, Giáo dục công dân) ngoài các tổ hợp khác. Trong khi đó, năm 2017, tất cả các tổ hợp xét tuyển vào ngành này đều có môn Toán (Toán, Văn, Địa; Toán, Văn, Lý; Toán, Văn, Anh hay Toán, Lý, Hóa). Tương tự, Trường ĐH Hùng Vương TP Hồ Chí Minh cũng thông báo sẽ sử dụng tổ hợp C14 (Văn, Toán, Giáo dục công dân) để xét tuyển vào các ngành Công nghệ thông tin, Kế toán.

Trường cũng dùng tổ hợp C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí) và C01 (Ngữ văn, Toán, Vật lí) để xét tuyển vào ngành Quản trị kinh doanh; xét tổ hợp C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí) và C04 (Ngữ văn, Toán, Địa lí) vào ngành Tài chính- Ngân hàng.

Sử dụng các khối xét tuyển quá “lệch pha” so với ngành đào tạo sẽ mang lại nhiều rủi ro cho người học. Ảnh minh họa

Trường ĐH Nam Cần Thơ xét tuyển bằng tổ hợp Văn, Sử, Địa cho các ngành kế toán, tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, bất động sản. Trường ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh cũng dùng tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa) xét tuyển vào các ngành Quản trị kinh doanh, Kinh doanh quốc tế. Trường ĐH Bình Dương cũng thông báo sẽ tuyển bằng khối C00 (Văn, Sử, Địa) cho các ngành đòi hỏi tính toán nhiều như: Kế toán, Tài chính- Ngân hàng, Quản trị kinh doanh.

Đối lập với xu hướng dùng tổ hợp khối C để xét tuyển vào những ngành có truyền thống khối A, Trường ĐH Bình Dương lại sử dụng tổ hợp khối A để tuyển sinh các ngành học khối C. Cụ thể, ngành Văn học được nhà trường thông báo sẽ xét tuyển bằng tổ hợp không mấy liên quan là A00 (Toán, Lý, Hóa) và A01 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh). Đồng thời, trường cũng sẽ xét tuyển bằng khối C00 (Văn, Sử, Địa) cho các ngành có tính chất đòi hỏi nhiều tính toán như Kế toán, Tài chính- Ngân hàng, Quản trị kinh doanh.

Trước sự xuất hiện của các tổ hợp xét tuyển “lạ” và có phần “ngược đời” trong lịch sử tuyển sinh đại học từ trước đến nay, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, cách sử dụng các tổ hợp xét tuyển như trên là hoàn toàn thiếu tính khoa học. Thậm chí, đây có thể là “chiêu trò” để quảng cáo cho nhà trường và chiêu thức để “vét” thí sinh.

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phân tích: “Nếu nhìn vào danh mục các yêu cầu đối với chuyên ngành Kế toán như thực hiện các giao dịch tài chính, khuyến cáo các giải pháp tài chính nhờ phân tích số liệu và phương án, tóm lược tình hình tài chính thông qua thu thập thông tin, chuẩn bị báo cáo cân đối, quyết toán lỗ lãi và chuẩn bị các báo cáo tài chính khác, phân tích và thu thập thông tin kế toán để giải quyết bất cập tài chính... thì thấy chẳng có bất kỳ mối liên hệ nào với các môn Văn, Sử, Địa.

Việc các trường tuyển sinh bằng cách thức này chỉ là trò “nạo vét” người học, làm khổ học trò nên các em cần hết sức tỉnh táo”. Cũng theo ông Vinh, vì trách nhiệm với xã hội, với người học, nhà trường nên chọn tổ hợp xét tuyển theo hướng phù hợp chuẩn đầu ra của ngành đào tạo, tránh để thí sinh nhập học rồi sau 2-3 năm lại bỏ học vì không đáp ứng được thì hậu quả sẽ rất nặng nề.

Ngày 23-3, trao đổi với báo chí về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết: Điều 34 của Luật Giáo dục Đại học quy định: “Cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh”.

Quy chế tuyển sinh cũng quy định: Các trường được “Sử dụng kết quả của 3 bài thi/môn thi, trong đó có ít nhất một trong hai bài thi Toán, Ngữ văn để xét tuyển. Các bài thi/môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo; không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp bài thi/môn thi để xét tuyển cho một ngành”.

Như vậy, các trường được đảm bảo quyền tự chủ nhưng phải có trách nhiệm giải trình về việc các bài thi/môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển có gắn với yêu cầu của ngành đào tạo hay không và quy trình xác định tổ hợp tuyển sinh như thế nào?

Cũng theo bà Phụng, trong trường hợp nếu trường xác định những tổ hợp môn thi không liên quan thì trường sẽ bị bất lợi nhiều hơn được. Trước hết là dư luận xã hội nghi ngờ chính sách chất lượng của trường và khối trường đang đào tạo cùng ngành sẽ đánh giá thấp những trường như thế. Bên cạnh đó, thí sinh tốt sẽ không chọn trường này, dẫn đến trường chỉ chọn được những thí sinh kém, không có tinh thần thực học thực nghiệp, học chỉ để kiếm bằng.

Quan trọng hơn là chất lượng đào tạo và uy tín của nhà trường sẽ bị giảm sút khi thấy trường tuyển sinh bằng cách “vơ bèo vạt tép”, người sử dụng lao động sẽ nghi ngờ chất lượng đào tạo của trường, không muốn nhận sinh viên của trường. Nếu điều đó cứ tiếp diễn thì đó sẽ là quá trình “tự sát” vì trong điều kiện thông tin minh bạch như hiện nay.

Bà Phụng cũng khẳng định: “Những trường lựa chọn cách trên không nhiều. Nhưng do đã có hiện tượng như vậy nên chúng tôi sẽ theo dõi sát tình hình. Nếu thấy những tổ hợp quá bất thường, chúng tôi sẽ trao đổi, yêu cầu nhà trường giải trình những nội dung trên. Nếu không có căn cứ thuyết phục, chúng tôi có thể lựa chọn những trường có dấu hiệu tiêu cực này để trước hết, kiểm tra, thanh tra về các điều kiện đảm bảo chất lượng, việc thực hiện các quy định về tuyển sinh, đào tạo, việc đảm bảo chuẩn đầu ra và việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp...

Những trường chất lượng thấp sẽ bị cảnh báo; nếu có vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định, thậm chí đến dừng tuyển sinh và công khai cho xã hội biết để phòng ngừa chung”. Ngoài ra, bà Phụng cho biết, trong nội dung tập huấn thi tuyển sinh tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ trao đổi trực tiếp với các trường về nội dung này.

Đồng thời, Bộ GD&ĐT rất mong các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền vấn đề này để xã hội cùng quan tâm, để thí sinh nhận thức đúng vấn đề, lựa chọn đúng tổ hợp và ngành sở trường để đăng ký xét tuyển, hạn chế thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra.

Huyền Thanh
.
.
.