Không dễ kiếm điểm cao phần thi Tổ hợp Khoa học xã hội

Thứ Hai, 10/08/2020, 13:19
Sáng 10/8 tại TP Hồ Chí Minh thí sinh bước vào ngày thi cuối cùng của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. Các thí sinh dự thi bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội; buổi chiều thi môn Ngoại ngữ.


Ghi nhận, kết thúc buổi thi các môn tổ hợp, thí sinh đánh giá đề tổ hợp các môn Khoa học tự nhiên mức độ khó cao, đặc biệt là ở môn Sinh. Ở môn Sinh, ít câu hỏi về lý thuyết, nhiều câu vận dụng, bài tập là nhận xét của nhiều thí sinh tại điểm thi THPT Lê Thị Hồng Gấm, quận 3 TP Hồ Chí Minh. Ở môn Giáo dục Công dân đưa ra nhiều tình huống, trong đó có tình huống về dịch bệnh Covid-19.

Thí sinh Hồng Thuỷ (lớp 12T1, trường THPT Thủ Thiêm, quận 2) cho biết: “Môn Sinh học đề hơi khó, chỉ có 2 – 3 câu giống trong kiến thức em đã ôn, còn mấy câu thấy lạ. Tuy nhiên em cố gắng làm hết không bỏ câu nào, em tự nhận mình có thể được khoảng trên 6 – 7 điểm”.

Ngày thi thứ 2 lực lượng CSGT và Công an địa phương vẫn tích cực ra quân hỗ trợ thí sinh.

Thí sinh điểm thi THPT Thủ Thiêm thảo luận sau thi môn Địa lý
Còn bài thi Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân), các thí sinh cho biết môn Lịch sử khó, kiến thức rộng, phải học thuộc lòng nên khó làm.
Một nữ thí sinh rướm nước mắt than với mẹ môn thi Sử khó, dài.

Thí sinh Lê Hoàng Huyền Linh, Trường THPT Lê Thị Hồng Gấm (quận 3) cho biết, các môn Khoa học Tự nhiên khó dần. Môn Lý là dễ thở nhất và mức độ khó dần sang môn Hoá, Sinh. Bạn này cho rằng, môn Sinh nhiều bạn chỉ làm được khoảng 50%.

Còn một thí sinh nữ khác tại điểm thi trên cũng cho rằng môn khó nhất là môn Lịch sử bởi quá nhiều dữ liệu học bài, ngày tháng và các mốc thời gian đều liên quan đến học thuộc bài tuy nhiên rất khó nhớ nên nhiều em làm không được tốt lắm.

Tương tự, tại Hội đồng thi Trường THCS Colette, Q.3, các thí sinh rời phòng thi không được vui và nhận xét, môn Sử khó hơn đánh giá ban đầu của học sinh. Dữ liệu nhiều, nhiều thí sinh không hoàn thành bài môn Sử.

Tuy nhiên, cũng theo Thí sinh Hồng Nga (lớp 12M, trường THPT Giồng Ông Tố, quận 2) cho biết kiến thức học trên trường chủ yếu đủ để xét tốt nghiệp nếu bạn nào thi đại học thì tự có ý thức chịu khó học sẽ có được điểm cao hơn để xét vào trường đại học theo nguyện vọng.

Cũng trong sáng ngày 10/8, Đoàn công tác kiểm tra công tác thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT do Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc dẫn đầu đã tới làm việc với Sở GD-ĐT Tỉnh Bình Dương và kiểm tra trực tiếp tại một số điểm thi.

Báo cáo với thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, bà Nguyễn Hồng Sáng, Giám đốc Sở GD-ĐT Bình Dương cho biết, Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, tỉnh Bình Dương có 11.416 thí sinh tham dự kỳ thi tại 21 hội đồng thi. Sở GD- ĐT tỉnh Bình Dương bố trí 480 phòng thi tại 8 huyện, thị xã và TP Thủ Dầu Một với hơn 1.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên y tế được huy động để phục vụ kỳ thi. Sở GD-ĐT thực hiện điều chuyển 100% giáo viên giữa các trường.

Liên quan tới công tác phòng chống dịch COVID-19, bà Sáng cũng cho biết, do trước ngày diễn ra kỳ thi, một nhóm giáo viên của trường THPT Nguyễn An Ninh đi du lịch từ Đà Nẵng trở về nên tự cách ly. Do đó, Ban Chỉ đạo kỳ thi đã thay toàn bộ 70 cán bộ của trường này và bố trí vào đó là cán bộ của các trường THCS.

Kết thúc phần thi buổi sáng 10/8, khu vực Bình Dương có 16 thí sinh vắng mặt, 3 thí sinh được đặc cách và 1 thí sinh được miễn thi.

Kiểm tra công tác tổ chức thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 tại Trường THPT Nguyễn Trãi và THPT Trịnh Hoài Đức, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đã thăm hỏi học sinh, cán bộ làm công tác coi thi trước khi bước vào làm bài thi tổ hợp KHTN và KHXH.

Tại đây, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc lưu ý các trưởng điểm thi phải thường xuyên nhắc nhở học sinh đeo khẩu trang, cũng như thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo phòng tránh dịch COVID-19 của Bộ Y tế do thấy việc tuân thủ đeo khẩu trang của thí sinh tại đây có phần nơi lỏng.

H.Nga-N.Cảnh
.
.
.