Thi học sinh giỏi quốc gia phải thực chất, tuyển chọn được nhân tài
- Hà Nội dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh giỏi quốc gia
- Học sinh giỏi quốc tế có thể sẽ được tặng thưởng Huân chương Lao động
Từ sự việc này, nhiều ý kiến cho rằng, việc tổ chức thi học sinh giỏi quốc gia cần phải có sự điều chỉnh, đổi mới ở nhiều khâu để kỳ thi thực sự là sân chơi tuyển chọn nhân tài.
Ngay sau khi kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2019 diễn ra vào giữa tháng 1 kết thúc, một cuộc tranh luận về đề thi đã được các giáo viên và giới chuyên môn đặt ra. Nếu như đề thi môn Ngữ văn được đánh giá là sáng tạo, tránh được lối mòn của những năm trước thì đề thi Toán lại nhận được nhiều “gạch đá” của dư luận về chất lượng đề thi.
GS, TSKH Hà Huy Khoái, nguyên Viện trưởng Viện Toán học cũng cho rằng: Đề thi học sinh giỏi quốc gia môn Toán năm 2019 quá khó, nhiều điểm trong đề chưa sáng tạo, thiếu sự phân loại và chưa phù hợp thi học sinh giỏi.
Là người có nhiều năm trực tiếp giảng dạy và theo dõi, nghiên cứu kỹ đề thi học sinh giỏi quốc gia, thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cho biết: Đề thi học sinh giỏi quốc gia một số năm gần đây nhìn chung chưa thực sự có đồng đều, thậm chí ở một số môn như Lịch sử vẫn có một số câu “gây nhiễu”, tức chưa đạt độ chuẩn, chưa rõ ràng, minh bạch, gây tranh cãi trong đội ngũ giáo viên...
Theo kết luận của Thanh tra Bộ GD&ĐT, qua đối chiếu danh sách thành viên tham gia xây dựng đề thi đề xuất, danh sách Hội đồng ra đề năm 2015, 2016, 2017 và danh sách đội ngũ giáo viên, giảng viên tham gia tập huấn, bồi dưỡng đội tuyển dự thi học sinh giỏi quốc gia của 4/63 tỉnh, thành cho thấy, có một số thành viên vừa tham gia xây dựng đề thi đề xuất, vừa là thành viên của Hội đồng ra đề thi, nhưng đồng thời tham gia bồi dưỡng tập huấn cho các đội tuyển dự thi của các tỉnh, gây dư luận không tốt và tiềm ẩn khả năng lộ bí mật, thiếu khách quan.
Bên cạnh đó, đối với công tác chấm thi, thanh tra Bộ GD&ĐT cũng chỉ ra nhiều lỗi trong quy trình chấm thi. Kết quả kiểm tra xác xuất việc chấm thi ở 27 bài thi năm 2017 cho thấy, đối với chấm thi lần 1, việc chấm điểm trên bài thi có nhiều sai sót. Giám khảo chưa chấm độc lập bài thi theo quy định của quy chế và quy định chấm thi năm 2017.
Ngoài ra, việc phúc khảo bài thi năm 2017 cũng có vấn đề. Kiểm tra 4 bài thi có thay đổi điểm sau phúc khảo (2 bài môn Hóa, 2 bài môn Sinh học) cho thấy không có biên bản mở, kiểm tra túi bài thi.
Bộ GD&ĐT nên công bố đề thi và đáp án các môn thi học sinh giỏi quốc gia để giáo viên và học sinh đối chiếu, tham khảo. Ảnh minh họa |
Chia sẻ với phóng viên về vấn đề này, PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&DT cho biết: Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia trong 10 năm qua đã được dư luận xã hội ghi nhận và đánh giá cao.
Đặc biệt, trong 5 năm liên tục từ 2014 - 2018, các đoàn học sinh giỏi Việt Nam tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế có những tiến bộ vượt bậc cả về số lượng và chất lượng huy chương theo hướng kết quả năm sau cao hơn năm trước.
Điều đáng nói hơn là học sinh có mặt trong đội tuyển quốc gia và lập thành tích xuất sắc tại các Olympic khu vực và quốc tế được rải đều ra trên phạm vi toàn quốc, không chỉ tập trung ở các trường chuyên thuộc trường đại học ở đô thị lớn hoặc các một vài trường THPT chuyên có bề dày thành tích như nhiều năm trước đây; trong đó, có nhiều em đoạt giải cao là học sinh nghèo vượt khó, có bố mẹ là người lao động bình thường, hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn. Kết quả này đã khẳng định tính khách quan, công bằng của kỳ thi.
Tuy vậy, ông Trinh cũng thừa nhận trong tổ chức thi vẫn còn có hạn chế như một số đơn vị mời các thầy cô giáo đưa học sinh trong đội tuyển về Hà Nội để ôn tập trước khi thi, gây ra thắc mắc hoặc băn khoăn, nghi ngại trong dư luận về tính khách quan, công bằng của công tác tổ chức thi và kết quả thi...
Cũng theo PGS.TS Mai Văn Trinh, để khắc phụ tình trạng trên, Bộ GD&ĐT đã thực hiện các giải pháp đổi mới trong tổ chức thi, nhất là ở các năm 2018, 2019 với rất nhiều các giải pháp như tăng cường huy động các cán bộ trẻ, được đào tạo ở nước ngoài, ở nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, tại các vùng miền khác nhau trên cả nước tham gia công tác chuyên môn của kỳ thi.
Hạn chế đến mức tối đa việc mời cán bộ, giáo viên, giảng viên đã nghỉ hưu giới thiệu đề đề xuất và tham gia các hội đồng ra đề thi, chấm thi; đồng thời quán triệt nguyên tắc không cử những người dạy cho các đội tuyển dự thi chọn học sinh giỏi quốc gia của các địa phương năm tổ chức thi tham gia để dần khắc phục tình trạng các địa phương tập trung về Hà Nội hoặc tìm mời các chuyên gia ôn tập, luyện thi gây ảnh hưởng xấu trong dư luận về tính khách quan, công bằng của kỳ thi. Đặc biệt, năm 2019, Bộ không mời người dạy cho các đội tuyển dự thi năm nay tham gia ra đề thi.
Về khâu ra đề thi, để đảm bảo khách quan, Bộ đã chú trọng chọn lọc những đề thi tốt, có tính bảo mật cao hơn. Việc chọn người chấm thi giống như quy trình soạn thảo đề thi và "người làm tổ trưởng ra đề thi thì không làm tổ trưởng chấm thi".
Quy trình chấm thi và chấm phúc khảo cũng được thực hiện nghiêm ngặt theo đúng quy chế. Đặc biệt, trong 5 năm gần đây, không có khiếu kiện về kết quả thi chọn học sinh giỏi quốc gia. Tuy vậy, Bộ vẫn đang tiếp tục triển khai nghiên cứu, xem xét toàn diện các khía cạnh của công tác thi chọn học sinh giỏi để tiếp tục đổi mới công tác thi đạt hiệu quả cao hơn.