Thi THPT chỉ để xét tốt nghiệp: Lãng phí, “gây khó” cho học sinh?

Thứ Ba, 21/04/2020, 18:50
Ngày 21/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về phương án thi THPT năm 2020. Cuộc họp đã đưa ra phương án vẫn tổ chức thi THPT nhưng sẽ tập trung vào mục tiêu chính là xét tốt nghiệp THPT nhằm đánh giá mặt bằng chất lượng học sinh phổ thông cả nước.

Việc tuyển sinh đại học (ĐH) sẽ giao cho các trường tự chủ. Ngay sau khi phương án này được đưa ra đã nhận được nhiều phản ứng từ dư luận xã hội.

Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết: Khá bất ngờ về phương án thi THPT năm 2020 mà Bộ GD&ĐT đưa ra. Theo thầy Tùng, với phương án này, nhiều giáo viên sẽ “tăng huyết áp”, học sinh thì “tăng áp lực” còn đề tham khảo của Bộ GD&ĐT sẽ không còn tác dụng. Phần lớn các trường đại học (ĐH) sẽ gặp khó khăn, vất vả và tốn kém do phải xây dựng các phương án tuyển sinh.

“Sao không vẫn thi như cũ để giữ ổn định cho toàn hệ thống, đặc biệt là học sinh. Đằng nào cũng một lần tổ chức, kết hợp được cả hai mục tiêu “một công đôi việc” sẽ đơn giản và tiết kiệm hơn. Từ trước đến nay, mấy ai quan tâm đến thi tốt nghiệp, nhà nhà chỉ quan tâm đến thi đại học thôi. Với phương án thi chỉ để xét tốt nghiệp này, dường như  Bộ GD&ĐT đang “làm khó” gần 1 triệu học sinh. Dạy và học trong đại dịch COVID-19 như trong thời chiến, nguồn lực thì cạn kiệt mà thi cử lại mệt mỏi hơn”- thầy Tùng nêu ý kiến.

Còn theo cô Bùi Thanh Hà, giáo viên Trường THPT Nam Đàn (Nghệ An), việc thay đổi phương án thi từ 2 mục tiêu sang kỳ thi chỉ để xét tốt nghiệp là khá đột ngột và không phù hợp. Với phương án này, “thiệt hại” nhất vẫn là học sinh vì cả năm đang học một kiểu bỗng nhiên đến phút chót quay ra thi một kiểu.

“Tôi thấy thương học sinh của chúng tôi, nhất là các em học lực khá và giỏi đã chăm chỉ học tập từ đầu năm đến nay. Với khát khao được vào trường ĐH như ý, các em đã phải nỗ lực học tập trong mọi điều kiện. Bây giờ kỳ thi thay đổi mục tiêu, dù các trường ĐH chọn phương án tự tổ chức thi riêng hay xét học bạ cũng đều không công bằng với các em”- Cô Hà chia sẻ.

Chuyên gia tuyển sinh của một trường ĐH tại Hà Nội cũng cho rằng, quá lãng phí nếu chỉ tổ chức 1 kỳ thi quốc gia chỉ để xéttốt nghiệp.

Theo chuyên gia này, việc Bộ GD & ĐT bỏ kỳ thi “2 trong 1”, thay bằng kỳ thi chủ yếu để xét tốt nghiệp là hơi vội vàng, vì từ đầu năm nay, thí sinh đã chuẩn bị tâm thế và cách thức tham gia thi THPT quốc gia, giờ mục tiêu kỳ thi thay đổi như này sẽ gây xáo trộn lớn.

Khi dịch COVID-19 xảy ra, rất nhiều vấn đề phát triển kinh tế xã hội của đất nước đã được điều chỉnh, thậm chí được ứng xử đặc cách thì về Luật Giáo dục, chúng ta hoàn toàn có thể điều chỉnh được, để việc xét tốt nghiệp có thể thực hiện được.

Cũng theo vị chuyên gia này, nếu bắt buộc phải tổ chức một kỳ thi chung thì kỳ thi phải hướng tới nhiều mục đích, vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển ĐH, không nên chỉ xét tốt nghiệp. Như vậy sẽ rất khổ học sinh. Và muốn kỳ thi thực hiện nhiều mục đích thì đề thi phải phân hóa, nhưng không phân hóa mạnh như năm trước vì năm nay học sinh không đủ điều kiện để học tập chu đáo.

Kỳ thi THPT năm 2020 sẽ được tổ chức vào tháng 8.

“Sẽ có nhiều kênh để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, nếu tổ chức 1 kỳ thi mà cả xã hội cùng vào cuộc để qua đó đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông thì Bộ GD & ĐT phải cân nhắc, tính toán lại”-chuyên gia này đề xuất.

TS.Trần Khắc Thạc, Phó Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Trường ĐH Thủy Lợi thì nêu quan điểm: Thi THPTquốc gia hay thi tốt nghiệp THPT thì đều phải tổ chức 1 kỳ thi và mục đích làm gì đối với mỗi kỳ thi là do chúng ta chứ không phải do luật, luật do các nhà quản lý đề xuất.

Chọn phương án nào cho khả thi nhất thì phải xem xét đến một số yếu tố cơ bản như học sinh, người học được gì sau kỳ thi đó, sau đó có phải tham gia các kỳ thi khác hay không; kết quả kỳ thi đó làm gì nếu chỉ để có bằng tốt nghiệp THPT không thôi thì có đáng phải tổ chức 1 kỳ thi không?

Theo TS. Trần Khắc Thạc, trong bối cảnh dịch COVID -19 diễn biến phức tạp như thế này, các em học sinh nói chung và học sinh lớp 12 nói riêng đã rất mệt mỏi thì việc tinh gọn, giảm tải kỳ thi là cực kỳ cần thiết.

Một kỳ thi tối ưu là phải “không gây rối loạn về tâm lý, rối loạn về định hướng cho học sinh; không gây rối loạn về cách thức xét tuyển vào ĐH, cao đẳng nghề; không gây thêm tốn kém cho xã hội, người dân trong bối cảnh cuộc sống đã đang gặp rất nhiều khó khăn do COVID - 19 gây nên”.

TS Lê Viết Khuyến, Trưởng ban hỗ trợ tuyển sinh, Hiệp hội các trường đại học-cao đẳng Việt Nam phân tích: Việc điều chỉnh kỳ thi THPT 2020 theo hướng chỉ xét tốt nghiệp như phương án mà Bộ GD&ĐT đưa ra thực tế không sai với Luật. Thậm chí đây là một cách “lách” khéo của Bộ nhằm giảm bớt áp lực, buộc các trường ĐH phải tự chủ tuyển sinh theo Luật giáo dục ĐH.

Tuy nhiên, điều chỉnh này không chỉ khiến nhiều trường ĐH bị động trong xét tuyển mà sẽ “gây khó” cho học sinh, đặc biệt là dễ tạo ra sự không công bằng với học sinh có học lực khá, giỏi, chăm chỉ học tập từ đầu năm đến nay.

“Theo phương án mà Bộ GD&ĐT đưa ra, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 có thể sẽ bỏ bớt một số môn thi, nhiều khả năng là bỏ 2 tổ hợp xét tuyển là bài thi Khoa học Tự nhiên và Khoa học xã hội. Như vậy, các trường ĐH sẽ khó có thể xét tuyển dựa vào kết quả của kỳ thi này vì các tổ hợp xét tuyển hiện nay phần lớn đều liên quan đến 2 bài thi này.

Nếu muốn sử dụng kết quả để xét tuyển, các trường buộc phải tổ chức thi thêm ít nhất 1 môn. Còn nếu không muốn sử dụng phương án này, các trường sẽ phải tự tổ chức thi riêng hoặc xét tuyển học bạ, kết hợp thi tuyển với xét tuyển theo Luật giáo dục ĐH.

Nhìn chung, với phương án này, buộc các trường ĐH phải tự chủ trong tuyển sinh, các địa phương cũng được tự chủ, tự chịu trách nhiệm về chất lượng kỳ thi tốt nghiệp. Tuy nhiên, thí sinh sẽ gặp khó khăn, thiệt thòi khi phương án thi, tuyển sinh bị thay đổi đột ngột”- TS Lê Viết Khuyến nói.

Sẽ thi tốt nghiệp THPT 2020 phù hợp với tình hình thực tế

Cuộc họp giữa Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ GD&ĐT đã đưa ra phương án vẫn tổ chức thi THPT nhưng sẽ tập trung vào mục tiêu chính là xét tốt nghiệp THPT nhằm đánh giá mặt bằng chất lượng học sinh phổ thông cả nước.

Điều này nhằm bảo đảm khắc phục những ảnh hưởng của dịch COVID-19 tới việc dạy và học, đồng thời vẫn tuân thủ đúng quy định của Luật giáo dục. Bộ GD&ĐT tiếp tục chịu trách nhiệm ra đề thi, áp dụng công nghệ thông tin để quản lý chặt chẽ bài thi, tiếp tục tổ chức chấm thi trắc nghiệm trên máy tính. Địa phương được giao chủ trì công tác tổ chức thi, coi thi, chấm thi tự luận. Về tuyển sinh, các cơ sở giáo dục đại học thực hiện theo quyền tự chủ được quy định trong Luật Giáo dục đại học.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ GD&ĐT tiếp thu ý kiến các chuyên gia để sớm hoàn thiện phương án thi, trình Thủ tướng Chính phủ. Phương án thi phải căn cứ vào tình hình thực tế, các cơ sở pháp lý và định hướng đổi mới thi đang triển khai, nhất là Luật Giáo dục 2019 sẽ có hiệu lực vào tháng 7/2020(PV)

Thu Phương-Huyền Thanh
.
.
.