Nhiều băn khoăn về thi tuyển sinh 10 bị ảnh hưởng bởi COVID-19
Đề thi 10 sẽ không đổi. Đó là “trấn an” của lãnh đạo ngành giáo dục TP Hồ Chí Minh. Song, càng sát tới thời điểm kỳ tuyển sinh 10- 2020 dự kiến vào 17-7, thì thầy, trò tại nhiều trường học trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vẫn lo như ngồi trên đống lửa.
Học đến đâu, thi đến đó
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh vẫn cho biết, học sinh (HS) đừng nên lo lắng bởi định hướng của Sở là học đến đâu thì thi đến đó. Chương trình ra đề thi không nằm ngoài những kiến thức HS đã học.
Về việc hai lần phải trì hoãn tới lớp vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, tiến độ học chậm, lịch thi 10 đã dời chậm hơn 1,5 tháng so với mọi năm, ông Hiếu cho hay, Sở sẽ tổ chức kiểm tra nội dung theo tiến độ dạy và học thực tế. Miễn là HS đảm bảo tự học và nắm chắc kiến thức trong chương trình và vận dụng kiến thức trong quá trình làm bài tập.
Ngoài ra, thời gian thi sẽ tính toán theo các quyết định của Bộ GD-ĐT. Mọi năm, sau khi kết thúc năm học từ 1 - 2 ngày, Sở tổ chức tuyển sinh lớp 10, năm nay cũng vậy. Nếu kết thúc năm học là ngày 15-7 như khung kết thúc năm học mà Bộ GD-ĐT công bố trong tuần qua thì có thể kỳ thi lớp 10 năm nay sẽ diễn ra vào khoảng ngày 17-7.
Thí sinh TP Hồ Chí Minh phấn khởi sau môn thi Văn kì tuyển sinh 2018-2019 |
Về cấu trúc và nội dung đề thi, ông Hiếu cũng khẳng định: Dù thời gian học của HS bị gián đoạn dài do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng kỳ thi tuyển sinh 10 sẽ không bị tác động về mặt cấu trúc. Nội dung kiến thức vẫn có mức độ phân hóa.
Nói rõ hơn về cấu trúc đề thi, ông Dương Bửu Lộc, Chuyên viên toán phòng Phổ thông trung học của Sở GD-ĐT TP.Hồ Chí Minh cũng cho biết, đề thi tuyển sinh lớp 10 năm 2020 môn Toán sẽ giống như năm 2019. Cụ thể, đề có 8 câu, thời gian làm bài 120 phút. Trong đó, câu 1, 2 là dạng toán cơ bản thuần túy về hàm số, đồ thị, phương trình; 5 câu tiếp theo là dạng toán thực tế; câu 8 là toán chứng minh hình học.
Các bài toán dạng thuần túy là dạng bài rất dễ lấy điểm, HS đã rất quen thuộc. Vì thế, khi ôn tập, HS cần chú ý làm cho thuần thục để tránh mất điểm trong khi thi. Về dạng toán thực tế, mức độ vẫn gắn với kiến thức HS đã học.
Lo thiếu hụt kiến thức và không kịp trao kỹ năng cho học sinh khi đi thi
Tuy nhiên, trao đổi với PV, thầy Võ Kim Bảo- GV dạy môn văn của trường THCS Nguyễn Du, Q.1 chia sẻ, thầy rất lo với môn học này trong tình trạng học sinh phải học trên mạng, học trên truyền hình như hiện nay do dịch COVID-19 không thể lên lớp ngồi nghe giảng.
Theo thầy Bảo, khác với các khối lớp khác, lớp 9 lên lớp 10 các em phải học hành rất dữ mới có thể nắm bắt hết khối lượng kiến thức mà các thầy muốn truyền tải trong nội dung phải học bắt buộc của môn Văn. Việc dạy online chỉ là giải pháp “tình thế”. Chất lượng không thể bằng khi đi học được nghe giảng dạy chính khoá.
Môn học Toán, các thầy có thể dựa trên đáp án, đáp số. Còn môn Văn khi học muốn biết HS nắm bắt, hiểu ra sao thì còn phải được nghe thầy trực tiếp giảng, lắng nghe các em trình bày ý tưởng, diễn đạt vấn đề. Đúng-sai thể hiện ra sao và được giáo viên phát hiện, uốn nắn ngay. Các bài giảng Văn qua kênh học trên truyền hình chỉ đạt yêu cầu” an toàn”! HS không lĩnh hội hết được ý tứ trong một đề Văn.
Trong khi ấy, khối lượng học hết học kỳ 1 -lớp 9 là HS phải nắm bắt được 19 tác phẩm văn học. Trong mỗi tác phẩm HS phải trải qua làm thực tế 5-6 đề văn/tác phẩm. Để phát triển sự tư duy của HS. Sau khi nộp bài, thầy sẽ biết năng lực, kỹ năng của từng HS trong môn Văn mà sửa cho từng em.
Liên quan tới việc giảm tải, tiết giảm chương trình học, thầy này cũng cho biết, Văn khác Toán. Giảm thì sẽ bị thiếu hụt bài. Thiếu hụt kiến thức cho HS khi lên lớp trên. Cấu trúc một đề thi Văn không quan trọng, quan trọng là nằm ở khối lượng kiến thức được ngấm dần vào từng HS qua quá trình học, giảng của thầy và của từng trò. Học Văn là phải nắm được kỹ năng.
Cũng theo thầy Bảo, kỳ thi 10-2020 dự kiến là 17-7, tức là kéo muộn hơn 1,5 tháng so với mọi năm. Nhưng khoảng thời gian này với môn Văn là quá ngắn ngủi, khó kéo được một lượng kiến thức khổng lồ với 19 tác phẩm văn học nhân với 6 đề văn/tác phẩm. Đề thi của thành phố lại “khá căng” để đảm bảo việc “sàng lọc” lấy theo chỉ tiêu vào từng trường THPT và mục tiêu phân luồng HS, phân hoá HS của thành phố.
"Riêng trong học kỳ I- lớp 9, HS TP Hồ Chí Minh phải trải qua 9 bài kiểm tra môn văn: 4 bài hệ số 1, 4 bài hệ số 2, và 1 bài kiểm tra cuối học kỳ. Và hoàn tất 19 tác phẩm văn học mới chỉ là khối lượng kiến thức cho phần thi tuyển 10 môn văn ( 4 điểm). Còn 6 điểm nữa phải lấy được trong phần thi nghị luận, liên hệ thực tế… Chưa kể tới kiến thức học kỳ 2 phải hoàn tất. Theo tôi, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề tới việc học tập của cả thầy vào trò các lớp đầu cấp năm nay mà từng HS, từng giáo viên phải cố gắng khắc phục”, thầy Bảo nhấn mạnh.