Tạo mọi điều kiện để học sinh đến trường đúng ngày khai giảng

Thứ Tư, 05/09/2018, 06:19
Ngày 5-9, đã đến ngày khai giảng năm học mới, nhưng ở các trường của huyện Quan Hóa, Mường Lát, Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc, Thạch Thành... (Thanh Hóa) vẫn ngập bùn đất do đợt lũ vừa qua. 


Tại Trường Tiểu học Trung Sơn (huyện Quan Hóa), dãy nhà 2 tầng, 6 phòng học đã bị đổ sập hoàn toàn, đồ dùng học tập, tài sản của nhà trường cũng bị vùi lấp. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa phối hợp với chính quyền địa phương cùng các đơn vị Công an, Quân đội nỗ lực khắc phục hậu quả thiên tai để kịp tổ chức khai giảng năm học mới. Phấn đấu hôm nay, các điểm trường bị ảnh hưởng do mưa lũ trên địa bàn sẽ kịp tổ chức khai giảng cho học sinh.

Tại các điểm trường bị ngập trên địa bàn các huyện Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Cẩm Thủy, Bá Thước, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp với chính quyền địa phương khi nước rút khẩn trương cào bùn đất, rác thải ra khỏi khu vực trường. 

Một số trường nằm trong vùng trũng như Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Cẩm Sơn (huyện Cẩm Thủy), Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Vĩnh Yên (huyện Vĩnh Lộc)... do không kịp dọn bùn đất khi nước rút nên có nơi bùn đọng lại dày hơn 50cm. Ban Giám hiệu nhà trường đã huy động phụ huynh học sinh cùng các đơn vị Công an, Quân đội, Đoàn Thanh niên, xe chuyên dụng của Cảnh sát PCCC để dọn rửa nhanh bùn đất. 

Lễ thượng cờ Tổ quốc đón năm học mới tại Trường THPT Võ Chí Công, huyện biên giới Tây Giang.

Đến nay, tất cả các điểm trường bị ngập đã cơ bản khắc phục xong để kịp tổ chức lễ khai giảng năm học mới.

Ông Mai Xuân Giang, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Lát cho biết: Dù bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ, song thực hiện chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục chủ động các phương án để kịp tổ chức lễ khai giảng năm học mới. 

Theo đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện chủ động các phương án gộp ba cấp học (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) tại một điểm trường chính có cơ sở vật chất bị thiệt hại nhẹ nhất để tổ chức lễ khai giảng năm học 2018-2019. 

Đối với học sinh mầm non, tiểu học ở các khu lẻ trong các bản vùng sâu, vùng xa, nơi các phòng học bị phá hủy hoàn toàn, nhà trường có thể cho học sinh tạm nghỉ, không phải đến điểm trường chính ở trung tâm xã dự lễ khai giảng để đảm bảo an toàn cho học sinh...

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa, đợt thiên tai vừa qua đã khiến 36 điểm trường trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại nặng nề, trong có có 24 điểm trường bị ngập sâu trong nước, 10 điểm trường bị thiệt hại do sạt lở đất và 2 nhà bán trú cho học sinh và giáo viên bị sập hoàn toàn...

Để giúp các em học sinh đến trường đúng khai giảng, khắc phục hậu quả mưa lũ, các cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Thanh Hóa đã không nghỉ lễ, tập trung lực lượng, phương tiện tăng cường xuống các địa bàn vùng lũ phối hợp với các lực lượng chức năng và nhân dân sơ tán và di dời tài sản. 

Sau khi nước rút, Công an các huyện lại tiếp tục giúp dân dựng lại nhà cửa, dọn dẹp bùn đất, thông đường, thông tuyến; đến các điểm bị ngập lụt và các hộ gia đình người già, neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn bị thiệt hại do mưa lũ để giúp nhân dân làm vệ sinh môi trường, nạo vét, gạt xúc hàng nghìn mét khối bùn đất, rác thải, đồng thời thau rửa, dọn dẹp, lau chùi và kê đặt lại bàn ghế, đồ dùng học tập để các em học sinh có thể đến trường dự khai giảng năm học mới.  

l Trước thềm khai giảng năm học mới 2018-2019, vào ngày 3-9, tại xã biên giới Axan, huyện Tây Giang, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam phối hợp với UBND huyện Tây Giang, tổ chức khánh thành và đưa vào sử dụng Trường THPT Võ Chí Công. Công trình được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt với số vốn đầu tư gần 24 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh.

Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết việc khánh thành, đưa vào sử dụng Trường THPT Võ Chí Công trước thềm năm học mới sẽ giúp các em học sinh THPT dân tộc thiểu số ở 4 xã vùng biên giới khó khăn của huyện Tây Giang gồm Axan, Trhy, Gari, Chơm không phải di chuyển quãng đường dài để xuống trung tâm huyện học như trước, góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục ở khu vực biên giới của tỉnh Quảng Nam. 

Theo kế hoạch, trong năm học 2018-2019, Trường THPT Võ Chí Công tổ chức giảng dạy nội trú cho hơn 200 học sinh với 2 khối lớp 10 (3 lớp) và 11 (3 lớp). Có mặt tại Trường THPT Võ Chí Công, chúng tôi ghi thấy niềm vui, sự hồ hởi của các giáo viên cũng như học sinh nơi miền biên ải này. 

Em Tơngôl Chứ (học sinh lớp 11, trú xã Chơm, huyện Tây Giang) cho biết trong năm học trước, em phải lặn lội từ nhà xuống trung tâm huyện để học lớp 10 với quãng đường dài gần 70km đầy cách trở. Khi Trường THPT Võ Chí Công được đưa vào hoạt động, em Chứ đã chuyển từ trường cấp III ở trung tâm huyện về học tại đây, giúp em rút ngắn khoảng cách từ nhà đến trường chỉ còn gần 20km. 

Còn em Alăng Sinh (trú xã Gari) là học sinh lớp 10 khóa đầu tiên của Trường THPT Võ Chí Công, tâm sự rằng, nhờ trường mới được đưa vào sử dụng đúng dịp năm học này, nếu không em sẽ phải nghỉ học vì để học THPT phải xuống tận dưới trung tâm huyện Tây Giang thì xa quá, nhà em Sinh cách trung tâm huyện đến hơn 60km. Giờ khoảng cách từ nhà đến trường Võ Chí Công của em Sinh chỉ còn hơn 10km... 

Thầy giáo Nguyễn Công Tươi, Hiệu trưởng Trường THPT Võ Chí Công chia sẻ, việc có được ngôi trường THPT khang trang ở khu vực biên giới Tây Giang là niềm mong mỏi của người dân và học sinh các xã biên giới. Trong năm học mới, tập thể sư phạm nhà trường sẽ phấn đấu dạy tốt, hoàn thành tốt chuyên môn nghiệp vụ của mình.

Ông Bhling Mia, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, cho biết, Trường THPT Võ Chí Công là một trong những công trình trọng điểm của huyện, điểm nhấn cho sự phát triển giáo dục ở vùng cao Tây Giang. Thời gian tới, huyện sẽ nghiên cứu, đề xuất để Trường THPT Võ Chí Công tiếp nhận và hỗ trợ dạy học cho các em học sinh ở 6 cụm bản phía nước bạn Lào nhằm giúp học sinh Lào có điều kiện học tập tốt nhất; góp phần thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó keo sơn giữa người dân và chính quyền hai bên biên giới.

Theo Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam, chuẩn bị cho năm học mới 2018-2019, tỉnh Quảng Nam đã đầu tư gần 362 tỷ đồng xây mới 562 phòng học; sửa chữa 102 phòng học; xây mới 176 công trình vệ sinh. Bên cạnh đó còn đầu tư gần 177 tỷ đồng để mua sắm máy vi tính, thiết bị, bảng chống lóa, đóng mới bàn ghế học sinh. Phần lớn nguồn lực đầu tư của tỉnh chủ yếu dành đầu tư cho hệ thống cơ sở giáo dục ở khu vực miền núi. Về đội ngũ giáo viên cơ bản đáp ứng được yêu cầu của năm học mới.

Phương Thủy - Ngọc Thi
.
.
.