“Tăng tốc” đào tạo tiến sĩ – Phải rất thận trọng!

Thứ Hai, 20/11/2017, 09:15
Hiện dư luận vẫn đặc biệt quan tâm tới Đề án nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ giảng viên và quản lý đại học đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục đến năm 2018-2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Trong đó, Bộ đề xuất trong vòng 7 năm (2018-2025) sẽ đào tạo 9.000 tiến sĩ với khoản kinh phí lên tới 12.000 tỉ đồng.

Đề án này đã nhanh chóng nhận được nhiều phản ứng khác nhau, không ít ý kiến bày tỏ lo ngại, nếu cứ đặt kế hoạch và áp chỉ tiêu đào tiến sĩ sẽ cho ra đời hàng loạt "lò" đào tạo tiến sĩ mà số lượng sẽ át chất lượng.

Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Bích San, Viện Nghiên cứu tư vấn và phát triển, nguyên Phó tổng thư ký Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam xung quanh đề án nghìn tỷ này.

PV: Việc Bộ GD&ĐT đề xuất với Chính phủ đào tạo thêm 9.000 tiến sỹ trong bối cảnh hiện nay có hợp lý không, thưa ông?

PGS.TS Phạm Bích San: Theo cá nhân tôi điều này hoàn toàn không hợp lý vì hiện nay chúng ta có hơn 24.000 tiến sĩ nhưng chúng ta không biết họ đang làm gì, cũng chưa đánh giá được tiến sĩ có đóng góp được gì hay không. Trong khi đó, hầu hết các phát minh, sáng kiến nhỏ nhất trong nông nghiệp đều là do nông dân mà chưa thấy vai trò của tiến sĩ ở đâu.

Đề án đào tạo 20.000 tiến sĩ hiện vẫn chưa có đánh giá, chưa biết hiệu quả thế nào, bao nhiêu người có việc làm, bao nhiêu người về nước cống hiến, bao nhiêu người ở lại nước ngoài làm việc, họ có phải nộp lại tiền cho Nhà nước hay không? Bên cạnh đó, kinh tế đất nước hiện còn nhiều khó khăn, ngay trong ngành Giáo dục, còn rất nhiều vấn đề cần ưu tiên hỗ trợ như xây dựng lại trường lớp sau lũ lụt, giáo viên nghỉ hưu chỉ được hưởng lương vài triệu.

Do vậy, nếu đặt Đề án đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ trong tổng thể những câu chuyện này thì cá nhân tôi cảm thấy có gì đó thật bất ổn.

PV: Theo số liệu của ngành Giáo dục, tỷ lệ tiến sĩ là giảng viên tại Việt Nam hiện còn thấp, chỉ khoảng từ 20-22%, trong khi đó, tỷ lệ này tại Thái Lan là 27%. Liệu chúng ta có cần “tăng tốc” để nâng tỷ lệ lên 35% như trong đề án?

PGS.TS Phạm Bích San: Đúng là tỷ lệ tiến sĩ của chúng ta còn thấp so với các nước trong khu vực, chỉ mới đạt trên 20%. Việc nâng tỷ lệ này lên cũng là điều cần thiết, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế đang ngày càng mạnh mẽ, cạnh tranh trong lĩnh vực giáo dục đại học ngày càng quyết liệt. Tuy nhiên, nâng đến con số nào, cần thêm bao nhiêu, khả năng chịu đựng được của nền kinh tế đến đâu và cần ưu tiên cho những lĩnh vực nào cần có sự tính toán thận trọng.

Thay vì “tăng tốc” tỷ lệ tiến sĩ lên 35% như trong đề án, theo tôi vẫn có những cách làm khác nhanh gọn và hiệu quả hơn. Đó có thể là giải thể, sáp nhập một số trường chất lượng thấp, đào tạo không đạt chuẩn, không có người học thì tỷ lệ tiến sĩ chung sẽ tăng lên. Hoặc cũng có thể rà soát lại số tiến sĩ đào tạo xong không giảng dạy, không làm công tác nghiên cứu khoa học mà chỉ làm cán bộ lãnh đạo, quản lý để đào tạo lại hoặc bố trí lại cho phù hợp...

Tóm lại là cần phải thanh lọc lại, xác định rõ tiến sĩ hiện nay họ là ai, họ đang ở đâu, họ đóng góp được những gì trước khi đề xuất đào tạo thêm, đào tạo mới.

PV: Nhìn lại công tác đào tạo tiến sĩ của chúng ta trong thời gian qua, ông đánh giá thế nào?

PGS.TS Phạm Bích San: Cá nhân tôi cảm thấy rằng dường như chúng ta đang có một sự nhầm lẫn cả về mục tiêu và khái niệm, đó là đào tạo tiến sĩ để ra làm quan, làm cán bộ, lãnh đạo. Bên cạnh đó, việc xác định số lượng đào tạo không phù hợp dẫn đến chất lượng đào tạo không đảm bảo, không đạt chuẩn, chất lượng đào tạo tiến sĩ có vấn đề.

PGS.TS Phạm Bích San.

Bài học nhãn tiền từ Đề án 911 là không tuyển đủ chỉ tiêu, không phân bổ ngân sách, cấp học bổng cho đối tượng đủ khả năng và tiêu chí. Do vậy, việc cần làm hiện nay là phải điểm lại số cũ, ai chưa đạt chuẩn thì phải đào tạo lại cho đạt chuẩn. Với việc đào tạo mới, cần tính toán xem đào tạo xong có tạo được công ăn việc làm cho họ hay không khi mà đào tạo ra 1 tiến sĩ hiện rất đắt đỏ, tạo việc làm cho tiến sĩ cũng vô cùng đắt đỏ. Rồi  ngân sách Nhà nước, nền kinh tế có đủ sức để trả lương cho hàng loạt tiến sĩ được đào tạo mới hay không?

Nói tóm lại, nếu đào tạo không mang lại hiệu quả, không đảm bảo chất lượng thì thì đừng nên đào tạo thêm nữa.

PV: Theo ông, việc chi 12.000 tỷ đồng để đào tạo 9.000 tiến sĩ là đắt hay rẻ?

PGS.TS Phạm Bích San: Khó có thể đặt ra câu trả lời đắt hay rẻ. Bởi điều này tùy thuộc vào việc đào tạo thế nào, đào tạo ở đâu. Theo kinh nghiệm của cá nhân tôi, tại châu Âu, đào tạo tiến sĩ từ 3-4 năm tại 100 trường top đầu là 200.000 USD. Còn theo đề án của Bộ GD&ĐT, để đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ phải mất khoảng 12.000 tỷ, tức khoảng 1,3 tỷ cho một tiến sĩ.

Như vậy, nếu đào tạo ra tiến sĩ đạt chuẩn, tiến sĩ thực học thì con số đó không phải quá cao. Song vấn đề đặt ra là liệu có chi đủ số tiền, chọn đúng người vì không phải ai đi học cũng được trở thành tiến sĩ. Đặc biệt là chất lượng đào tạo như thế nào, có đạt chuẩn không, hay vẫn như cũ khi mà đây vẫn là mối quan tâm, lo lắng nhất của toàn xã hội.

PV: Đặt chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ cho cả một giai đoạn, hiện có nước nào trên thế giới làm theo cách này không, thưa ông?

PGS.TS Phạm Bích San: Tôi chưa thấy nước nào làm theo cách này. Theo tư duy quản lý hiện đại, thường thì người ta đưa ra định hướng như thế nào chứ không phải đặt ra kế hoạch. Điều này cho thấy, cách làm này vẫn tiếp tục tàn dư của thời bao cấp, đào tạo, quản lý theo cách đặt chỉ tiêu và can thiệp quá mức một cách không cần thiết. Thay vì đặt kế hoạch và giao chỉ tiêu, hãy để nền kinh tế tự điều tiết và các trường đại học được tự chủ. Nếu chỉ mải mê chạy theo chỉ tiêu thì chúng ta sẽ có thêm nhiều tiến sĩ rởm.

PV: Cách đây hơn 1 năm, cả xã hội đều choáng váng và lo lắng khi phát hiện nhiều sai phạm từ một số “lò” đào tạo tiến sĩ siêu tốc. Với đề án này, liệu có nguy cơ tiếp tục sản sinh ra những “lò” đào tạo tiến sĩ?

PGS.TS Phạm Bích San: Từ câu chuyện về “lò” đào tạo tiến sĩ trong năm 2016 với việc 1 người hướng dẫn 7 tiến sĩ và 42 thạc sĩ cho thấy, nhiều cơ sở đào tạo tiến sĩ trong nước đã và đang bỏ qua nhiều quy định mang tính nguyên tắc. Đó là đào tạo phải đúng chuẩn, đạt chuẩn, phải đảm bảo chất lượng.

Tại hầu hết các nước trên thế giới, bảo vệ xong, tiến sĩ phải có ít nhất 2 công trình được đăng tải trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín. Với chúng ta, việc này rất khó và như thế tức là việc đào tạo tiến sĩ của chúng ta hiện nay chưa đạt chuẩn.

PV: Theo ông, tăng số lượng tiến sĩ liệu có tăng chất lượng đào tạo bậc đại học?

PGS.TS Phạm Bích San: Đây không phải là mối quan hệ tuyến tính. Thực tế cho thấy, việc tăng số lượng tiến sĩ có thể  làm cho chất lượng giáo dục tăng lên hoặc không tăng lên, thậm chí cũng có thể giảm. Việc tăng tỷ lệ tiến sĩ nhất định phải theo nhu cầu của nền kinh tế, tùy thuộc vào từng cơ sở giáo dục và từng ngành đào tạo chứ không phải theo ý chí của cơ quan quản lý. Nếu đào tạo ồ ạt sẽ dẫn đến chất lượng không đảm bảo, dư thừa và lãng phí trong khi đất nước còn nhiều việc cần ưu tiên hơn.

PV: Như vậy, nhu cầu đào tạo tiến sĩ phải xuất phát từ các trường đại học chứ không phải từ việc cơ quan quản lý vẽ ra đề án nghìn tỷ?

PGS.TS Phạm Bích San: Các trường đại học trên thế giới đều tự chủ. Tự chủ là thuộc tính tiên quyết cần phải có bởi chỉ có tự chủ, các trường đại học mới có thể đào tạo con người phù hợp với những gì mà xã hội cần. Việc đào tạo số lượng bao nhiêu, ưu tiên vào những ngành gì cũng nên là việc của các trường đại học, hãy để họ được tự chủ và tự chịu trách nhiệm. Chẳng việc gì cơ quan quản lý phải ôm đồm, trừ khi đó là định hướng đào tạo theo cuộc cách mạng 4.0 với bộ máy hành chính giỏi, công tác dự báo tốt.

PV: Mới đây, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, sẽ triển khai đề án theo cách khác, tức kinh phí không rót về cơ sở đào tạo nào cả mà là cho những người trực tiếp đáp ứng được các tiêu chuẩn để được nhận học bổng. Theo ông, điều này liệu có khả thi?

PGS.TS Phạm Bích San: Thực sự mong muốn mọi việc diễn ra xuôi chiều, thuận lợi như điều Bộ trưởng nói. Tuy nhiên, cá nhân tôi vẫn còn nhiều băn khoăn. Đơn cử như việc, thế nào là chủ động, thế nào là tự chủ vì đây là hai khái niệm khác nhau. Do vậy, việc các trường đại học được chủ động hay tự chủ là hai câu chuyện khác.

Thực tế cho thấy, chỉ khi nào các trường đại học có tự chủ thì họ mới có trách nhiệm hoàn toàn với việc chọn người xứng đáng. Bởi nếu không làm tốt, không chọn đúng người, chính các trường sẽ bị xã hội đào thải.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Huyền Thanh (thực hiện)
.
.
.