Tận dụng kỳ nghỉ dài ngày do COVID-19 để dạy trẻ kỹ năng sống

Thứ Hai, 16/03/2020, 09:18
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiều địa phương trên cả nước đã quyết định tiếp tục cho học sinh từ Mầm non đến Trung học cơ sở (THCS) nghỉ học đến hết tháng 3-2020. Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, đây là thời gian “vàng” để phụ huynh có thể gần gũi với con, tăng cường dạy trẻ những kỹ năng sống mà vì nhiều lý do khác nhau, giáo dục ở trường thường chưa “chạm” tới.

Thạc sĩ Đỗ Khánh Phượng, giáo viên Ngữ Văn, Trường Phổ thông Hermann Gmeiner Hà Nội chia sẻ: Nhìn nhận ở khía cạnh tích cực, đợt nghỉ học dài ngày vì dịch COVID-19 đã giúp cho nhiều gia đình xích lại gần nhau hơn, bố mẹ cũng có nhiều thời gian hơn bên cạnh con cái.

“Đâu đó trong nỗi âu lo mang tên COVID-19 bên mâm cơm gia đình, chúng ta chợt thấy đã lâu cả nhà mới có cảm giác sum vầy mỗi ngày. Mấy chị em ở lại thành phố tự trông nhau, cùng gia đình trở về quê trú ngụ hay theo mẹ cha đi làm - đứa trẻ nào cũng đang sở hữu một “giấy thông hành” hạnh phúc như vậy vào mùa dịch. Thật dễ để quên đi và cũng thật khó để nhận ra một niềm vui giản dị: Vào những ngày này, mỗi đứa trẻ từ mầm non đến đại học đều mong ngóng cha mẹ đi làm về hơn ngày thường và hơn bao giờ hết.

"Giấy thông hành" trao cho cha mẹ toàn thời gian của các con. Dịch bệnh sẽ chấm dứt. Thời gian con toàn thời gian bên cha mẹ cũng sẽ qua đi. Trong quãng đường trưởng thành tiếp theo, có thể chẳng còn khoảng thời gian nào đặc biệt như vậy. Sẽ thật tiếc nuối nếu cha mẹ bỏ lỡ khoảng thời gian quý giá và tấm “giấy thông hành” giá trị này” - cô giáo Đỗ Khánh Phượng nói.

Đợt nghỉ học dài ngày do COVID-19 là cơ hội để trẻ em học kỹ năng sống. (Ảnh minh họa).

Cũng theo Thạc sĩ Đỗ Khánh Phượng, COVID-19 chính là bối cảnh thực tế minh chứng rằng việc học tập vượt ra ngoài không gian của trường lớp. Học sinh tại các thành phố lớn đang sở hữu hệ thống hỗ trợ học trực tuyến bài bản từ sự đồng hành mỗi ngày của thầy cô qua Google Hangouts, chương trình học trực tuyến của các đài truyền hình hay lớp học không khoảng cách của Hocmai.vn...

Cùng với lịch học, đây cũng là khoảng thời gian để học sinh có thể trau dồi kỹ năng thông qua việc làm bếp, dọn dẹp nhà cửa, trồng cây hay đọc những cuốn sách các con yêu mến và làm những điều mà các con ấp ủ trong lòng. “Khi giấy thông hành” yêu thương vẫn còn thời hạn, cha mẹ hãy bớt đi một chút lo lắng để cùng với con học, chơi và tận hưởng kỳ nghỉ dài bất đắc dĩ này”- cô giáo Đỗ Khánh Phượng nhắn nhủ.

Đồng quan điểm này, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN cũng thừa nhận: “Đợt nghỉ dài ngày vì COVID-19 có thể xem là giai đoạn mà nhiều bà vợ hài lòng về các ông chồng nhất vì hết giờ làm là về nhà. Các con cũng thích thú vì bố mẹ dành thời gian cho con nhiều hơn, bắt đầu nói chuyện với con nhiều hơn. Việc này đáng lẽ là chức năng của gia đình nhưng chúng ta đã lỡ bỏ quên”.

Do đó, TS Trần Thành Nam cho rằng, đây cũng chính là cơ hội tốt để các gia đình nhìn lại, dành nhiều thời gian để bồi dưỡng cho con những phẩm chất, kỹ năng cần thiết để giúp con có thể thành công trong tương lai.

TS Giáp Văn Dương, người sáng lập nền tảng giáo dục trực tuyến Giapshool cũng cho biết: Kỳ nghỉ dài “bất đắc dĩ” vì dịch COVID-19 chính là cơ hội để phụ huynh dạy con những gì quan trọng với cuộc sống, những thứ mà giáo dục nhà trường chưa “chạm” tới. Trước đây trẻ đến trường cả ngày và mắc kẹt vào bài vở nên không ưu tiên học các kỹ năng này. Nay nhân cơ hội được nghỉ ở nhà, cha mẹ có thể tận dụng thời gian này để dạy con học nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, làm việc nhà, vệ sinh cá nhân, lên kế hoạch học và chơi... dưới sự hướng dẫn của ông bà, cha mẹ.

Nói rộng hơn là giúp con học cách tổ chức cuộc sống cá nhân và gia đình. Đây là việc học thiết thực và quan trọng. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng có thể dạy con cách tổ chức cuộc sống cá nhân, từ sắp xếp thời gian sao cho đi ngủ và thức dậy đúng giờ, giữ gìn vệ sinh cá nhân hợp cách, sắp xếp sách vở, bàn học ngăn nắp, giữ cho phòng riêng được sạch sẽ gọn gàng, giữ đúng thời gian biểu đã thoả thuận cùng bố mẹ…

Ngoài ra, các phụ huynh có thể dạy con các kỹ năng sống cơ bản, như biết xin lỗi và cảm ơn; Biết chào hỏi; Biết nói điều mình muốn, hỏi đáp nhã nhặn, lễ phép; Biết biểu lộ cảm xúc đúng mực; Biết ôm bố mẹ và anh chị em; Biết khen ngợi và an ủi người khác; Biết nghe khi người khác nói. Và sau đó là những kỹ năng sinh tồn, như cách về nhà nếu đi lạc, nếu gặp hoả hoạn thì phải làm sao, sang đường thế nào cho an toàn, tiêu tiền thế nào cho đúng, những tình huống nào là nguy hiểm…

“Cứ giản dị như thế, đi từ chính con người mình ra những việc xung quanh, từ trong nhà ra ngoài ngõ, từ cụ thể đến trừu tượng, từ hiện tại đến tương lai… Không có giáo trình cụ thể. Cũng không có thời khoá biểu cố định. Nhưng thường trực, tận tâm và kiên trì. Như thế, cha mẹ không chỉ là cha mẹ, mà còn là người đồng hành cùng con, vừa hướng dẫn, vừa hỗ trợ con đi qua cuộc sống này trong những năm tháng đầu đời” - TS Giáp Văn Dương chia sẻ.

Huyền Thanh
.
.
.