Dạy kỹ năng sống cho trẻ: Phải đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu

Thứ Bảy, 24/08/2019, 06:27
Sau vụ việc 3 trẻ bị bỏng nặng, phải nhập viện cấp cứu, sau khi tham gia 1 buổi học kĩ năng sống tại lớp mầm non tư thục Tuổi Thơ (Duy Tiên, Hà Nam), điều mà dư luận xã hội đặt ra là dạy kỹ năng sống cho trẻ là cần thiết nhưng phải đảm bảo an toàn, đúng cách.


Đặc biệt, cơ quan quản lý giáo dục cũng cần tăng cường rà soát đối với hoạt động dạy kỹ năng sống, nhất là tại các trung tâm dạy kỹ năng sống đang “nở rộ” tại các thành phố lớn.

“Nở rộ” các lớp học kỹ năng sống

Nhận thấy việc dạy kỹ năng sống cho trẻ là cần thiết trong khi thời lượng giảng dạy môn học này trong hệ thống trường công lập hiện nay còn tương đối ít nên nhiều trung tâm dạy kỹ năng sống đã ra đời. Các trung tâm này thu hút khá đông phụ huynh học sinh tại các thành phố lớn, nhất là vào các dịp nghỉ hè. 

Phải thừa nhận, trong thời gian qua đã có nhiều chương trình dạy kỹ năng sống được tổ chức khá công phu, chuyên nghiệp thu hút rất đông học sinh tham gia như “Học kỳ trong quân đội”, “Học kỳ Công an”; các khóa tu tập mùa hè; các khóa học “làm người có ích”; trại hè trong nước, trại hè quốc tế... 

Nhiều cơ sở giáo dục ngoài công lập bậc mầm non, tiểu học cũng lồng ghép trong chương trình giảng dạy chính khóa nhiều nội dung về kỹ năng sống để thu hút học sinh... 

Giờ thực hành kỹ năng sống của học sinh tiểu học. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, do hoạt động này vẫn chưa được kiểm soát chặt, thậm chí nhiều nơi còn buông lỏng dẫn đến chất lượng dạy chưa cao, thậm chí độ an toàn của chương trình giảng dạy tại nhiều nơi dường như cũng được thẩm định. 

Cùng với đó, tình trạng các lớp dạy kỹ năng sống gom học sinh cho đủ lớp với nhiều độ tuổi khác nhau nên tính hiệu quả không cao. Lý do là ở mỗi độ tuổi nhất định trẻ cần được trang bị những kỹ năng khác nhau...

Theo chuyên gia giảng dạy kỹ năng sống tại Tâm Việt group, kỹ năng sống là thứ mà mỗi người cần dùng mọi lúc, mọi nơi, suốt đời, cho mọi người và cho chính mình. Chính vì vậy, ngay từ nhỏ, trẻ em cần được rèn luyện kỹ năng sống cơ bản như kỹ năng sống tự lập, thuyết trình, giao tiếp, tư duy học tập hiệu quả… 

Khi chọn các khóa học kỹ năng sống cho trẻ em, cha mẹ nên tìm hiểu kỹ chương trình học cụ thể bao gồm những nội dung gì, trẻ được trải nghiệm các hoạt động như thế nào… Hiện nay, có rất nhiều nơi tổ chức khóa học kỹ năng sống, với nhiều nội dung khác nhau. 

Giáo viên giảng dạy là ai, chi phí cho khóa học bao nhiêu tiền cũng là điều phụ huynh nên cân nhắc. Phụ huynh nên chọn những khóa học mà trẻ được rèn luyện cả về thể chất và tinh thần, gia tăng năng lực cá nhân, nâng cao ý chí, hoàn thiện những kỹ năng cần có để áp dụng vào học tập và cuộc sống.  

Tuy vậy, các chuyên gia cũng lưu ý: Kỹ năng sống là môn học thay đổi từ nhận thức cho đến hành vi, cảm xúc nên cần cả một tiến trình lâu dài. Vì vậy, phụ huynh cũng không nên phó mặc hoặc đặt quá nhiều kì vọng sau một khóa học, bé sẽ thay đổi thành người khác hẳn. 

Các khóa học tại các trung tâm có thể giúp trẻ thay đổi ý thức và một số thói quen, nhưng điều quan trọng vẫn cần sự quan tâm, dạy bảo, uốn nắn thường xuyên của gia đình để phát huy được những điểm mạnh riêng của từng bạn nhỏ.

Cần một chương trình dạy kỹ năng sống thống nhất

Là người có nhiều năm nghiên cứu kỹ năng sống cho trẻ em, TS. Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: Dạy kỹ năng sống có tính đặc thù riêng. Yêu cầu quan trọng trong giáo dục kỹ năng sống cho trẻ là vấn đề an toàn. Đây là môn học yêu cầu sự an toàn được đặt ra cao hơn các môn học khác. Tuy nhiên, nếu yêu cầu này chưa được nhận thức đúng, có thể tạo ra những rủi ro không đáng có cho trẻ. 

“Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT cần có một chương trình thống nhất về dạy kỹ năng sống, nhất là tại các trung tâm. Khi chúng ta có một chương trình thống nhất, các trung tâm sẽ dạy theo một chương trình. Cùng với đó, các cơ quan quản lý giáo dục địa phương cũng cần tăng cường sự kiểm tra, giám sát đối với hoạt động này để đảm bảo an toàn, chất lượng”- TS Vũ Thu Hương nêu ý kiến.

Bắt đầu từ năm 2017, Bộ GD&ĐT quy định các trung tâm dạy kỹ năng sống phải được sự thẩm định chương trình của các viện nghiên cứu. Với một chương trình phải được thẩm định qua 7 chuyên gia. Bên cạnh đó, các giáo viên mầm non và tiểu học muốn dạy kỹ năng sống phải có chứng chỉ dạy kỹ năng sống. 

Đối với hoạt động dạy kỹ năng sống trong các cơ sở giáo dục, ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non - Bộ GD&ĐT cho biết: Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn triển khai giáo dục kỹ năng sống trong các trường học từ mầm non đến bậc phổ thông từ nhiều năm nay. 

Theo đó, nội dung giáo dục kỹ năng sống trang bị cho người học những kỹ năng cơ bản, cần thiết, hướng tới hình thành những thói quen tốt giúp người học thành công. Riêng đối với bậc mầm non, tất cả nội dung trong chương trình do Bộ GD&ĐT ban hành đều được thẩm định kỹ lưỡng, nhiều chuyên gia phản biện, góp ý. 

Bộ GD&ĐT không chỉ đạo cơ sở giáo dục thực hiện những nội dung giáo dục kỹ năng sống chưa qua thẩm định; cũng không khuyến khích hoạt động giáo dục kỹ năng sống mà không bảo đảm an toàn cho trẻ.

Huyền Thanh
.
.
.