TP Hồ Chí Minh: Kỳ thi tuyển sinh 10 diễn ra an toàn, nghiêm túc

Thứ Sáu, 17/07/2020, 16:21

Hơn 82.000 học sinh TP Hồ Chí Minh vừa hoàn thành kỳ thi vào lớp 10 trong hai ngày 16-17/7 với 3 môn thi Toán- Văn- Anh. Tại cuộc họp nhanh với báo chí chiều 17/7, ông Nguyễn Thành Trung, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, kỳ tuyển sinh 10 năm 2020 tại TP Hồ Chí Minh đã diễn ra an toàn, nghiêm túc.



Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh, trong ngày thi cuối cùng môn Toán vắng 594 thí sinh. Tỷ lệ thí sinh đi thi đạt 99.2%. Đối với môn Chuyên, chiều ngày 17/7 có 6.400/6700 thí sinh dự thi đạt tỷ lệ 95.7%.

Dự kiến điểm thi vào lớp 10 TP Hồ Chí Minh sẽ được công bố vào ngày 27/7. Ngày 29/7 Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh sẽ công bố điểm thi, điểm chuẩn vào trường chuyên, lớp chuyên, lớp chương trình tích hợp và diện tuyển thẳng. Điểm chuẩn vào lớp 10 THPT được công bố vào ngày 21/8.

Kết thúc môn thi toán vào trưa cùng ngày, theo nhận xét của một số các thầy chuyên toán tại TP Hồ Chí Minh thì đề thi toán được đánh giá là không khó. Nhưng để đạt điểm cao lại không dễ. Thí sinh dễ dàng đạt được điểm 5,6 nhưng để lấy điểm cao đòi hỏi những em thật sự xuất sắc.

Nhận xét về đề thi toán năm nay, thầy Nguyễn Đăng Khoa, giáo viên trường THCS Tân Túc, huyện Bình Chánh cho biết, đề thi vừa sức, có lẽ do dịch COVID-19 ảnh hưởng đến hoạt động học tập của học sinh nên giảm mức độ khó của đề.

Theo thầy Khoa, phần đại số đồ thị và hệ thức vi-et căn bản học sinh sẽ lấy được 2,5 điểm. Các bài toán ở câu 3,4,5,6,7 hầu hết ở các dạng giáo viên đã ôn tập.

Thí sinh tại điểm thi THCS Kiến Thiết ( quận 3) kết thúc môn thi Toán trong tâm trạng vui tươi, tự tin.

Phần hình học, ý đầu câu a,b học sinh dễ lấy điểm, các ý còn lại cần sự tư duy nhiều hơn. "Với đề thi này, tôi dự đoán phổ điểm tập trung 4,5,6. Mức điểm 7 trở lên sẽ xuất hiện nhiều".Thầy Khoa nói thêm.

Thầy Lâm Vũ Công Chính, giáo viên trường THPT Nguyễn Du, quận 10 cũng cho biết, cấu trúc đề thi tương tự đề thi của năm trước, trong đó câu 1, câu 2 và câu 8 là những câu "truyền thống" với tổng điểm 5,5 điểm. Các câu còn lại là các bài toán thực tế, mỗi câu từ 0,75 đến 1 điểm.

Cũng theo thầy Chính cách đặt vấn đề của câu hỏi thực tế đòi hỏi thí sinh phải có khả năng phân tích và hiểu câu hỏi. Đặc biệt câu số 3 của đề thi đặt ra vấn đề can, chi của Âm lịch, tuy khá lạ với học sinh nhưng mang ý nghĩa giá trị truyền thống rất lớn.

Dự kiến phổ điểm môn này sẽ từ 6 đến 7 điểm. Những học sinh khá, giỏi mới có thể đạt được điểm 8 trở lên.

H.Nga -N.Cảnh
.
.
.