THPT quốc gia 2018: Nhiều câu hỏi nhìn từ phổ điểm

Thứ Năm, 12/07/2018, 20:04
Mặc dù đề thi THPT quốc gia năm nay được đánh giá là có độ phân hóa cao hơn, phổ điểm nhìn chung cũng thuận lợi hơn cho các trường trong việc xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Tuy vậy, việc phổ điểm nhiều môn thi vẫn còn mất cân đối theo hai hướng quá thấp hoặc quá cao khiến dư luận tiếp tục băn khoăn về việc liệu đề thi đã thực sự chuẩn hóa hay chưa. 


Đặc biệt, kết quả thi có thực sự đáng tin cậy để các trường, nhất là trường top đầu làm căn cứ để xét tuyển vào đại học hay vẫn phải cần thêm một kỳ thi phụ đối với những ngành học mang tính đặc thù.

Đề thi một số môn vẫn chưa thực sự đạt chuẩn?

Nhận xét về phổ điểm các môn thi THPT quốc gia 2018, giáo viên của Trung tâm giáo dục Hocmai cho biết: Môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí có phổ điểm đẹp nhất và gần với phân phối chuẩn nhất. 

Trong đó điểm trung bình và điểm trung vị của các môn này giao động từ 4,5- 5,5 điểm. Các môn Toán, Ngữ văn có phổ điểm không được đẹp nhưng phân bố điểm cũng gần với phân phối chuẩn, trong đó phổ điểm môn Toán “mượt” hơn còn môn Ngữ văn thì hơi “giật cục” có thể do đề thi môn Ngữ văn là tự luận và điểm thi có ảnh hưởng của yếu tố chủ quan người chấm. 

Nhiều ý kiến cho rằng, cần sớm có một cuộc tổng kết để đưa ra những đánh giá khách quan về kỳ thi “hai trong một”.

Các môn Tiếng Anh, Lịch sử, Giáo dục công dân có phổ điểm xấu nhất. Trong đó, phổ điểm môn Lịch sử bị lệch hẳn về bên trái, điểm trung bình là 3,79; điểm trung vị là 3,5; số thí sinh bị điểm liệt (< 1,0 điểm) là 1277, cao thứ 3 sau Tiếng Anh và Toán. Môn Tiếng Anh cũng có phổ điểm lệch trái; điểm trung bình là 3,91; số thí sinh bị điểm liệt là 2189 cao nhất trong các môn; và cũng có tới 78% số thí sinh có điểm dưới trung bình. 

Trái ngược 2 môn trên thì môn Giáo dục công dân lại có phổ điểm lệch hẳn về bên phải, điểm trung bình và điểm trung vị đều rất cao (lần lượt là 7,13 và 7,25), đặc biệt, số thí sinh đạt điểm dưới trung bình chưa tới 5%, số thí sinh bị điểm liệt là 321 thấp nhất trong các môn. 

Riêng môn Toán, biểu đồ phổ điểm năm 2018 phía bên phải điểm trung vị dốc hơn hẳn phổ điểm năm 2017, điều này cho thấy mức độ phân hóa của đề thi môn Toán năm nay cao hơn năm 2017, đề thi cũng khó hơn đúng như dư luận phản ánh, thực tế thì cả nước chỉ có 2 điểm 10 Toán so với “mưa điểm 10” năm 2017 với gần 300 điểm.

Đồng quan điểm trên, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học cho rằng: Khi nhìn phổ điểm của kỳ thi quốc gia năm 2018 một cách tổng quan có thể khẳng định đề thi năm nay đã có sự tiến bộ rõ rệt so với năm ngoái, đặc biệt thể hiện ở khâu chuẩn bị ngân hàng câu hỏi tốt hơn nên phổ điểm tốt hơn, toàn diện hơn. 

Tuy vậy, nếu nhìn cụ thể phổ điểm từng môn cho thấy, phổ điểm của 3 môn là Lịch sử, Tiếng Anh và Giáo dục công dân vẫn chưa thật sự đạt chuẩn. Lý do là phổ điểm môn Lịch sử và Ngoại ngữ bị lệch về bên trái, còn môn Giáo dục công dân lệch về bên phải, như vậy rõ ràng là phổ điểm không cân đối. 

Ngoài ra, ông Khuyến cũng cho rằng, nếu xét ở mục tiêu  thi quốc gia là kỳ thi tốt nghiệp THPT và nhiệm vụ của kỳ thi này là đánh giá kết quả học tập của học sinh có đạt được mục tiêu đặt ra đối với chương trình THPT hay không thì phổ điểm nhiều môn thi trong kỳ thi THPT chưa đạt được khi tỷ lệ thí sinh đạt điểm dưới trung bình (dưới 5 điểm) ở nhiều môn thi quá lớn, trong đó, có những môn lên tới 78-83%.

Trường top trên có thể tổ chức thêm bài thi phụ để tuyển sinh

Theo nhận định của một số cán bộ tuyển sinh các trường đại học, cao đẳng, phổ điểm thi năm nay dù thấp hơn năm 2017 song vẫn đáp ứng được mục tiêu tuyển sinh của các trường. Đặc biệt, với mặt bằng điểm thi năm nay, tâm lý của thí sinh và phụ huynh sẽ thận trọng hơn khi chọn trường và chọn ngành. 

Điều này hoàn toàn khác với năm 2017,  khi kết quả thi cao hơn lực học của thí sinh làm các em có tâm lý chủ quan thay đổi nguyện vọng vào trường cao hơn, gây xáo trộn cho các trường trong việc thay đổi nguyện vọng.

GS.TSKH Bùi Văn Ga-nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng cho rằng: Phổ điểm các môn thi mà Bộ GD&ĐT vừa công bố cho thấy, đề thi năm nay có độ phân hóa tốt. Vùng điểm cao có rất ít thí sinh. Đại bộ phận điểm thi các môn tập trung trong khoảng 4-6 điểm, trừ các môn Lịch Sử và tiếng Anh. Kết quả này cho thấy những thí sinh có sức học bình thường có thể đạt được điểm trung bình. 

Năm nay số thí sinh điểm cao từ 28 điểm trở lên thấp hơn rất nhiều so với năm trước. Mặt khác, điểm ưu tiên năm nay cũng được điều chỉnh giảm nên điểm đầu vào của các trường tốp trên sẽ thấp hơn so với năm 2017. 

Đặc biệt, với kết quả này, năm nay các trường tốp trên sẽ tuyển sinh thuận lợi, không cần dùng đến tiêu chí phụ. Tuy nhiên, do khu vực điểm cao có rất ít thí sinh nên đường cong phổ điểm dốc mạnh. Điều này có nghĩa là chỉ cần tăng, giảm 0,25 điểm thì số lượng thí sinh trúng tuyển sẽ thay đổi lớn. 

Do đó, nếu năm ngoái các trường tốp trên phải sử dụng đến tiêu chí phụ để xét tuyển thì năm nay các trường tốp giữa có lẽ phải thực hiện giải pháp này để đảm bảo tuyển không vượt chỉ tiêu đã đăng ký.

Mặc dù khẳng định, phổ điểm thi THPT quốc gia năm 2018 đạt được mục tiêu thứ hai của kỳ thi là xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. 

Tuy nhiên, TS Lê Viết Khuyến cũng đưa ra một vài lưu ý với các trường rằng: Dù phổ điểm theo mục tiêu xét tuyển đại học, cao đẳng có phân bố chuẩn đi chăng nữa thì kết quả thi thuần túy đó cũng chỉ phù hợp để xét tuyển đối với các trường tốp dưới, tốp giữa. 

Còn đối với các trường tốp trên hay trường năng khiếu, đặc biệt đối với những ngành học tuyển sinh rất ít nhưng số lượng thí sinh đăng ký rất nhiều như ngành Y đa khoa, ngành Dược, ngành Công nghệ thông tin của một số trường có thương hiệu thì vẫn cần có thêm một bài thi phụ do nhà trường tự tổ chức để tuyển chọn thí sinh phù hợp với đặc thù ngành học và Điều 34 Luật Giáo dục hoàn toàn cho phép điều này. 

Huyền Thanh
.
.
.