Siết chặt các điều kiện đầu vào đào tạo tiến sĩ

Thứ Sáu, 11/11/2016, 09:02
Ngày 10-11, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã phối hợp với Báo Tuổi trẻ tổ chức tọa đàm “Nâng chất lượng đào tạo tiến sĩ”. Hầu hết các ý kiến tại buổi tọa đàm đều cho rằng, xuất phát từ tình hình thực tiễn và yêu cầu hội nhập quốc tế, đào tạo tiến sĩ phải đặt chất lượng lên hàng đầu.

Vì thế, cần phải nâng cao yêu cầu đầu vào đối với nghiên cứu sinh (NCS), chỉ tuyển những người đăng ký làm NCS có mục tiêu học tập, động cơ học tập rõ ràng, có trình độ khoa học và ngoại ngữ nhất định.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, hiện nay, trong điều kiện cơ sở vật chất, đầu tư của Nhà nước còn hạn chế, các cơ sở trong nước đã cố gắng, nỗ lực đào tạo tiến sĩ - nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước - là điều đáng ghi nhận và trân trọng.

Đào tạo tiến sĩ cần được siết chặt, nâng cao chất lượng.

Tuy nhiên, trong khi đa số các cơ sở đào tạo chấp hành tốt quy chế, lấy chất lượng đào tạo làm đầu thì vẫn có nơi chạy theo số lượng, quản lý lỏng lẻo, dễ dãi trong thực hiện quy chế khiến chất lượng đào tạo giảm, dư luận xã hội không đồng tình.

Phân tích cụ thể về các nguyên nhân dẫn đến chất lượng đào tạo tiến sĩ trong thời gian qua chưa được như kỳ vọng, Thứ trưởng Bùi Văn Ga đã chỉ ra 4 nguyên nhân cụ thể. Trong đó, nguyên nhân chính đầu tiên thuộc về người học với động cơ và mục tiêu không phù hợp.

Tiếp đến là do người hướng dẫn nghiên cứu sinh (NCS) không có công trình khoa học, không có đề tài, hạn chế ngoại ngữ giao tiếp, hạn chế hợp tác quốc tế. Nguyên nhân thứ ba là do cơ sở đào tạo không chấp hành nghiêm quy chế đào tạo tiến sĩ, dễ dãi, du di, thành lập hội đồng bảo vệ thiếu khách quan. Nguyên nhân cuối cùng là do các quy định hiện hành về mở ngành, quy trình đào tạo, quy định về kinh phí đào tạo... không còn phù hợp khiến cho cơ sở đào tạo không huy động được nguồn lực cho đào tạo tiến sĩ.

Đồng quan điểm trên, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh: “Năm 1976, Việt Nam lần đầu tiên đào tạo phó tiến sĩ trong nước. 6 năm sau đào tạo tiến sĩ trong nước trong điều kiện khó khăn nhưng chất lượng tiến sĩ rất tốt, không có ai kêu ca. Thời gian qua, đào tạo tiến sĩ Việt Nam đã tiếp cận với đào tạo tiến sĩ chuẩn quốc tế. Mặc dù nguồn lực đầu tư hạn chế nhưng có sự nỗ lực cơ sở đào tạo, nhiều tiến sĩ đã có nhiều bài báo quốc tế nâng chất lượng đạt chuẩn lên. Tuy vậy, vẫn còn luận án tiến sĩ bảo vệ rồi nhưng kiểm tra lại chất lượng thì không đạt do cơ sở quản lý lỏng lẻo, quy mô hiện nay nhiều cơ sở đào tạo tiến sĩ quá nhiều”.

PGS.TS Vũ Lan Anh, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Luật Hà Nội cũng cho rằng:  Điểm khác biệt trong đào tạo tiến sĩ thời gian qua là trước đây đa số tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài, còn hiện nay đa số các tiến sĩ chủ yếu được đào tạo trong nước. Vì vậy, vấn đề đặt ra là cần phải nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ trong nước có thể tiệm cận với các nước trên thế giới. Để làm được điều này, không chỉ đòi hỏi phải nâng cao chất lượng của NCS mà chất lượng người hướng dẫn cũng phải đạt chuẩn quốc tế.

GS.TSKH Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng chức danh GS Nhà nước cho rằng, để nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ, trước hết Bộ GD&ĐT cần phải đưa ra được định nghĩa đầy đủ về khái niệm tiến sĩ.

“Trên thế giới, các nước đều có định nghĩa rất rõ ràng về tiến sĩ và để được công nhận tiến sĩ, đòi hỏi phải có những tiêu chuẩn hết sức rõ ràng, cụ thể. Ví dụ với khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ, phải có phát minh, yêu cầu không dưới 2 bài báo quốc tế trên các tạp chí ISI. Riêng khoa học xã hội và nhân văn không bắt buộc có các công bố quốc tế ngay, nhưng cũng cần có những tiêu chuẩn định lượng rành mạch và phải có 1 bài báo quốc tế. Chúng ta nên bám chặt vào tiêu chí đào tạo tiến sĩ ở khu vực và thế giới. Ít tiến sĩ cũng được nhưng phải chất lượng, không nên chạy theo số lượng”, GS.TSKH Trần Văn Nhung nhấn mạnh.

PGS.TS Vũ Lan Anh cho rằng, đào tạo tiến sĩ chất lượng cần nhiều yếu tố. Trong đó, điều đầu tiên là chất lượng đầu vào và quá trình đào tạo, đánh giá kết quả đầu ra.

 Do đó, PGS Vũ Lan Anh đề xuất: “Trong thời gian tới, Bộ GD&DT nên bổ sung điều kiện đầu vào của NCS là phải có nghiên cứu là bài báo hay hội thảo khoa học thì mới nhận vào NCS. Bên cạnh đó, tiến sĩ phải có khả năng hội nhập, khả năng nghiên cứu. Tuy nhiên, với yêu cầu trình độ ngoại ngữ đầu vào tiến sĩ hiện nay là 3/6, quá thấp, với trình độ này rất khó đọc tài liệu nước ngoài. Do vậy, cần nâng cao hơn yêu cầu đầu vào ngoại ngữ đối với đào tạo tiến sĩ”.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cũng kiến nghị: Để nâng cao trình độ tiến sĩ cần thực hiện đồng loạt nhiều giải pháp như gắn đào tạo tiến sĩ với phòng thí nghiệm; nâng cao chất lượng trao quyền tự chủ hơn cho cán bộ hướng dẫn; đơn giản hóa thủ tục hành chính; đầu tư hơn cho NCS. Đặc biệt, để xã hội không hoài nghi về chất lượng đào tạo tiến sĩ, theo GS Đức, mấu chốt của vấn đề là phải có chính sách trọng dụng và đãi ngộ.

"Tiến sĩ giỏi, giáo sư giỏi, thực tài, được sử dụng đúng, trọng dụng và đãi ngộ thỏa đáng sẽ tạo được động lực cạnh tranh lành mạnh trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu, trong đó có việc nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ", GS Đức nhấn mạnh.

Theo GS.TSKH Trần Văn Nhung, muốn đào tạo tiến sĩ hội nhập thế giới thì yêu cầu NCS phải có đầu vào cao như trình độ ngoại ngữ vì ngoại ngữ là công cụ cần thiết để thỏa mãn nghiên cứu. Bên cạnh đó, luận án tiến sĩ phải là công trình khoa học mới, đạt trình độ quốc tế, có bài báo đánh giá quốc tế; về người hướng dẫn là phải có định hướng, có công trình hợp tác quốc tế...

Ngoài ra, chi phí đào tạo NCS cũng phải nâng lên, hiện nay một NCS chi phí mỗi năm chỉ có 15 triệu đồng/năm thì quá ít, cần có mức đầu tư nhất định; cần đầu tư tập trung vào số lượng nghiên cứu sinh chất lượng chứ không dàn trải đầu tư vì nguồn lực của đất nước còn hạn chế.

Huyền Thanh
.
.
.