Chương trình Ngữ văn mới có gì khác biệt?

Thứ Sáu, 22/12/2017, 10:25
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố dự thảo chương trình các môn học mới để lấy ý kiến giáo viên và các nhà chuyên môn. Trong đó, chương trình Ngữ văn mới đã có nhiều thay đổi khác biệt so với chương trình hiện hành cả về cách thức dạy và học lẫn kỹ năng đánh giá


Dự thảo Chương trình Ngữ văn mới không quy định cụ thể các văn bản được dạy trong từng lớp. Tuy vậy, có một số tác phẩm quan trọng bắt buộc dạy học trong nhà trường như: Nam quốc sơn hà (tương truyền của Lý Thường Kiệt), Hịch tướng sỹ của Trần Quốc Tuấn, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, Truyện Kiều của Nguyễn Du, Văn tế nghĩa sỹ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu, Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh.

Tất cả các văn bản còn lại, chương trình chỉ nêu gợi ý, khuyến nghị để tác giả sách giáo khoa và giáo viên tham khảo, hình dung được độ khó, độ dài và sự thích hợp về thể loại, đề tài của văn bản đối với từng lớp học.

Căn cứ vào yêu cầu cần đạt ở mỗi lớp, tác giả sách giáo khoa và giáo viên chọn dạy những văn bản phù hợp được khuyến nghị trong phụ lục hoặc ở ngoài phụ lục. Học sinh được đề xuất văn bản phù hợp với yêu cầu của chương trình và lứa tuổi để thảo luận trong nhóm, trong lớp; giáo viên bàn bạc dân chủ với học sinh để quyết định sử dụng những văn bản này.

Chương trình Ngữ văn mới sẽ thay đổi cách đánh giá học sinh theo hướng tiếp cận năng lực. Ảnh minh họa.

Mặc dù quy định mở hơn trong việc tiếp cận văn bản song chương trình Ngữ văn mới cũng đặt ra một số tiêu chí cụ thể nhằm định hướng sự lựa chọn tác phẩm của giáo viên và học sinh. Đơn cử văn bản được lựa chọn phải phục vụ trực tiếp cho việc phát triển các phẩm chất và năng lực theo mục tiêu, yêu cầu cần đạt của chương trình, phù hợp với kinh nghiệm, năng lực nhận thức, đặc điểm tâm sinh lý, mối quan tâm của học sinh ở từng lớp học, cấp học; giúp học sinh có hứng thú để đọc, viết, nói, nghe và có niềm vui trong học tập.

Văn bản  được lựa chọn phải  có giá trị đặc sắc về nội dung và nghệ thuật, nhất là có tính chuẩn mực và sáng tạo về ngôn ngữ nhằm góp phần nuôi dưỡng ở học sinh tình yêu đối với văn học và niềm vui đọc sách, chú trọng các văn bản phản ánh được thành tựu về tư tưởng, văn học, văn hóa dân tộc; thể hiện tinh thần yêu nước, độc lập dân tộc, ý thức về chủ quyền quốc gia; tăng tỉ lệ các văn bản đậm tính nhân văn, giáo dục lòng nhân ái, khoan dung, tình yêu chân thiện mỹ, tình yêu thiên nhiên, tinh thần hội nhập quốc tế, hướng đến những giá trị phổ quát của nhân loại.

Văn bản được lựa chọn cũng cần phải bảo đảm tỉ lệ hợp lý giữa văn bản văn học với văn bản nghị luận và văn bản thông tin. “Sự cân đối” được hiểu là theo một tỉ lệ thích hợp, chứ không phải có tỉ lệ bằng nhau. Ngữ liệu cho tất cả các lớp đều phải có văn bản truyện và văn bản thơ. Ngoài truyện và thơ, mỗi cấp học đều phải có văn bản ký và kịch; giữ một tỉ lệ phù hợp các tác phẩm thuộc văn học dân gian, văn học cổ điển của Việt Nam và nước ngoài, đặc biệt là những nền văn học lớn trên thế giới.

Độ khó của các văn bản đọc cũng cần được tăng dần qua từng năm học. Thời gian để dạy học một văn bản phải tương thích với độ dài và độ phức tạp của nó để bảo đảm giáo viên có thể giúp học sinh tiếp cận đầy đủ và sâu sắc văn bản, cho học sinh có cơ hội đọc trực tiếp và trọn vẹn những tác phẩm được chọn học. Hạn chế việc dạy học trích đoạn, trừ trường hợp những tác phẩm văn học có dung lượng lớn như tiểu thuyết, hồi ký, sử thi, ví dụ Truyện Kiều của Nguyễn Du.

Bên cạnh đó, dự thảo chương trình Ngữ văn mới cũng thay đổi cách đánh giá đối với học sinh theo hướng tiếp cận năng lực. Mục tiêu của việc đánh giá sẽ được điều chỉnh theo hướng trước hết là giúp giáo viên và nhà trường nắm được năng lực của từng học sinh, biết được học sinh của mình đang ở đâu và tiến bộ như thế nào qua từng giai đoạn, sau đó mới nhằm đến việc cho điểm để xếp loại, khích lệ, khen thưởng.

Hình thức và nội dung đánh giá là tất cả những cách thức có thể phục vụ cho việc đánh giá năng lực đọc, viết, nói, nghe, năng lực ngôn ngữ, năng lực tư duy của học sinh. Thậm chí, cách viết nhật ký, sổ tay văn học của học sinh cũng có thể là một “sản phẩm” để xem xét, đánh giá. Các câu hỏi đánh giá không kiểm tra trí nhớ của các em về những kiến thức hay nội dung cụ thể mà phải dựa vào hệ thống các yêu cầu cần đạt đối với đọc, viết, nói và nghe.

Đề kiểm tra cũng sẽ hướng tới việc coi trọng sự sáng tạo từ ý tưởng đến cách thể hiện, chống sao chép (văn mẫu), không kiểm tra vào các văn bản, tác phẩm đã học (nhất là với các kỳ kiểm tra cuối lớp, cuối cấp) mà kiểm tra những văn bản-tác phẩm tương tự nhưng chưa được học để khuyến khích khả năng sáng tạo của học sinh.

Huyền Thanh
.
.
.