Sẽ không còn tái diễn “mưa” điểm 10?
- Bộ Giáo dục và Đào tạo nói gì trước hiện tượng “mưa điểm 10”?3
- Bộ Giáo dục công bố lịch thi THPT quốc gia năm 2018
- Chính thức công bố quy chế thi THPT quốc gia năm 2018
Theo quy chế thi THPT quốc gia năm 2018 mà Bộ GD&ĐT vừa công bố, Kỳ thi sẽ gồm 5 môn thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học Xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân). Các bài thi bắt buộc mà thí sinh phải làm gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài thi tự chọn: Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội. Bài thi Ngoại ngữ gồm 50 câu trắc nghiệm, thời gian 60 phút.
Thí sinh có thể chọn một trong các thứ tiếng là Anh, Nga, Pháp, Trung, Đức, Nhật. Bài thi Toán gồm 50 câu trắc nghiệm, thời gian làm bài 90 phút. Bài thi Ngữ văn được ra theo phương pháp tự luận, thời gian làm bài 120 phút.
Các bài thi Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội cũng được ra theo phương pháp trắc nghiệm, tổng thời gian làm bài là 150 phút. Mỗi môn trong tổ hợp có 40 câu trắc nghiệm, thời gian làm bài 50 phút. Sau khi làm hết môn này sẽ thu đề và phát môn tiếp theo, thời gian nghỉ giữa 2 môn liên tiếp trong cùng tổ hợp là 10 phút. Để được xét tốt nghiệp THPT, thí sinh phải làm 4/5 bài thi hoặc làm cả 5 bài.
Năm 2018, đề thi sẽ có độ phân hóa cao hơn. |
Khi lựa chọn cả 2 bài thi tự chọn (tức chọn làm cả 5 bài thi), thí sinh sẽ phải dự thi tất cả các buổi thi, nếu bỏ một trong 2 bài tự chọn sẽ bị coi là bỏ thi và không được xét công nhận tốt nghiệp, đồng nghĩa việc không được xét tuyển vào đại học. Như vậy, nếu so với kỳ thi năm 2017, quy chế thi, đặc biệt là quy trình lựa chọn và làm bài thi tổ hợp được tổ chức chặt chẽ và đảm bảo công bằng hơn.
Về đề thi, lãnh đạo Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết: Đề thi năm nay nằm trong chương trình lớp 11 và lớp 12 nhưng chủ yếu ở lớp 12. Đề thi sẽ có 2 phần: Phần thuộc khối kiến thức cơ bản, chiếm hơn 50%, phần còn lại là nâng cao để phân hóa thí sinh. Bộ GD&ĐT cũng cho hay, đề thi năm nay sẽ tăng số câu hỏi phân hóa để bảo đảm tính phân hóa khi xét tuyển vào các trường đại học.
Bên cạnh đó, nhiều giáo viên, học sinh cũng nhận định, đề thi tham khảo các môn thi được Bộ công bố ngày 24-1 vừa qua cho thấy đề thi khó hơn hẳn so với năm trước, số thí sinh đạt điểm cao (điểm tuyệt đối) dự báo sẽ giảm, đặc biệt là sẽ không còn hiện tượng “mưa điểm 10” như đã từng xảy ra trong kỳ thi THPT năm 2017.
Cùng với việc siết chặt quy chế thi như nghiêm khắc với các thí sinh vi phạm quy chế, trừ từ 25-50% điểm thi đối với các thí sinh bị khiển trách, cảnh cáo, điểm ưu tiên khu vực cũng đã được Bộ GD&ĐT điều chỉnh giảm đi 50% so với các năm trở về trước, điểm thi cũng được làm tròn đến hai chữ số thập phân.
Lý giải về những thay đổi này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết: “Sau một số năm, độ chênh lệch vùng miền không còn quá cao nữa nên mức điểm này hạ xuống để phù hợp với sự phát triển của các vùng khó khăn. Cụ thể, ở khu vực 1 điểm ưu tiên sẽ là 0,75, ở khu vực 2 là 0,5 và khu vực 2 nông thôn là 0,25. Ngoài ra, môn thi tự luận duy nhất còn lại ở kỳ thi THPT quốc gia là Ngữ văn sẽ làm tròn đến 2 chữ số thập phân. Như vậy, sẽ không còn những trường hợp các mức điểm lẻ khác nhau đều quy về bằng nhau theo các mức 0; 0,25; 0,5; 0,75 như trước. Chẳng hạn, một thí sinh đạt 4,99 điểm, nếu theo quy định cũ, điểm của thí sinh này sẽ được làm tròn thành 5 điểm. Còn theo quy định mới, điểm vẫn được giữ nguyên là 4,99. Điều này sẽ đảm bảo công bằng hơn cho thí sinh và sự cạnh tranh giữa các em khi xét tuyển vào đại học cũng sẽ quyết liệt hơn”.