Sẽ có chế tài mạnh hơn đối với trường hợp ép học sinh mua sách tham khảo

Chủ Nhật, 25/10/2020, 18:03
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa có báo cáo về vấn đề sách giáo khoa (SGK) năm học 2020-2021 gửi các đại biểu Quốc hội. Báo cáo nêu rõ, sau hơn một tháng triển khai, Bộ GD&ĐT đã nhận được những thông tin phản hồi về chương trình, SGK lớp 1 mới từ nhà trường, giáo viên, cha mẹ học sinh và cử tri cả nước, trong đó có những vấn đề tồn tại cần tiếp tục hoàn thiện trong quá trình triển khai thực hiện.

Về giá SGK, bộ cho hay giá của bộ SGK lớp 1 mới cao hơn khoảng 2 lần so với bộ cũ. Nội dung yêu cầu cần đạt về phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh đòi hỏi ngữ liệu, hình ảnh phải rõ ràng, chi tiết nên SGK lớp 1 có số trang nhiều hơn, khổ sách rộng hơn. SGK thuộc danh mục Nhà nước định giá do là mặt hàng thiết yếu có ảnh hưởng nhiều gia đình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu trình Quốc hội quyết định việc đưa SGK vào danh mục hàng hóa bình ổn giá. 

Trước khi trình Quốc hội cho ý kiến, Bộ GD&ĐT  đã tiếp tục chỉ đạo nhà xuất bản biên soạn SGK thực hiện tinh giản nội dung không cần thiết để giảm số trang, tiết kiệm chi phí các khâu để giảm giá thành. Đối với sách tham khảo, Bộ GD&ĐT cho biết đã có quy định giáo viên không được sử dụng sách tham khảo để dạy học và kiểm tra, không được ép học sinh mua sách tham khảo, yêu cầu nhà trường chấn chỉnh tình trạng lạm dụng sách tham khảo, lạm thu. 

Chấn chỉnh tình trạng lạm dụng sách tham khảo trong trường học.

Tuy vậy, bộ nhìn nhận vẫn có một số nhà trường ở một số địa phương để xảy ra tình trạng giáo viên lập danh mục sách tham khảo kèm SGK gửi cho cha mẹ học sinh để đăng ký mua tự nguyện, gây băn khoăn trong dư luận.Vì vậy, Bộ GD&ĐT khẳng định đang rà soát, chỉnh sửa thông tư 21 để quản lý chặt chẽ, nghiêm cấm ép học sinh mua sách tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào, có chế tài mạnh hơn với trường hợp vi phạm.

 Liên quan đến vấn đề SGK môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều có những điểm chưa phù hợp, Bộ trưởng GD&ĐT đã yêu cầu Hội đồng thẩm định quốc gia rà soát, kiểm tra, kết luận cụ thể các nội dung theo phản ánh, báo cáo Bộ trưởng. Hội đồng thẩm định đã đề nghị tác giả khi chọn văn bản thay thế không sử dụng truyện ngụ ngôn hoặc các đoạn/bài “đa nghĩa” mà nên lựa chọn đoạn/bài trong kho tàng Văn học Việt Nam. 

Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh và tác giả khẩn trương xây dựng phương án chỉnh sửa, hiệu đính để kịp thời, thuận lợi cho giáo viên tổ chức hoạt động dạy học. “Mặc dù việc chỉnh sửa, hiệu đính SGK vẫn thường xuyên được thực hiện, tuy nhiên để xảy ra bức xúc trong dư luận xã hội về sách Tiếng Việt 1 của bộ sách Cánh Diều có trách nhiệm của Bộ GD&ĐT, Hội đồng thẩm định và tác giả”-báo cáo nêu rõ. 

Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm quá trình xã hội hoá việc biên soạn, phát hành SGK lớp 1, tiếp tục chỉ đạo việc biên soạn, thẩm định SGK lớp 2 đến lớp 12, bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới theo lộ trình quy định, đồng thời hoàn thiện quy trình, chính sách biên soạn SGK phổ thông.

H.Thanh
.
.
.