"Loạn" sách tham khảo lớp 1

Thứ Tư, 16/09/2020, 20:51
Câu chuyện học sinh lớp 1 “cõng” quá nhiều sách vẫn đang là đề tài “nóng” được nhiều người quan tâm bàn tán và “ngán ngẩm”. Không những vậy, lần cải cách này, có nhiều bộ sách giáo khoa để các trường tự chọn. Tuy nhiên, việc này đang làm cho phụ huynh “quắn não”, chạy ngược chạy xuôi tìm mua sách cho con, nhưng vẫn không thể mua được.

Vào buổi tối, khi tôi rảo quanh một số nhà sách trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, vừa tìm mua sách cho con và cũng để tìm hiểu tình hình sách giáo khoa năm học mới của học sinh. Ở hầu hết các nhà sách, đều thiếu sách giáo khoa, nhất là sách lớp 1.

Khi đến nhà sách fahasa Tân Định (đường Hai Bà Trưng, quận 3), tôi thấy khá đông phụ huynh và học sinh đang tìm mua sách. Tại nơi để sách giáo khoa lớp 1, có một phụ huynh đang cùng 2 đứa con lúi húi tìm sách.

 “Có phải cô giáo kêu mua sách này không con?”, chị này hỏi và đứa con trai nhỏ nhìn quyển sách nói không phải. 

Mấy mẹ con lại tiếp tục lục tìm nhưng vẫn không thấy quyển sách cần mua. Lúc này có một nam nhân viên nhà sách đi tới, chị liền hỏi, nhân viên này nói: “Sách giáo khoa lớp 1 chỉ còn nhiêu đấy, nhà sách nào cũng thiếu tùm lum hết. Tụi em còn không có hàng để nhập nữa mà. Do năm nay cải cách nên rất nhiều loại sách, bởi vì không xác định được trường nào học cái gì, có trường học 3 loại luôn nên không giám in nhiều, nghe nói đang in thêm”.

Mới lớp 1 nhưng quá nhiều sách tham khảo

Qua hỏi thăm, được biết chị tên là Phương Dung ở quận 10, chị cho hay từ đầu năm học đến giờ đã đi rất nhiều nhà sách ở thành phố nhưng vẫn không tìm mua được sách tham khảo (vở bài tập toán lớp 1) cho con. Đầu năm học, chị đã mua bộ sách lớp 1 có 9 quyển, thấy nhiều cứ nghĩ là đã đủ, khi con đi học, cô giáo nói phải mua thêm sách tham khảo nên chị cùng các con đi tìm.

Chị “lùng” mãi cũng mua được một số quyển, nhưng còn thiếu vở bài tập toán 1 thuộc bộ sách Chân trời sáng tạo. “Thiếu sách sợ cô cho bài tập thì không có sách để con học, không biết làm sao nữa. Không nghĩ là năm nay mua sách lại khó đến vậy. Nhân viên một số nhà sách nói bộ sách Chân trời sáng tạo gần đến đầu năm học mới có bán ở các nhà sách chứ không phải có từ lâu và cũng ít trường chọn bộ này nên tìm mua rất khó”, chị Dung tha thở.

Chị cũng nhờ cô giáo của con mua giúp nhưng nhà trường không bán riêng vở bài tập mà bán cả bộ gồm sách và sách tham khảo. Tôi hỏi sao chị không đăng ký nhà trường mua cho tiện, chị Dung cho biết mua trong trường không được giảm giá, còn mua tại nhà sách được giảm 10% trên giá bìa.

Quá mệt mỏi tìm sách, chị còn mệt hơn khi thấy đứa con trai bé bỏng mới vào lớp 1 đã bị cả “đống sách đè” lên đầu. “Sách nhiều quá, em nghĩ trẻ học làm sao hết, có thời gian đâu mà các bé học”, chị Dung nói.

Phụ huynh cùng con vừa vào lớp 1 tìm mua sách tham khảo

Cầm mấy quyển sách vở bài tập: Đạo Đức, Tự nhiên và Xã Hội, Âm nhạc, Mỹ thuật,… nói chung là cứ một quyển sách giáo khoa là kèm ít nhất một quyển sách tham khảo. Chị Dung thắc mắc: “Trẻ lớp 1 còn chưa biết đọc thì làm sao có thể tham khảo sách. Em nghĩ không cần phải có những cuốn sách này, mà cần cho học sinh thực hành sẽ hay hơn. Em nhớ hồi xưa đâu có nhiều sách tham khảo như vậy, các bé bây giờ học áp lực quá?”.

Cầm quyển sách vở bài tập Đạo đức lớp 1, chị Dung quay sang hỏi đứa con gái đang học lớp 9: “Hồi con học làm gì có sách vở bài tập này đúng không?”. Con gái chị nói: “Dạ, không có” và cười, lắc đầu có vẻ không thể hiểu nổi bây giờ lớp 1 sao có quá nhiều sách. “Em nghĩ sách đạo đức thì chỉ cần quyển sách giáo khoa là đủ rồi, giờ thêm vở bài tập nữa, em cũng không hiểu nổi”, chị Dung than vãn.

Bây giờ không biết làm sao, chỉ còn cách đợi, chị nói: “Em cũng đã nói với cô giáo chủ nhiệm của con là em đã tìm khắp rồi nhưng không có sách, cô thông cảm chờ cho em thời gian, chứ em không biết tìm đâu nữa. Em cũng đã mượn cuốn sách con một phụ huynh trong lớp đi hỏi phô tô màu nhưng giá trên 100 ngàn đồng thì làm sao phô tô nổi, mà trắng đen thì bé học không được”.

Những thắc mắc của chị Dung có lẽ cũng là của rất nhiều phụ huynh. Không chỉ lớp 1 mà hầu hết sách giáo khoa các lớp đều có sách tham khảo, bây giờ “lấp liếm” gọi là vở bài tập. Chỉ tính riêng sách tiếng Việt là 4 quyển (tiếng Việt tập 1, tập 2 kèm 2 vở bài tập), toán cũng 4 quyển (toán tập 1, tập 2 kèm vở bài tập), tổng cộng mới hai môn đã là 8 quyển sách.

Học sinh lớp 1 nhưng đã phải "cõng" quá nhiều sách

Chị Nga ở quận 12 nói: “Lớp 1 bé tí tẹo mới nứt mắt ra, đang phải dạy đánh vần, dạy kỹ năng đủ thứ trên đời, biết cái gì mà tham khảo sách. Bố mẹ đọc sách tham khảo nhiều khi còn không hiểu được huống gì là học sinh lớp 1”.

Vậy học sinh lớp 1 nói riêng và tiểu học nói chung cần học những môn nào là phù hợp nhất?

Vấn đề này, thầy Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, trên tinh thần đổi mới, hội nhập quốc tế nên đòi hỏi khối lượng kiến thức tăng và yêu cầu cao hơn trước đây. Các cháu bậc tiểu học, nhất là lớp 1, nói một cách nôm na là trên tinh thần “vừa học vừa chơi”, nhưng chương trình học hiện nay phải đảm bảo học hai buổi/ngày mới có thể đủ thời gian để thầy cô giáo truyền thụ hết lượng kiến thức. Rõ ràng là hơi nặng so với lứa tuổi các cháu.

Thực tế đối với học sinh tiểu học, chỉ cần một số môn cơ bản như: Tiếng Việt, Toán, Khoa học thường thức (những hiểu biết thông thường trong cuộc sống, gần gũi với lứa tuổi học sinh); trong thời buổi hiện nay thì có thêm phần làm quen với ngoại ngữ và tin học; môn thể dục để có sức khoẻ và môn nhạc, hoạ  là hai môn “vừa học vừa chơi”. Còn môn đạo đức cần gắn với thực tế, gần gũi đời sống và phù hợp với lứa tuổi cho các cháu dễ hiểu. Bậc tiểu học chỉ cần dạy các cháu lễ phép, “đi thưa, về trình”, gặp người lớn biết chào, đưa vật cho người khác bằng hai tay, khi nói chuyện biết dạ thưa, biết cảm ơn, biết xin lỗi… những cái cơ bản vậy cần dạy cho trẻ biết.

Mỗi lần cải cách cũng có thay đổi, có cái hay, nhưng đôi lúc thấy hơi tham lam kiến thức, có những cái còn xa thực tế, nặng nề so với lứa tuổi học sinh. Có cái nhìn tổng thể trong giáo dục, nhưng cần có định hướng cụ thể và có yêu cầu kiến thức của từng lớp. Thí dụ khối này thì cần như thế nào, mục tiêu giáo dục ra sao, cần gắn với tâm sinh lý lứa tuổi, gắn với thực tế. “Suy cho cùng, học xong ra đời thì cũng là một thành viên xã hội, tham gia vào các hoạt động của xã hội, công việc này công việc khác, ở mức độ này mức độ khác, do đó học cần thực tế. Còn đối với các nhà nghiên cứu thì chúng ta có đào tạo khác”, thầy Nguyễn Văn Ngai chia sẻ.

Tiểu học là “vừa học vừa chơi”, mầm non là “vừa chơi vừa học” – qua vui chơi để học mà vui chơi phải có mục đích. Trong vui chơi cũng phải hướng đến mục tiêu giáo dục các em thông qua trò chơi để hình thành nhân cách đạo đức,… chứ không phải chơi tuỳ tiện.

Cái gì cũng muốn học sinh biết, cuối cùng không biết gì, học xong quên hết, vì nhồi nhét nhiều quá. Cuối cùng cái cần học sinh biết thì các em không nhớ, học xong quên.


Nguyễn Cảnh
.
.
.