Sẽ bỏ quy định “buộc thôi học” đối với học sinh

Thứ Bảy, 12/09/2020, 16:11
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố dự thảo thông tư khen thưởng, kỷ luật học sinh thay thông tư 08 năm 1988. Điểm mới đáng chú ý trong dự thảo thông tư là lần đầu tiên sau nhiều năm, không còn quy định kỷ luật học sinh bằng hình thức “buộc thôi học” và bỏ cảnh cáo học sinh trước lớp, trước trường. Những điều chỉnh này đang nhận được sự đồng thuận từ xã hội.


Về khen thưởng, theo quy định tại dự thảo, cũng sẽ không khen tràn lan, đảm bảo thực chất, tránh hình thức.  Theo đó, cuối năm học hiệu trưởng tặng giấy khen cho học sinh xuất sắc đối với tiểu học, học sinh giỏi với THCS-THPT. Học sinh khá sẽ không có giấy khen. 

Dự thảo cũng chú trọng tuyên dương nhân rộng gương người tốt, việc tốt như học sinh nhặt được của rơi tìm người trả lại; cõng bạn đến trường, cứu bạn… Ngoài ra, tiếp tục duy trì những hình thức khen cũ như tuyên dương trước lớp, trường, giấy khen, thư khen. 

Ảnh minh họa: Dự thảo khuyến khích thầy cô áp dụng các hình thức kỷ luật tích cực đối với học sinh.

Về kỷ luật, điểm mới lớn nhất là yêu cầu trường học áp dụng kỷ luật tích cực, tôn trọng, bao dung, nhất quán, không áp đặt định kiến đối với học sinh. Thầy cô giáo không sử dụng các hình thức phê bình, xử phạt mang tính bạo lực, xúc phạm, ảnh hưởng xấu đến tinh thần của học sinh. Trong đó, hình thức kỷ luật cao nhất là “học sinh sẽ bị tạm dừng học tập 2 tuần” để thực hiện kế hoạch giáo dục riêng. 

Dự thảo cũng quy định, không được tổ chức kiểm điểm học sinh trước lớp, toàn trường. Các hình thức kỷ luật được khuyến khích áp dụng gồm giáo viên khuyên bảo, động viên, nhắc nhở, phê bình riêng, phối hợp gia đình để thực hiện kế hoạch giáo dục riêng. Thầy cô cũng có thể tổ chức tư vấn tâm lý cho học sinh mắc khuyết điểm đang gặp khó khăn tâm lý. 

Biện pháp giáo dục tích cực còn bao gồm việc yêu cầu học sinh hoàn thành bài tập, viết lại bài cần học thuộc, viết lại quy ước của lớp học, nội quy, quy định của trường và các quy định khác của pháp luật liên quan đến khuyết điểm của học sinh. Những em mắc khuyết điểm có thể phải viết cảm nhận, kiểm điểm về sự việc xảy ra, nguyên nhân, hậu quả của hành vi vi phạm và hướng khắc phục sửa chữa…

Lý giải về những thay đổi trong việc áp dụng hình thức kỷ luật, khen thưởng đối với học sinh, ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh sinh viên, Bộ GD&ĐT cho biết: Quy định khen thưởng, kỷ luật hiện hành được đa số các nhà trường áp dụng thực hiện tốt. Tuy nhiên, ở đâu đó vẫn có 1 số thầy cô, nhà trường thực hiện chưa thống nhất, vẫn còn sự phản cảm, biểu hiện của sự sát phạt, gây bức xúc cho học sinh, mục đích giáo dục chưa được đảm bảo. Cùng một lỗi của học sinh nhưng mỗi trường xử lý một kiểu. Việc đuổi học 1 năm cũng rất nặng nề làm ảnh hưởng đến quá trình học tập liên tục, thường xuyên của học sinh. Do vậy, dự thảo thông tư điều chỉnh nhằm phù hợp hơn với thực tế, đảm bảo 2 yêu cầu quan trọng là tính thống nhất và tính nhân văn.

Nhiều giáo viên, nhà quản lý giáo dục đã bày tỏ sự đồng tình về việc bỏ quy định “buộc thôi học” đối với học sinh vi phạm kỷ luật, thay vào đó là “tạm dừng học tập 2 tuần” để thực hiện kế hoạch giáo dục riêng. PGS Đặng Quốc Bảo, nguyên Giám đốc Học viện quản lý giáo dục cho rằng, điều này sẽ đảm bảo “quyền được học tập liên tục của học sinh”, tính nhân văn của giáo dục cũng như phù hợp với xu hướng của các nền giáo dục tiên tiến là chú trọng kỷ luật tích cực. 

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cũng nêu quan điểm,  trong các trường hợp học sinh vi phạm kỷ luật cụ thể, có thể sẽ phải tạm đình chỉ học tập tại lớp của học sinh. Nhưng việc “tạm đình chỉ” này chỉ có ý nghĩa giáo dục thực sự nếu nhà trường và trực tiếp là giáo viên chủ nhiệm phải rõ trách nhiệm của mình tiếp tục theo sát học sinh, chứ không phải "đình chỉ" là buông bỏ, giao về cho gia đình. Nếu “tạm đình chỉ” bằng cách nhà trường phó mặc hoàn toàn cho gia đình thì sẽ không có hiệu quả, thậm chí có thể gây ra những tác dụng ngược.

Huyền Thanh
.
.
.