Phương thức thi THPT quốc gia sẽ giữ ổn định đến hết năm 2020
- Vì sao điểm Lịch sử luôn đứng “bét bảng” trong kỳ thi THPT quốc gia?
- Cậu học trò ngồi xe lăn đạt điểm 10 môn Tiếng Anh kỳ thi THPT Quốc gia
- Việt Nam xếp thứ 4 tại Kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế 2019
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, Thứ trưởng Lê Hải An chủ trì Hội nghị tại 2 đầu cầu Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh cùng với sự tham dự của hơn 1.000 đại biểu đến từ 327 trường đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ) sư phạm trên toàn quốc.
Hơn 2, 5 triệu nguyện vọng đăng ký xét tuyển ĐH-CĐ
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết: Trong năm 2019, cả nước có hơn 653.000 thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ với hơn 2,5 triệu nguyện vọng đăng ký. Tính trung bình, mỗi thí sinh đăng ký khoảng 3-4 nguyện vọng. Dựa vào tổng chỉ tiêu và tổng số nguyện vọng thí sinh đăng ký, Bộ GD&ĐT đã đưa ra tỷ lệ “chọi” của các khối ngành.
Đây là một trong những cơ sở để thí sinh tham khảo trước khi đặt bút thay đổi nguyện vọng xét tuyển.Kết quả thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, khối ngành VII (nhân văn, khoa học xã hội và hành vi, báo chí và thông tin, dịch vụ xã hội, khách sạn - du lịch - thể thao và dịch vụ cá nhân, dịch vụ vận tải, môi trường và bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng), tuyển 104.769 chỉ tiêu mà có đến 739.587 nguyện vọng đăng ký xét tuyển, đạt tỷ lệ “chọi” 1/7.
Tiếp sau đó là khối ngành III (kinh doanh, quản lý và pháp luật) với tỉ lệ “chọi” là 1/6,5; khối ngành VI (sức khỏe) là 1/5,8. Một số khối ngành còn lại như khối ngành I (khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên), khối ngành II (nghệ thuật) và khối ngành IV (Khoa học sự sống, khoa học tự nhiên), khối ngành V (Toán và thống kê, Kiến trúc-xây dựng, nông lâm thủy sản, thú y) có tỷ lệ “chọi” thấp hơn, trung bình khoảng từ 1/2,4- 1/3,5.
Cũng theo bà Phụng, năm nay, Bộ GD&ĐT sẽ đăng tải toàn bộ danh sách giảng viên mà Bộ đã kiểm định, không trùng lặp khi có báo cáo chuẩn của các trường. Bộ cũng đăng toàn bộ danh sách thí sinh nhập học các trường năm 2018, 2019 trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ để người học và xã hội giám sát. Đồng thời sẽ tiến hành hậu kiểm tại các trường.
“Việc đăng tải danh sách để thí sinh biết mình có nằm trong danh sách của trường hay không, hay các trường tuyển "chui", tuyển "lậu". Nếu thí sinh đỗ mà không có tên trong danh sách thì có quyền khiếu nại"- bà Phụng nói.
Về chế tài xử lý cơ sở giáo dục đại học nếu vi phạm quy định về đối tượng, điều kiện, chỉ tiêu tuyển sinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cũng cho biết: Trường đó sẽ bị trừ chỉ tiêu năm sau, xử phạt hành chính và không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh 5 năm tiếp theo. Cùng với đó, Hiệu trưởng hoặc Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh và những người liên quan bị xử lý kỷ luật theo quy định.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và các đại biểu chủ trì tại đầu cầu Hà Nội |
Nâng cao trách nhiệm với người học bằng kết quả đầu ra
Thảo luận tại Hội nghị, đại đa số các đại biểu đều đánh giá cao quá trình tổ chức thi, kết quả thi, đặc biệt phổ điểm của kỳ thi THPT năm nay đã phản ánh tương đối chính xác việc dạy và học ở trường phổ thông. Đồng thời, phổ điểm thi năm nay cũng tạo nguồn tuyển dồi dào cho các trường trong tuyển sinh ĐH-CĐ.
Tuy vậy, nhiều ý kiến cũng đề xuất, Bộ GD&ĐT cần kiểm tra sát sao hơn điều kiện đảm bảo chất lượng; hoàn thiện cơ sở dữ liệu về giảng viên và sinh viên. Các trường ĐH-CĐ cũng cần tiến tới việc xác định chỉ tiêu tuyển dụng dựa trên nhu cầu thực tế chứ không phải theo năng lực đào tạo của nhà trường.
Một số trường ĐH khu vực phía Nam cũng đề xuất Bộ GD&ĐT công bố sớm ngưỡng điểm xét tuyển ngành sức khỏe và sư phạm. Sau 2021, phương án tuyển sinh thế nào Bộ cũng cần nghiên cứu sớm để công bố cho các trường có kế hoạch.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Kỳ thi THPT quốc gia là để đánh giá chuẩn đầu ra của học sinh phổ thông về kiến thức, kĩ năng sau 12 năm học phổ thông. Năm nay, tỷ lệ tốt nghiệp thấp hơn năm trước, có tỉnh chỉ đạt 70%, phản ánh dần đến thực chất.
Kỳ thi không chỉ thuần túy là công nhận tốt nghiệp, càng không phải chỉ phục vụ tuyển sinh ĐH, CĐ mà quan trọng là để đánh giá chất lượng từng môn học, hướng tới giáo dục toàn diện. Từ đó, yếu và thiếu ở khâu nào, địa phương nào sẽ có chính sách phù hợp. Về phương thức thi THPT quốc gia, theo Bộ trưởng, sẽ ổn định đến năm 2020. Hiện Bộ GD&ĐT đang chỉ đạo nghiên cứu, khảo sát để có lộ trình thi cho những năm tiếp theo.
Về công tác tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2019, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: Trường đã công bố đề án tuyển sinh thì cần thực hiện đúng tuyên bố trong đề án, tránh trường hợp có trường làm tốt, nhưng có trường chưa tốt ảnh hưởng tới cả hệ thống.
Người đứng đầu ngành giáo dục và đào tạo cũng đề nghị các trường ĐH-CĐ cần quyết tâm cao hướng tới một nền giáo dục có chất lượng; có những bước tiến nhanh, vững chắc, nâng cao chất lượng, xây dựng uy tín của từng nhà trường góp phần vào uy tín của giáo dục đại học.
“Chất lượng giáo dục ĐH phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó chủ yếu là quá trình đào tạo. Do vậy, chúng ta tiếp cận đảm bảo chất lượng từ chuẩn đầu ra, đánh giá theo khung trình độ quốc gia, chuẩn chất lượng chứ không phải chỉ chú trọng đầu vào.. Vấn đề không chỉ chọn được những học sinh tốt để đủ đầu vào mà trường ĐH còn phải nêu cao trách nhiệm với người học, cam kết với họ để khi ra trường có kết quả tốt”- Bộ trưởng nhấn mạnh.