Vì sao điểm Lịch sử luôn đứng “bét bảng” trong kỳ thi THPT quốc gia?

Thứ Hai, 15/07/2019, 19:16
Theo phổ điểm thi THPT quốc gia năm 2019 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố, Lịch sử tiếp tục là môn thi có điểm trung bình chung thấp nhất với 70.01% bài thi dưới điểm trung bình. Điều đáng nói đây không phải là năm đầu tiên môn học này đứng “bét bảng” trong số 9 môn thi THPT quốc gia.


Kết quả thống kê điểm thi THPT quốc gia 2019 của Bộ GD&ĐT cho thấy, điểm trung bình của môn Lịch sử là 4.3 điểm. Số thí sinh đạt điểm dưới 5 là 399.016, chiếm 70,01%. Nếu so với các môn còn lại của kỳ thi THPT quốc gia năm nay, Lịch sử là môn thi có điểm trung bình thấp nhất. 

Tuy vậy, điểm thi Lịch sử năm nay lại tăng so với năm 2018. Cụ thể, năm 2018, điểm thi trung bình của môn Lịch sử là 3,79, kém hơn điểm trung bình của môn năm nay 0,51 điểm. Môn Lịch sử năm ngoái có 4.226 bài thi đạt từ 8 điểm trở lên, chiếm 0,75% tổng số bài thi môn này, năm nay con số là 12.472 bài, chiếm 2% tổng số bài thi. 

Là người nhiều năm nghiên cứu phổ điểm thi THPT quốc gia, PGS.TS Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục- Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cho rằng, môn Lịch sử dù điểm trung bình dưới 5 nhưng đã phản ánh đúng thực trạng dạy và học môn này ở phổ thông nhiều năm nay.

Dù điểm trung bình chung thấp nhưng năm 2019 vẫn có 80 bài thi Lịch sử đạt điểm 10.

Theo nhiều giáo viên giảng dạy môn Lịch sử, điểm thi môn Lịch sử thấp là do một số nguyên nhân như đa số phụ huynh xem nhẹ môn học này; không quan tâm đầu tư mà chủ yếu cho con học thêm các môn Toán, Lý, Hóa, Tiếng Anh… để dễ chọn ngành nghề, trường đại học, có cơ hội việc làm nghề nghiệp tốt hơn. 

Bên cạnh đó, chương trình môn học hiện nay quá nặng nề, chi tiết, bắt học sinh phải nhớ nhiều. Nội dung sách giáo khoa lịch sử đậm chất báo cáo, nghiêng về sự kiện. 

Cách kiểm tra đánh giá cũng còn máy móc, nghiêng về ghi nhớ nên chưa thực sự khiến học sinh hứng thú với môn học. Mặc dù với việc chuyển từ hình thức thi tự luận sang trắc nghiệm, điểm thi môn Lịch sử có tăng dần lên, mức điểm dưới trung bình từ 80% của năm 2018 đã giảm xuống còn 70,01% của năm 2019. Tuy vậy, so với mặt bằng chung của 8 môn thi còn lại, điểm trung bình môn Lịch sử vẫn thấp “thảm hại”.

Thầy Nguyễn Thái Sơn, giáo viên môn Lịch sử Trường THPT Trần Hưng Đạo (Hà Nội) cho rằng: Phổ điểm của môn Lịch sử năm nay phản ánh đúng thực tế và không gây bất ngờ. Bởi theo thầy Sơn, nhiều năm nay, Lịch sử tuy đã được đưa vào thi THPT quốc gia và thay đổi phương thức kiểm tra, đánh giá, tuy nhiên học sinh vẫn chưa đầu tư, nhiều em không chọn môn thi trong tổ hợp xét tuyển đại học cũng bởi không có quá nhiều ngành nghề tuyển sinh môn học này.

“Thực tế cho thấy, phần nhiều các thí sinh nằm trong tỷ lệ 70,01% dưới điểm trung bình chọn Lịch sử là môn thi chỉ để công nhận tốt nghiệp. Với những thí sinh thi THPT quốc gia chỉ lấy kết quả để xét tốt nghiệp, các em phần lớn sẽ chọn tổ hợp môn xã hội. 

Nguyên nhân các em quan niệm rằng, tổ hợp môn Khoa học xã hội sẽ dễ hơn tổ hợp môn Khoa học tự nhiên. Tâm lý chung của các thí sinh này là chỉ cần qua điểm liệt để đỗ tốt nghiệp, chứ không quan tâm điểm của môn là cao hay thấp”- thầy Sơn nói.

TS Sái Công Hồng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cũng thừa nhận: Phần lớn thí sinh dự thi môn Lịch sử (môn thành phần trong bài tổ hợp Khoa học Xã hội) là để xét tốt nghiệp THPT. Trong đó, các thí sinh chú ý "gỡ điểm" ở các môn Địa lý, Giáo dục công dân nhiều hơn do hai môn này yêu cầu ứng dụng (atlat địa lý) và có những câu hỏi tình huống thực tế đời sống (giáo dục công dân) giúp thí sinh dễ ghi điểm. Với thực trạng như vậy, 70,01% thí sinh đã có điểm thi Lịch sử dưới trung bình. 

Trong khi đó, hầu hết thí sinh dự thi Lịch sử để xét tuyển đại học năm nay đều đạt điểm trên 5, có 12.472 bài thì đạt điểm từ 8 trở lên. Số lượng bài thi đạt điểm 10 môn Lịch sử năm nay cũng đứng thứ 3 trong số 9 môn thi, với 80 bài. Điều này một phần phản ánh chất lượng dạy và học ở bậc phổ thông, một phần là kết quả của tâm lý học sinh thường chú trọng học các môn xét tuyển đại học.

Chênh lệch lớn giữa các vùng miền đã “kéo” điểm trung bình Tiếng Anh xuống thấp

   Sau môn Lịch sử, Tiếng Anh  là môn có điểm thi thấp thứ 2 trong số 9 môn thi THPT quốc gia khi có tới 68% bài thi có điểm dưới trung bình. Theo phân tích của nhiều chuyên gia, mặc dù số lượng điểm thi Tiếng Anh dưới trung bình nhiều nhưng số lượng điểm từ 8 trở lên cũng tương đối lớn. 

Riêng số thí sinh đạt điểm 8 trở lên ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh năm nay cũng đã xấp xỉ 10.000 em. Lý do thực tế dẫn đến điểm trung bình môn học này vẫn còn thấp là do sự chênh lệch chất lượng giảng dạy giữa các vùng miền, đặc biệt là giữa vùng thành thị với nông thôn, miền núi hiện nay vẫn còn khoảng cách khá lớn. 

Ngoại trừ một số thành phố lớn, đều kiện kinh tế-xã hội phát triển, các vùng còn lại đều còn khó khăn nên sự đầu tư các nguồn lực cho môn học này chưa thật sự đồng đều. 

Phân tích kỹ hơn về vấn đề nay, TS Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho rằng: Ở môn tiếng Anh thì có thể dễ nhận ra, các khu đô thi lớn phát triển có sự đầu tư tốt hơn cho Tiếng Anh, và việc này còn yếu ở các vùng khó khăn. 

Các khu vực có điều kiện phát triển như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đà Nẵng, Nam Định, điểm trung bình môn Tiếng Anh vọt lên cao hơn điểm trung bình cả nước.Ví dụ, TP.Hồ Chí Minh cao nhất với mức điểm trung bình 5,8 điểm; Bình Dương là 5,2 điểm; Hà Nội là 5,01 điểm. 

Riêng TP Hồ Chí Minh và Hà Nội có gần 17% số bài thi đạt điểm giỏi. Trong khi đó, các tỉnh miền núi phía Bắc điểm thi Tiếng Anh tụt sâu. Có những tỉnh, điểm bài thi trung bình đạt dưới 3 điểm. Đó cũng là nguyên nhân khiến điểm trung bìnhTiếng Anh cả nước ở mức thấp.


Hà Nội “vắng bóng” trong tốp 10 địa phương có điểm trung bình thi cao nhất

Theo thống kê sơ bộ về điểm thi THPT quốc gia 2019, Nam Định là tỉnh dẫn đầu cả nước với điểm trung bình các môn thi THPT quốc gia 2019 cao nhất là 5,91 điểm. 

Các tỉnh xếp ở các vị trí tiếp theo sau Nam Định lần lượt là Hà Nam  với điểm trung bình là 5,89 điểm, xếp thứ 2. Ninh Bình với 5,817 điểm xếp thứ 3; Bình Dương với 5,813 điểm, xếp thứ 4. TP.Hồ Chí Minh xếp thứ 5 với 5,8 điểm; Vĩnh Phúc xếp thứ 6 với 5,743 điểm, An Giang xếp thứ 7 với 5,725 điểm; Hải Phòng xếp thứ 8 với 5,706 điểm và Bạc Liêu xếp thứ 10 với 5,68 điểm. 

Như vậy, nhìn vào tốp 10 địa phương có điểm thi trung bình cao nhất trong năm 2019, tiếp tục “vắng bóng” Hà Nội, vốn được xem là địa phương có thành tích cao về giáo dục mũi nhọn.

Theo thứ tự xếp hạng, dù Hà Nội xếp thứ 26 song đây vẫn là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng thí sinh đạt điểm tuyệt đối với 199 bài thi đạt điểm 10. Các tỉnh có điểm trung bình thấp nhất là Hòa Bình với 4,65 điểm, Hà Giang với 4,25 điểm và Sơn La với 4,12 điểm. (H.T.)


Huyền Thanh
.
.
.