Phạt tiền đối với giáo viên ép buộc học sinh học thêm: Liệu có khả thi?
- Bức xúc về quản lý thu chi, dạy thêm học thêm trong ngành Giáo dục tỉnh Sóc Trăng
- Có tạo áp lực dạy thêm, học thêm?
- Chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm sai quy định
Theo các chuyên gia giáo dục, việc tăng các hình phạt bằng cách đánh vào “túi tiền” của người dạy cũng là một giải pháp có ý nghĩa răn đe nhằm giảm thiểu vấn nạn dạy thêm biến tướng, dạy thêm tràn lan gây bức xúc. Tuy vậy, nếu các quy định đưa ra một cách chung chung và cứng nhắc thì sẽ rất khó thực thi, thậm chí trong một số trường hợp còn có thể gây ra tác dụng ngược.
Để đẩy lùi vấn nạn dạy thêm, học thêm biến tướng cần nhiều giải pháp đồng bộ. Ảnh minh họa. |
Cô Nguyễn Thị Minh Huệ, giáo viên Trường THPT Hoàng Mai (Nghệ An) cho rằng: Việc đưa ra các quy định xử phạt dạy thêm, học thêm bằng cách đánh vào kinh tế cũng là một cách thức để đạt hiệu quả răn đe. Tuy nhiên, với lĩnh vực đặc thù như giáo dục, những quy định này sẽ rất khó áp dụng, không phải vì luật không nghiêm mà là giáo dục đôi khi có những mặt mà luật không thể vận dụng rõ ràng được.
Chẳng hạn như việc cha mẹ học sinh gửi con em cho thầy cô dạy thêm. Việc học thêm dạy thêm rõ ràng là xuất phát từ nhu cầu của cha mẹ và thầy cô đáp ứng nhu cầu. Vì vậy trong trường hợp đặt vấn đề phạt dạy thêm, học thêm thì phải có một thông tư hướng dẫn cụ thể, trong đó giúp giáo viên phân biệt đâu là việc dạy thêm, đâu là việc hỗ trợ phụ huynh trong chăm sóc hướng dẫn trẻ.
“Cá nhân tôi cho rằng, quy định xử phạt 10 triệu đồng nếu ép học sinh học thêm khó có cơ sở pháp lý để xác định. Nếu như thế, Bộ GD&ĐT cần nêu rõ ép như thế nào, chứ không thể nói chung chung như vậy vì hiện nay, việc học thêm đa phần xuất phát từ nhu cầu của học sinh và phụ huynh. Nhiều giáo viên giỏi, có kinh nghiệm và uy tín không chỉ được học sinh trong trường mà học sinh các trường lân cận khác tìm đến để xin học. Do vậy, nếu quy định không rõ ràng sẽ khiến cho những giáo viên tâm huyết với nghề cảm thấy hoang mang, không thể chuyên tâm cống hiến và những học sinh có nhu cầu được học thêm chính đáng cũng sẽ bị thiệt thòi” - cô Huệ nêu quan điểm.
Chia sẻ với PV Báo CAND, PGS.TS Đặng Quốc Bảo, nguyên Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục cũng cho rằng: Việc tăng mức phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi dạy thêm, học thêm biến tướng, không chính đáng là cần thiết song cần hết sức thận trọng, tránh đánh đồng và tư duy theo kiểu “không quản được thì cấm”, bởi điều này không còn phù hợp với bối cảnh dân chủ hóa hiện nay.
“Việc xử phạt nặng bằng hình thức đánh vào “túi tiền” của giáo viên khi dạy thêm không chính đáng chỉ là một biện pháp tình thế, không giải quyết được tận gốc câu chuyện này. Để đẩy lùi tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, cần một loạt các giải pháp đồng bộ. Đầu tiên, Bộ GD&ĐT cần phải thiết kế lại chương trình, nội dung học làm sao cho học sinh không cần phải học thêm. Cấu trúc chương trình giáo dục phổ thông hiện nay quá hàn lâm, nặng về kiến thức, ít kỹ năng khiến học sinh quá tải trên lớp nên nhiều em vẫn phải đi học thêm. Cùng với đó, cũng phải thay đổi cả cách kiểm tra, đánh giá vì đề thi ra quá khó, vượt quá chuẩn kiến thức trong sách giáo khoa cũng là một trong những nguyên nhân khiến học sinh phải học thêm. Ngoài ra, chính sách tiền lương hiện nay khiến người thầy không thể sống khỏe với nghề, do vậy, đảm bảo thu nhập để giáo viên có thể sống bằng lương cũng là một trong những nhân tố góp phần triệt tiêu động cơ dạy thêm không chính đáng” - PGS Đặng Quốc Bảo nhấn mạnh.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội nêu quan điểm: Trong xã hội dân chủ hiện nay, khi giáo dục đang trở thành một dịch vụ công thì dạy thêm, học thêm cũng là một nhu cầu có thật và mang tính thỏa thuận cá nhân giữa các phụ huynh có khả năng và điều kiện chi trả với giáo viên. Do vậy, việc xử phạt nếu không khéo sẽ dễ xâm phạm quyền cá nhân và rất khó khả thi. Nếu Dự thảo Nghị định quy định ép buộc học thêm mới bị phạt thì đây là quy định quá chung chung và rất mơ hồ vì lớp học thêm nào hỏi ra cũng đều là do “tự nguyện” của người học cả. Khi đó, việc tìm “bằng chứng” ép buộc học sinh học thêm còn khó hơn cả “mò kim đáy biển”.
Cũng theo đề xuất của TS Nguyễn Tùng Lâm, thay vì đưa ra những quy định xử phạt chung chung, khó có tính khả thi, Dự thảo nên quy định rõ giáo viên không được tự ý tổ chức lớp dạy thêm ở trong và ngoài nhà trường nhưng họ vẫn có quyền tham gia dạy thêm ở những trung tâm, tổ chức dạy thêm đã được cấp phép và đảm bảo chất lượng. Người học có nhu cầu thì đăng ký học thêm ở những trung tâm độc lập đó. Cách làm này sẽ gián tiếp hạn chế được việc ép buộc học sinh học thêm một cách tinh vi theo kiểu phụ huynh cho con học thêm vì “nể nang”, hoặc chỉ để không làm “mất lòng” giáo viên.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết: Dự thảo Nghị định lần này đưa ra những quy định có mức phạt cụ thể với mục đích chính là răn đe, hạn chế các hành vi vi phạm.
Cũng theo ông Bằng, dạy thêm chính đáng và không chính đáng rất phức tạp, ranh giới rất mong manh. Từ trước đến nay, dạy thêm, học thêm, Bộ GD&ĐT không cấm hoàn toàn bởi đây là nhu cầu chính đáng và có thật trong một bộ phận phụ huynh và học sinh, song hoạt động này trên thực tế rất dễ bị lạm dụng và biến tướng, gây bức xúc.
“Xử phạt vi phạm hành chính những sai phạm trong hoạt động dạy thêm, học thêm chỉ là một công cụ để quản lý, không phải công cụ vạn năng. Tuy vậy, với vấn đề này, ban soạn thảo sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý, cụ thể hóa cho rõ để dễ áp dụng vào thực tế và sẽ tập huấn kỹ cho các địa phương trước khi Nghị định được ban hành. Khi xử phạt cũng phải xem xét cụ thể đâu là động cơ, hành vi, mục đích, chứ không phải cứ “đè” ra phạt” - ông Bằng cho biết.