Phát động cuộc thi viết về phòng ngừa lao động trẻ em

Thứ Hai, 10/06/2019, 16:57
Ngày 10-6 tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế ILO tại Việt Nam và Cục Trẻ em thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức lễ phát động cuộc thi viết về “Phòng ngừa lao động trẻ em”.

Cuộc thi là hoạt động truyền thông về ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng trẻ em tham gia lao động sớm và trẻ em lao động trái quy định của pháp luật, đồng thời chia sẻ, khuyến khích những nỗ lực để ngăn chặn tình trạng lao động trẻ em ở Việt Nam.

Ngoài ra, cuộc thi nhằm khuyến khích và tôn vinh các nhà báo viết về lao động trẻ em thông qua các sản phẩm báo chí, truyền thông có nội dung và hình thức thể hiện tốt về các giải pháp, đề xuất, sáng kiến, gương điển hình, kinh nghiệm, mô hình tốt trong công tác phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em.

Hạn nhận tác phẩm dự thi là từ ngày phát độngđến hết ngày 31-8-2019. Dự kiến, lễ công bố và trao Giải dự kiến sẽ được tổ chức tại Hà Nội trong quý 3.

Cơ cấu giải thưởng: sẽ bao gồm 11 giải với tổng giải thưởng là 70 triệu đồng, bao gồm: 1 giải nhất trị giá 20 triệu đồng; 2 giải nhì: 10 triệu đồng; 3 giải ba: 5 triệu đồng và 5 giải khuyến khích: 3 triệu đồng.

Các tác phẩm dự thi được gửi qua bưu điện, gửi trực tiếp hoặc gửi email đến ban tổ chức theo địa chỉ: Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, Tầng 6 Tòa nhà Hội Nhà Báo Việt Nam, đường Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam; email vananh.vjtc@gmail.com.

Được biết, theo điều tra quốc gia về lao động trẻ em năm 2012, có hơn 1,7 triệu lao động trẻ em tại Việt Nam, trong đó 70% trẻ em làm việc trong ngành nông nghiệp, số còn lại làm việc trong ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ 42% trẻ em lao động không đi học; 34% trẻ em làm việc hơn 42 giờ/1 tuần, điều này làm hạn chế cơ hội đến trường của các em.

Nhiều trẻ em lao động ở Việt Nam làm việc trong các khu vực phi chính thức, làm các công việc có nguy cơ cao về tai nạn, nhiệt độ khắc nghiệt và môi trường độc hại, làm việc ngoài trời. Những môi trường như vậy có thể gây thương tích và cản trở sự phát triển của trẻ về thể chất cũng như tinh thần.

Hiện nay, lao động trẻ em đang là vấn đề toàn cầu khi có rất nhiều trẻ em đang phải làm các công việc độc hại, có nguy cơ cao ở khắp nơi trên thế giới. Phần lớn các em sẽ phải chịu các tai nạn thương tích, bệnh nghề nghiệp, ảnh hưởng phát triển về thể chất cũng như tâm lý.

Hải Châu
.
.
.