Đà Nẵng có 40% trong số 2.300 chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế không phản ánh đúng thực lực HS
- Dư luận trái chiều trước việc Đà Nẵng bỏ môn Ngoại ngữ trong tuyển sinh lớp 10
- Tuyển sinh lớp 10: Bỏ cộng điểm khuyến khích giải thi cấp tỉnh
Sở GD&ĐT cũng đã nhận được nhiều kiến chưa đồng tình về cách quy đổi điểm và cộng điểm ưu đãi liên quan đến kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2019 -2010. Do vậy, việc thay đổi không thi môn Ngoại ngữ và không áp dụng quy đổi điểm đối với các chứng chỉ ngoại ngữ để nhằm đảm bảo tính công bằng, khách quan cho học sinh trong thi tuyển…
Theo Sở Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) TP Đà Nẵng việc thay đổi không thi môn Ngoại ngữ để nhằm đảm bảo tính công bằng, khách quan cho học sinh. |
Khi chứng chỉ quốc tế không phản ánh được trình độ thật của học sinh
Như Báo CAND đã phản ánh, những ngày qua, dư luận, các bậc phụ huynh học sinh tại TP. Đà Nẵng nóng hơn bao giờ hết khi chỉ còn chưa đến 20 ngày nữa là diễn ra kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông, nhưng vào ngày 15-5 Sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng lại bất ngờ có công văn khẩn, thay đổi quy định tuyển sinh. Trong đó, có việc loại bỏ môn Ngoại ngữ ra khỏi kỳ thi (chỉ còn thi hai môn Văn và Toán).
Trước đó, Sở Giáo dục Đà Nẵng đã ban hành quyết định về việc thi tuyển sinh lớp 10, trong đó đối với môn Ngoại ngữ thì nếu học sinh có chứng chỉ Ngoại ngữ quốc tế như: TOEFL hoặc IELTS (đối với tiếng Anh), TCF và DELF (đối với tiếng Pháp), Goethe Zertifikat và Deutsches Sprachdiplom (DSD) (đối với tiếng Đức), JLPT (đối với tiếng Nhật) sẽ được miễn thi và được quy đổi thành điểm 9 hoặc điểm 10.
Việc ngành giáo dục bất ngờ thay đổi quy định tuyển sinh vào phút chót khiến hơn 13.200 học sinh chuẩn bị thi vào lớp 10 cũng như phụ huynh bức xúc, lo lắng. Nhiều ý kiến cho rằng, học sinh đã phải dành nhiều thời gian, công sức để ôn tập, rèn luyện các kỹ năng tại các trung tâm ngoại ngữ quốc tế mới thi đạt các chứng chỉ nói trên. Nay ngành giáo dục thay đổi quy định tuyển sinh sẽ khiến các em thiệt thòi...
Lý giải về việc hủy thi môn ngoại ngữ vào phút chót này, ngày 16-5 ngay tại cuộc họp giữa Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng với các Trưởng phòng giáo dục, các Hiệu trưởng trường trung học phổ thông trên địa bàn, ông Trần Nguyễn Minh Thành – Phó Giám đốc sở GD&ĐT cho biết: Về vấn đề thay đổi trong chứng chỉ Ngoại ngữ Sở đã nhận được rất nhiều câu hỏi của phụ huynh, giáo viên. “Chúng tôi nhận được rất nhiều câu hỏi và Sở cũng đã tổ chức cuộc họp với lãnh đạo các phòng giáo dục và các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở trên địa bàn, cũng nắm được tâm tư, tình cảm của phụ huynh, học sinh, giáo viên. Sẽ có những vấn đề đặt ra như: chứng chỉ không công bằng, chứng chỉ không phản ánh đúng thực tế chất lượng học môn ngoại ngữ của học sinh...
Đặc biệt, theo ông Thành: Trong số hơn 13.200 học sinh đăng ký thi tuyển vào lớp 10 thì có khoảng 2.300 thí sinh có chứng chỉ Ngoại ngữ quốc tế. Nhưng qua thực tế khảo sát, điều tra thì có khoảng 40% trong số chứng chỉ đó là các học sinh có học lực trung bình điểm môn Ngoại ngữ chỉ ở mức: “Trung bình và khá”. Đặc biệt là có 30 em có điểm môn ngoại ngữ là yếu và nhưng được quy đổi ra điểm tuyệt đối là 10. Đó là một bất cập về việc quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế sang điểm 9, điểm 10 trong quy định tuyển sinh trước đây của ngành giáo dục Đà Nẵng (thi ba môn: Toán - Văn và Ngoại ngữ).
Bỏ thi môn Ngoại ngữ để công bằng và giảm áp lực cho học sinh
Cũng theo đại diện Sở thì việc không thừa nhận chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế thì lý do có nhiều yếu tố, trong đó nó không đảm bảo tính tin cậy. Bởi thực tế thi một số chứng chỉ Ngoại ngữ quốc tế còn tồn tại nhiều tiêu cực. Trong đó, không ít học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế chỉ là: yếu, trung bình và khá nhưng khi phiên qua thì điểm 9, 10 là điểm giỏi.
Như vậy là không công bằng với các học sinh khác. Và mặc dù chúng ta nói chứng chỉ Ngoại ngữ quốc tế nhưng không phải thi như chuẩn quốc tế, mà còn tệ hơn cả một kỳ thi học kỳ của các trường phổ thông. Có trường hợp thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế mà 25 em học sinh cùng làm 1 đề thi. Rồi có trường hợp chỉ học 3 ngày là có chứng chỉ quốc tế. Có những chứng chỉ mà kiến thức không tương xứng với chương trình giáo dục hiện hành…
Trước ghi nhận tình hình thực tế này, Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng cùng Ủy ban nhân dân thành phố đã có nhiều cuộc họp bàn bạc, cân nhắc và quyết định chốt phương án chỉ thi tuyển hai môn Toán - Văn để công bằng và giảm áp lực cho học sinh. Giảm 1 môn chứ không tăng. Một câu hỏi mà nhiều phụ huynh học sinh và dư luận đặt ra là dù không công nhận chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, vậy sao không giữ lại môn tiếng Anh, bởi những học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế thì vào thi sẽ ổn..?.
Đại diện sở GD&ĐT đã cho biết lý do bỏ thi môn ngoại ngữ vì: Nếu thi thì hơn 2.300 học sinh tại Đà Nẵng đã có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Pháp, tiếng Đức...) thời gian vừa qua tập trung ôn luyện lấy chứng chỉ, không ôn tập môn tiếng Anh. Nếu giờ thi môn tiếng Anh thì cũng bất công cho những người đã có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (không phải tiếng Anh). Họ đã chịu thiệt một lần không cộng điểm rồi giờ thiệt thêm một lần không được ôn tập nữa thì sao. Như vậy, sở chỉ đưa ra phương án thi tuyển và kết hợp xét tuyển đại trà.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Đà Nẵng lý giải, để tạo sự công bằng nhất cho tất cả các em học sinh dù có hay không chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, Sở GD&ĐT Đà Nẵng quyết định không tổ chức môn Ngoại ngữ trong kỳ tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2019 -2020 mà chỉ thi 2 môn Toán, Ngữ văn. Hơn nữa, theo phương án tuyển sinh trước đây, điểm môn Ngoại ngữ chỉ hệ số 1; điểm môn Toán và Ngữ văn hệ số 2. Do vậy, việc bỏ thi môn Ngoại ngữ không ảnh hưởng quá lớn đến tổng điểm thi của học sinh.