Nở rộ hình thức học online

Thứ Tư, 12/02/2020, 09:02
Sau nhiều ngày học sinh, sinh viên cả nước được nghỉ học để phòng, chống dịch do virus Corona, bối cảnh giáo dục đã và đang có sự thay đổi so với trước.


Để đối phó với dịch, nhiều trường đã tổ chức dạy học online, nhiều cha mẹ chọn online là phương thức học tập tạm thời cho con. Tuy vậy, quá trình ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong giáo dục những ngày qua đã và đang cho thấy sự khác biệt giữa các hệ thống nhà trường.   

Học linh hoạt thời công nghệ

Để phòng tránh dịch bệnh từ virus Corona, Trường ĐH Kinh tế quốc dân thông báo toàn trường triển khai phương pháp học Blended Learning từ ngày 10-2  cho hơn 25.000 sinh viên. 

Phương pháp học này kết hợp giữa giảng dạy trên lớp và giảng dạy trực tuyến với sự hỗ trợ của hệ thống LMS. 800 cán bộ giảng viên của trường đã được tập huấn cấp tốc để triển khai bài giảng trực tuyến hoặc xây dựng các clip bài giảng đẩy lên hệ thống. Để thực hiện dạy và học trực tuyến, ĐH Kinh tế quốc dân đã phải nâng cấp đường truyền, đầu tư hệ thống máy chủ. 

Tương tự, nhiều trường ĐH có hệ thống CNTT mạnh, được đầu tư bài bản và thành thạo trong vận hành cũng thực hiện việc dạy học online trong thời gian sinh viên nghỉ học. Trước đó, hàng loạt trường tiểu học, THCS và THPT ngoài công lập trên địa bàn Hà Nội cũng đã áp dụng hình thức học này để chương trình học không bị gián đoạn. 

Đặc biệt, nhiều chương trình học online miễn phí cũng đã được các tổ chức, doanh nghiệp lớn như FPT, VNPT, Viettel cấp tốc ra mắt, phục vụ miễn phí người học online trên cả nước đã thu hút hàng triệu lượt học sinh tham gia chỉ sau một thời gian ngắn. Các nền tảng học trực tuyến như Hocmai.com, Tuyen sinh247.com cũng tổ chức livestream, phát trực tiếp các chương trình học, ôn tập cho học sinh toàn quốc.

Có thể nói rằng, chưa khi nào, hình thức học online lại “nở rộ” như những ngày qua. Hình thức học mọi nơi, mọi lúc mà không cần đến lớp này cũng đã thực sự phát huy lợi thế vào thời điểm học sinh, sinh viên được tạm nghỉ học để phòng tránh dịch bệnh. 

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, trong thời đại công nghệ phát triển, thay đổi từng giờ thì giáo dục cũng phải thay đổi, từ hình thức tổ chức lớp học, phương pháp giảng dạy của giáo viên, cách tiếp cận kiến thức đối với học sinh. 

Thạc sĩ Nguyễn Thị Hương Giang, ĐH Huế, nghiên cứu sinh tại Australia cho biết: Hiện nay công nghệ phát triển rất cao, có nhiều ứng dụng cho việc học tại nhà nên đây cũng là điều kiện tốt để chuyển đổi từ học thụ động sang học chủ động. 

Bên cạnh đó, học trực tuyến cũng là cơ hội để thay đổi phương pháp giảng dạy truyền thống, học trò là trung tâm thay cho thầy cô là trung tâm như trước đây. Chẳng hạn ở Australia, giáo viên đang thực hiện phương pháp có tên gọi “flipped classroom” (lớp học đảo ngược). Ở đó, giáo viên cung cấp tài liệu học trực tuyến bằng cách quay một số video về chủ đề bài học. Học sinh sẽ xem video bài giảng, đọc thêm các tài liệu giáo viên đưa cho, sau đó cùng trực tuyến với giáo viên. 

“Nếu áp dụng đúng, tài liệu học tập thú vị, phương pháp này sẽ giúp học sinh chủ động hơn trong học tập, làm chủ việc học, giáo viên chỉ đóng vai trò hướng dẫn hỗ trợ. Ngoài ra, học sinh còn có cơ hội phát triển tư duy, chẳng hạn tư duy phản biện cũng như các kỹ năng giải quyết vấn đề” - Thạc sĩ Nguyễn Hương Giang chia sẻ.

Hình thức học online được nhiều phụ huynh, học sinh lựa chọn trong thời gian tạm nghỉ học để phòng dịch bệnh. Ảnh minh họa.

Nền tảng công nghệ nhiều trường quá lạc hậu

Trên thực tế, việc lựa chọn hình thức học cho học sinh trong thời gian tạm nghỉ để phòng tránh virus Corona đã thể hiện rõ sự khác biệt giữa các hệ thống trường công lập và ngoài công lập. 

Đáng chú ý các trường tổ chức học online chủ yếu là các trường ngoài công lập, có hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin tốt, được đầu tư lớn. Trong khi đó, hệ thống các trường công lập, do nguồn lực hạn chế nên hệ thống này chưa thực sự được chú trọng. Do đó, thay vì tổ chức học online, giáo viên chủ nhiệm các trường công chủ yếu giao bài tập cho học sinh qua hệ thống email của phụ huynh, học sinh.

PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Phó trưởng Ban phụ trách Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng: Những ngày qua cho thấy, việc học online trở nên bình thường với cả giáo viên, học sinh, gia đình nếu các trường đã có nền tảng công nghệ tốt. Đó thường là các trường có sử dụng phần mềm công nghệ trong quản lí/tổ chức dạy học thường xuyên; giáo viên đã sử dụng thường xuyên; học sinh có thói quen học tập. 

Bài giảng không chỉ phải là một video được giáo viên ghi lại, một phiếu học tập, hoặc là những buổi "livestream" mà cần còn cả một kênh hỗ trợ từ đánh giá, phản hồi - tương tác. Điều đáng mừng là rất nhiều giáo viên, nhà trường cũng cập nhật xu hướng này. Đó là một thái độ tốt đối với nghề nghiệp.

Tuy vậy, PGS Chu Cẩm Thơ cũng thừa nhận, nền tảng công nghệ của nhiều trường học còn chưa tốt. Không phải là thiếu thiết bị cá nhân (vì chỉ cần một smartphone phổ biến là đã triển khai được) mà là một nền tảng hệ thống chưa đầy đủ. Những ngày này có thể xem là một cơ hội tốt để các nhà quản lí và nghiên cứu công nghệ dạy học có thể tiến hành những thử nghiệm và đánh giá trên diện rộng thực tiễn ứng dụng CNTT trong dạy học.

ThS. Trần Minh Hổ, Trường Đại học Đông Á chia sẻ: “Chỉ là thay đổi phương thức giảng dạy từ trực tiếp sang gián tiếp, giảng viên và sinh viên vẫn linh động nối kết trực tuyến để chuyển tải tư liệu, bài giảng, hướng dẫn bài tập học phần như thường ngày lên lớp. Không những thế, thầy và trò nhà trường cũng tìm hiểu và chia sẻ cho nhau các thông tin và cách phòng tránh nCoV với mong muốn dịch bệnh sớm qua để việc học được trở lại bình thường”.

Trao đổi với chúng tôi, SV Lê Đình Lượng, học Khoa Du lịch ĐH Đông Á cho biết: “Các bài giảng livestream của thầy, cô giáo vẫn rất thu hút như khi được học tại lớp. SV vẫn được tương tác trực tiếp với giảng viên, được hỗ trợ thường xuyên về nội dung bài học, bài tập và các phần thực hành.

Với phương thức học này, SV còn có thể chủ động xem lại nhiều lần bài giảng để nắm bài kỹ hơn. Hơn nữa, trong tình hình dịch bệnh nCoV như hiện nay, việc học online là phương án tối ưu để SV vẫn chủ động hệ thống bài học liên tục, không ngắt quãng kiến thức vừa đảm bảo các biện pháp phòng tránh nCoV cho bản thân và gia đình”.

H.Thanh - H.Thu
.
.
.