Nhiều học sinh bị rối loạn tiêu hoá sau bữa ăn bán trú

Thứ Ba, 02/04/2019, 20:52
Cuối tuần qua, Báo CAND đã nhận được thông tin của một số phụ huynh có con học tại trường Tiểu học Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân (Hà Nội) phản ánh về việc nhiều học sinh có biểu hiện bị rối loạn tiêu hóa sau bữa ăn bán trú tại trường.


Chiều 2-4, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quận Thanh Xuân và lãnh đạo Trường Tiểu học Thanh Xuân Bắc đã có buổi trao đổi với phóng viên Báo CAND và một số cơ quan báo chí về vấn đề này.

Theo Báo cáo số 08/BC-THTX ngày 1- 4 của Trường Tiểu học Thanh Xuân Bắc cho thấy, thực đơn mà các con ăn trong buổi trưa và buổi ăn phụ ngày 29-3 là bún giò gà và bánh kem cuộn Hải Hà. Thực phẩm buổi trưa có đầy đủ nhãn mác, ngày sản xuất, hạn sử dụng, đối chiếu với hóa đơn khớp với hồ sơ nhà cung cấp. 

Toàn bộ thực phẩm đều được nhà trường lưu mẫu đúng quy định. Bếp ăn được phân chia theo quy trình bếp một chiều, khu sơ chế riêng, khu nấu, khu chia thức ăn chín riêng, dụng cụ thái thức ăn sống, thức ăn chín để riêng và có tủ sấy bát cho toàn bộ học sinh bán trú.

Ông Phạm Gia Hữu, Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân thông tin với báo chí về vụ việc chiều 2-4.

Khoảng 11h15' ngày 29-3, các con ăn buổi trưa, hiệu trưởng và hiệu phó đều ăn cùng món bún giò gà với học sinh. 13h40', các con ăn bữa phụ là bánh cuộn Hải Hà và đến 15h15', các con uống sữa theo chương trình sữa học đường. Đến 18h30', khi hiệu trưởng và nhân viên văn phòng ra về, nhà trường không ghi nhận trường hợp cháu nào bị đau bụng, đi ngoài. 

Tuy nhiên, đến 10h30' ngày 30-3, theo thông tin phụ huynh phản ánh, có 17 học sinh có biểu hiện đau bụng, đi ngoài khi ở nhà vào đêm 29-3. Ngay trong tối ngày 30-3, Phòng Y tế quận, Trung tâm Y tế quận và lãnh đạo Phường Thanh Xuân Bắc đã đến trường làm việc, kiểm tra và niêm phong mẫu thức ăn, sữa học đường của ngày 29-3. 

Đến 21h ngày 30-3, theo phản ánh của phụ huynh học sinh, không có học sinh nào nhập viện. Riêng học sinh Bùi Thái An (lớp 4A4) đã được gia đình đưa đến Bệnh viện Bưu điện để xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán em bị rối loạn tiêu hóa. 

Ngày 31-3, Trung tâm Y tế quận đã đến làm việc với nhà trường, lấy mẫu nước uống của học sinh, lưu mẫu thực phẩm (đã niêm phong từ tối ngày 30-3) để đi xét nghiệm. Đến ngày 1-4, các học sinh đều đã đi học bình thường và tham gia đầy đủ các hoạt động của nhà trường.

Thông tin thêm về vụ việc, bà Đỗ Thị Tố Nga, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Xuân Bắc cho biết: Toàn trường hiện có khoảng 1.150 học sinh ăn bán trú, mỗi suất ăn trị giá 25 nghìn đồng (bao gồm bữa ăn phụ). Toàn bộ thực phẩm và đầu bếp chế biến bữa ăn tại trường đều do Công ty Hương Việt Sinh cung cấp. 

Khu vực chế biến thức ăn của Trường tiểu học Thanh Xuân Bắc chiều 2-4.

Quan điểm của nhà trường là luôn đặt an toàn thực phẩm lên hàng đầu và rất chú trọng đến sức khỏe của học sinh. Ngay từ đầu năm học, thực hiện chủ trương của quận, nhà trường đã tăng cường vai trò của ban phụ huynh trong việc giám sát bữa ăn bán trú. Khi giao nhận thực phẩm buổi sáng hàng ngày đều có sự tham gia của Ban đại diện cha mẹ học sinh. 

“Tuy nhiên, nhà trường cũng tự nhận thấy việc lên thực đơn trong bữa ăn bán trú ngày 29-3 chưa hợp lý, cần rút kinh nghiệm và sẽ có sự điều chỉnh. Khi có kết quả xét nghiệm, nhà trường sẽ công bố công khai đến phụ huynh và báo chí”- bà Nga nói.

Tại buổi làm việc, PV Báo CAND đã đặt một số câu hỏi: Quy trình kiểm soát an toàn thực phẩm bữa ăn bán trú của UBND Quận Thanh Xuân thể hiện trong các văn bản là chặt chẽ, nhưng việc kiểm soát, “test” nguồn nguyên liệu thực phẩm hằng ngày được tiến hành thủ công hay có sử dụng công nghệ? 

Sau sự việc xảy ra tại Trường Tiểu học Thanh Xuân Bắc, tuy chưa xảy ra hậu quả lớn nhưng lãnh đạo Phòng và nhà trường sẽ rút ra bài học kinh nghiệm gì để hạn chế thấp nhất những rủi ro liên quan đến chất lượng bữa ăn bán trú? 

Ông Phạm Gia Hữu, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân trả lời rằng, 1 ngày Quận Thanh Xuân có khoảng 20.000 học sinh ăn bán trú và quy trình của Quận đề ra là “việc làm thật, không phải văn bản đề ra rồi để đấy. Ban chỉ đạo về vệ sinh an toàn thực phẩm do đồng chí Phó Chủ tịch quận làm trưởng ban thường xuyên kiểm tra đột xuất đối với các trường. Phòng Y tế cũng kiểm tra đột xuất. Phòng Giáo dục cũng kiểm tra bữa ăn theo chức năng của mình”. 

Theo ông Hữu, xảy ra cái gì liên quan đến an toàn thực phẩm sẽ là “đại họa nên chúng tôi không thể buông lỏng quản lí”.Về “test” thực phẩm, Quận “test” bằng thiết bị có hóa chất, 73.000 đồng/lượt test. Nhưng “test” rau, thịt, cá, nước…, một ngày 10 mẫu test, sẽ có hai hạn chế, đó là: 2 tiếng mới có kết quả, các trường đều phải chờ, nếu cứ chờ sẽ muộn bữa ăn của các con. Trong quá trình thực hiện đã nảy sinh những hạn chế. 

“Test” tất cả các loại thực sự quá tốn kém, nếu các cơ quan quản lí tốt, xác minh được nguồn gốc thực phẩm, đến tận vườn, tận chuồng để xác minh thì cùng một vườn rau, không cần ngày nào cũng “test” được. Chúng ta phải có trách nhiệm chung trước bữa ăn của các con. Phải tính lại sao cho khoa học, hiệu quả. 

Tôi đang có ý kiến là 10 mẫu test sẽ mất 730.000 đồng, tính số tiền “test” cả tháng của một trường rất lớn, chúng tôi đang đề xuất “test” theo mẫu có nên không?”, ông Hữu cho biết.

Sau sự việc này, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận sẽ chỉ đạo các trường rà soát, điều chỉnh thực đơn bữa ăn bán trú sao cho hợp lí hơn.

Thu Phương – Huyền Thanh
.
.
.