Nhiều bất cập nảy sinh từ việc bỏ thi vào lớp 6

Thứ Ba, 30/05/2017, 06:40
Từ năm 2015, Bộ GD&ĐT đã ban hành quyết định cấm tổ chức thi tuyển vào lớp 6 dưới mọi hình thức để giảm áp lực cho học sinh. Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai bỏ thi vào lớp 6, hầu hết các trường chất lượng cao trên địa bàn đều cho rằng, với cách xét tuyển như hiện nay đang bộc lộ nhiều bất cập.

Quan trọng hơn, áp lực đối với học sinh và phụ huynh không hề giảm đi mà dường như đang chuyển hướng khi các em phải tham gia quá nhiều cuộc thi từ văn hóa đến văn nghệ, thể thao với mục đích chỉ để lấy được điểm ưu tiên trong xét tuyển.

Khi tiêu chí phụ lại đóng vai trò...  quyết định

Năm học 2017-2018, trường chuyên Hà Nội - Amsterdam xét tuyển khoảng 200 chỉ tiêu vào lớp 6. Điều kiện xét tuyển vào lớp 6 của nhà trường là tổng điểm của điểm học tập từ lớp 1 đến lớp 5, điểm ưu tiên và điểm khuyến khích. Nhà trường sẽ đưa ra bảng quy đổi điểm kết quả học tập của học sinh theo từng năm học, quy đổi điểm ưu tiên và khuyến khích cùng điểm khuyến khích cho học sinh tham gia các giải theo quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội.

Các trường chất lượng cao cho rằng, việc thi tuyển vào lớp 6 sẽ chọn được học sinh một cách khoa học và công bằng hơn. Ảnh minh họa.

Học sinh trúng tuyển sẽ được xét điểm từ cao xuống thấp. Trong trường hợp học sinh đạt điểm xét tuyển trùng nhau vượt chỉ tiêu được giao, hội đồng tuyển sinh nhà trường sẽ xét tổng điểm khuyến khích của toàn bộ các giải thưởng học sinh đạt được từ lớp 1 đến lớp 5 và xếp thứ tự từ cao xuống đến đủ chỉ tiêu.Tương tự, một số trường chất lượng cao khác như Lương Thế Vinh, Đoàn Thị Điểm, Marie Curie, Nguyễn Siêu...  cũng tiến hành tuyển sinh theo cơ chế xét tuyển với số lượng chỉ tiêu vẫn ổn định như các năm học trước.

Theo đó, điều kiện để xét tuyển vào trường, học sinh phải có 5 năm liền đạt học sinh giỏi, nhưng đó chỉ là điều kiện cần. Do hầu hết các học sinh dự tuyển đều đạt được tiêu chí này nên nhà trường phải tìm những tiêu chí khác để lựa chọn học sinh.

Cụ thể, trường sẽ ưu tiên tuyển những học sinh đạt giải trong các cuộc thi do ngành GD&ĐT tổ chức, kể cả cuộc thi giải toán qua mạng, tiếng Anh qua mạng hay các cuộc thi văn hóa, thể dục, thể thao từ cấp quận, huyện đến thành phố. Đồng thời, nhà trường sẽ xem xét đến những học sinh đạt giải ở những cuộc thi ở quy mô nhỏ hơn như cấp trường hay học sinh có bằng khen hoặc giấy chứng nhận đã tham gia các hoạt động, những cuộc thi do ngành GD&ĐT hoặc tổ chức trong nước và quốc tế tổ chức. Học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ được cấp bởi những tổ chức giáo dục có uy tín cũng được xem là điều kiện được “cộng điểm” trong quá trình xét tuyển.

Từ điều kiện xét tuyển của các trường chất lượng cao cho thấy, học bạ đẹp với tất cả các môn đều đạt điểm tối đa là một trong những tiêu chí cần, song chưa đủ. Để có một “tấm vé” vào trường điểm, nhiều phụ huynh bắt con phải tham gia các cuộc thi của thành phố, của ngành Giáo dục… để có thêm điểm cộng. Trong khi đó, chất lượng thực sự của những giải thưởng này khách quan và chính xác đến đâu thì nằm ngoài khả năng kiểm soát của các trường.

Thừa nhận những bất cập trong phương thức xét tuyển vào lớp 6, PGS Văn Như Cương, Chủ tịch HĐQT Trường Lương Thế Vinh cho biết: “Khoảng 2 năm trở lại đây, khi Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường thay vì tổ chức thi tuyển, phải tiến hành xét tuyển vào lớp 6, trung bình mỗi năm trường Lương Thế Vinh nhận được khoảng 4.000 hồ sơ xét tuyển. Trong đó, có đến 1.000 hồ sơ được điểm 10 tuyệt đối cả hai môn Toán, tiếng Việt suốt 5 năm tiểu học. Do có hàng nghìn hồ sơ đạt điểm tuyệt đối mà chỉ tiêu tuyển sinh chỉ được 600, chúng tôi buộc phải đưa ra tiêu chí phụ là các giải thưởng văn hóa, thể thao để lọc hồ sơ. Nhưng cứ 10 thí sinh đăng ký vào trường thì 3 em có giải thi học sinh giỏi cấp trường, cấp quận, thi Toán, tiếng Anh qua mạng, thi thể dục thể thao…

Không hiểu sao học sinh hai năm qua lại được nhiều điểm tuyệt đối, nhiều giải thưởng ở các cuộc thi như vậy? Chúng tôi không làm khảo sát và cũng không thể kiểm tra lại tất cả giải thưởng mà hàng nghìn học sinh đạt được trong các cuộc thi.

Tuy nhiên, có phụ huynh đã nói nhỏ với tôi rằng những giải văn nghệ, thể thao họ bỏ vài triệu ra mua, thậm chí xin là được. Thực tế đó khiến chúng tôi băn khoăn liệu những hồ sơ được điểm 10 tuyệt đối và các giải thưởng văn nghệ, thể thao, thi qua mạng kia có là thực chất?”.

Nên tổ chức thi tuyển để đảm bảo công bằng

Từ năm 2015, Bộ GD&ĐT đã ban hành quyết định cấm tổ chức thi tuyển vào lớp 6 dưới mọi hình thức để giảm áp lực cho học sinh. Theo đó, tất cả trường ở Hà Nội đều phải áp dụng xét tuyển theo tuyến, trừ một số trường được cho xét trái tuyến vì lượng thí sinh đăng ký đông hơn nhiều lần chỉ tiêu như: THCS Cầu Giấy, trường chuyên Hà Nội - Amsterdam, Lương Thế Vinh, Nguyễn Siêu, Đoàn Thị Điểm…

Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai bỏ thi vào lớp 6, hầu hết các trường chất lượng cao trên địa bàn đều cho rằng, với cách xét tuyển như hiện nay, các trường đều không chọn được học sinh như mong muốn. Bên cạnh đó, áp lực đối với học sinh và phụ huynh cũng không giảm khi các em đều phải chạy đua tham gia vào các cuộc thi để mong có giải và được cộng điểm khuyến khích khi xét tuyển vào trường.

Hiệu trưởng một trường chất lượng cao trên địa bàn quận Cầu Giấy thừa nhận, từ khi bỏ thi vào lớp 6, chất lượng đầu vào của trường có giảm sút rõ rệt, tỷ lệ học sinh giỏi thấp hơn. Đặc biệt, năng lực của học sinh không có sự phân hóa rõ nét. Do đó, theo vị hiệu trưởng này, với các trường chất lượng cao, chỉ tiêu có hạn mà số lượng hồ sơ đăng ký quá lớn không có cách tuyển sinh nào công bằng hơn một kỳ thi nhằm đánh giá năng lực thật sự của học sinh.

Còn theo ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie, trong bối cảnh bỏ chấm điểm ở bậc tiểu học, học bạ của các em đều đẹp như nhau, ngành Giáo dục lại cấm thi tuyển thì việc đạt giải ở một kỳ thi nào đó chính là tiêu chí quan trọng để nhà trường có thể lựa chọn học sinh một cách công bằng.

Tuy nhiên, ông Khang cũng bày tỏ lo ngại rằng, nếu có những trường hợp chạy điểm để có giải trong một kỳ thi học sinh giỏi nào đó, nhà trường cũng rất khó có thể phát hiện ra được những trường hợp như vậy. Do đó, việc cho phép các trường được tổ chức thi tuyển để chọn học sinh phù hợp là giải pháp khách quan và công bằng.

Đồng quan điểm trên, PGS Văn Như Cương cũng cho rằng: “Nếu có một kỳ thi, thì sự công bằng sẽ nhìn thấy ngay, vì tất cả học sinh đều phải “nhảy” qua một mức dây hay một cái “sàng”. Còn vẫn tiến hành xét tuyển như hiện nay, tôi e rằng các trường sẽ để lọt lưới học sinh giỏi thật sự”.

Huyền Thanh
.
.
.