Việc cấm thi vào lớp 6 cần có lộ trình hợp lý

Chủ Nhật, 19/04/2015, 10:07
Việc cấm các trường dân lập chất lượng cao thi tuyển vào lớp 6 là không phù hợp và đi ngược lại với chủ trương của Nghị quyết TW2.

Từ nhiều năm nay, những trường THCS được phụ huynh đánh giá có chất lượng giảng dạy tốt trên địa bàn Hà Nội như Đoàn Thị Điểm, Lương Thế Vinh, Nguyễn Tất Thành, Hà Nội-Amsterdam, Cầu Giấy… đều thực hiện thi tuyển đầu vào để chọn học sinh vì số lượng học sinh dự thi vào các trường này thường cao hơn rất nhiều lần so với chỉ tiêu.

Tuy nhiên, với việc Bộ GD&ĐT đột ngột ban hành chỉ thị cấm thi tuyển vào lớp 6 trong khi không đưa ra phương án thay thế mới đã khiến cho cả phụ huynh lẫn nhà trường đều rơi vào bị động và lúng túng. Phóng viên Báo Công an nhân dân đã có cuộc trò chuyện với Phó Giáo sư (PGS) Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) về vấn đề này.         

PV: Thưa PGS, với chỉ thị cấm thi tuyển vào lớp 6 nhằm giảm tải áp lực dạy thêm học thêm, đối tượng mà Bộ GD&ĐT hướng tới thực chất là đại đa số học sinh tiểu học hay chỉ là thiểu số?

PGS Văn Như Cương: Quy định này của Bộ GD&ĐT thực chất chỉ “nhắm” vào một số trường THCS chất lượng cao, trường đặc thù thường có số lượng học sinh thi tuyển vượt quá nhiều lần so với chỉ tiêu. Theo ước tính của cá nhân tôi, số học sinh phải trải qua thi tuyển bị ảnh hưởng trực tiếp từ quyết định này chỉ chiếm tỷ lệ thiểu số, chưa đến 5%, chủ yếu tập trung ở một số trường đặc thù, trường chất lượng cao, trường dân lập có học phí cao ở các thành phố lớn.

Trong khi đó, thực tế hiện nay, cả nước có trên 95% học sinh lớp 5 vào thẳng lớp 6 không phải qua khâu thi tuyển mà chỉ xét hồ sơ theo đúng tuyến. Do đó, việc Bộ GD&ĐT ban hành chỉ thị này đã khiến cho dư luận xã hội, đặc biệt là những phụ huynh không có con ở lứa tuổi này dễ hiểu nhầm và ngộ nhận, thậm chí nghe và hình dung ra việc thi tuyển vào lớp 6 hiện nay phải cạnh tranh cao như thi đại học nên cấm thi trở thành đòi hỏi vô cùng cấp bách.

PV:  Như vậy, việc Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường THCS không được thi tuyển vào lớp 6 phải chăng là bước đi trong lộ trình xóa bỏ trường chuyên, lớp chọn ở bậc THCS đã được đặt ra tại Nghị quyết Trung ương 2, thưa ông?

PGS Văn Như Cương:  Mục đích của chỉ thị này là chống việc dạy thêm và học thêm, giảm áp lực thi cử cho cấp tiểu học. Trong khi đó, việc xóa bỏ trường chuyên, lớp chọn ở bậc Tiểu học và THCS là một trong những yêu cầu được đưa ra tại Nghị quyết số 02-NQ/HNTW ngày 24/12/1996 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII.

Đây là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau, thậm chí còn có chỗ mâu thuẫn nhau. Nghị quyết TW2 yêu cầu, chỉ còn trường chuyên, lớp chọn ở bậc THPT, vậy thì về nguyên tắc, nhiều năm qua, Bộ vẫn cho phép một số trường THCS công lập chất lượng cao tổ chức thi và tuyển sinh trên toàn thành phố là không đúng. Lẽ ra các trường này chỉ được phép tuyển sinh theo đúng tuyến. Bên cạnh đó, việc cấm thi tuyển nhưng vẫn tiếp tục cho phép các trường này hoạt động theo cơ chế đặc thù chắc chắn cũng sẽ nảy sinh ra tiêu cực.

Riêng đối với các trường dân lập chất lượng cao, có mức thu học phí cao vài triệu đồng/tháng ra đời không phục vụ mục đích phổ cập giáo dục mà chủ yếu đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu của một bộ phận người dân có điều kiện thì được phép tuyển sinh toàn thành phố. Do đó, việc cấm các trường này thi tuyển vào lớp 6 là không phù hợp và đi ngược lại với chủ trương của Nghị quyết TW2.

PGS Văn Như Cương.

PV: Nhiều phụ huynh cho rằng, các phương án tuyển sinh thay thế như khảo sát, kiểm tra EQ và IQ khiến học sinh như rơi vào“ma trận”. Thậm chí, có thể là “lách luật” khi đang chuyển từ hình thức thi này sang hình thức kiểm tra khác mà mục đích cuối cùng vẫn là để chọn học sinh giỏi?

PGS Văn Như Cương: Mục tiêu nhiều năm nay của các trường THCS chất lượng cao là tổ chức thi để chọn học sinh bởi số thí sinh muốn theo học trên thực tế luôn lớn hơn rất nhiều so với khả năng tiếp nhận của nhà trường. Do vậy, khi không được tổ chức thi các môn văn hóa như Văn, Toán và Ngoại ngữ thì các trường phải nghĩ ra cách khác để sàng lọc và tuyển chọn học sinh phù hợp.

Trong điều kiện lệnh cấm được đưa ra đột ngột như vậy, đây hoàn toàn chỉ là những giải pháp tình thế khi các trường bị đưa vào thế bí. Bản thân tôi cho rằng, việc xét tuyển không được chạm đến kiến thức các môn Văn, Toán, Ngoại ngữ sẽ không đánh giá được năng lực thực sự của học sinh. Thậm chí, việc thi tuyển lớp 6 theo các hình thức như khảo sát, kiểm tra có thể sẽ tạo ra nhiều biến tướng và rơi vào vòng luẩn quẩn.

Ai dám chắc trong thời gian sắp tới, phụ huynh sẽ  không cho con đổ xô luyện thêm IQ, EQ và các trung tâm đào tạo không được kiểm định chất lượng sẽ mọc lên như nấm. Hơn nữa, xét tuyển theo hướng đánh giá năng lực là cách thức khá phức tạp. Cả IQ và EQ đều là những từ ngữ khoa học còn xa lạ và chưa dễ tiếp cận nên chắc chắn cũng sẽ gây ra nhiều băn khoăn, lo lắng cho phụ huynh. Tuy nhiên, xin nhắc lại là trong tình thế gấp rút như hiện nay, đó vẫn là giải pháp thay thế tốt nhất mà các trường có thể lựa chọn.

PV:  Vậy theo ông, thay vì đưa ra chỉ thị cấm thi tuyển vào lớp 6 đột ngột và có phần vội vàng như vậy, quy định này cần được triển khai theo lộ trình như thế nào là hợp lý?

PGS Văn Như Cương: Từ việc cấm thi tuyển vào lớp 6 cho thấy, cách làm việc của Bộ GD&ĐT vẫn theo kiểu “nước đến chân mới nhảy”, không có kế hoạch dài hơi. Thậm chí là bị động theo kiểu không quản được thì cấm. Theo tôi, với việc cấm thi vào lớp 6, Bộ GD&ĐT phải thông báo trước ít nhất 1 năm để các trường có kế hoạch, có phương án thay thế phù hợp nhằm hạn chế xáo trộn ở mức thấp nhất. Hay như kế hoạch về kỳ thi THPT quốc gia cũng cần phải có kế hoạch trước 3 năm để các trường có thể chuẩn bị chu đáo. Đằng này, Bộ lúc nào cũng gấp rút, cũng vội vàng. Hệ quả là nhiều quyết định sau đó phải rút kinh nghiệm, phải sửa sai.

PV: Ngay trong thành phố vẫn có những trường THCS không tuyển đủ học sinh đã cho thấy, chất lượng đào tạo tại các cơ sở giáo dục của chúng ta hiện nay còn chưa đồng đều! Theo ông, về lâu dài, ngành Giáo dục cần có những giải pháp gì để hạn chế tình trạng “nước chảy chỗ trũng”, đồng thời giảm tải áp lực thi tuyển cho các trường chất lượng cao hiện nay?

PGS Văn Như Cương: Thực tế đó cho thấy người dân chúng ta chú trọng vào chất lượng đào tạo rất nhiều, trong khi đó chất lượng giữa các cơ sở đào tạo của chúng ta hiện còn chưa đồng đều, nếu không muốn nói là còn chênh lệch lớn, đặc biệt là giữa thành thị và nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Thậm chí, ngay trong một thành phố, sự chênh lệch giữa các trường ngoại thành và nội thành cũng rất rõ nét.

Điều này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó có việc khâu đào tạo chất lượng sư phạm giữa các trường đại học hiện nay chưa đồng đều, thống nhất. Thế mới có chuyện, nhiều trường ở Hà Nội hiện chỉ tuyển giáo viên tốt nghiệp trường ĐH sư phạm 1 mà không lấy giáo viên tốt nghiệp các trường sư phạm khác như Vĩnh Phúc, Thái Nguyên...

Khâu tuyển dụng giáo viên cũng không có sự thống nhất, công bằng giữa các trường, ở nhiều nơi vẫn còn hiện tượng chạy chọt, quan hệ trong tuyển dụng mà chúng ta vẫn thường gọi là tiêu cực trong giáo dục. Do vậy, để chất lượng giáo dục giữa các trường có thể đồng đều, cần chuẩn hóa từ khâu đào tạo giáo viên cho đến khâu tuyển dụng. Đồng thời ngành Giáo dục cũng phải có chính sách luân chuyển linh hoạt giáo viên nhằm bổ sung giáo viên giỏi cho các trường còn yếu.

PV: Vậy, ông có lời khuyên nào đối với các phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 6?

PGS Văn Như Cương: Học sinh có học lực bình thường nên học đúng tuyến. Học sinh có học lực khá trở lên cần thiết mới thi vào các trường chất lượng cao. Phụ huynh tuyệt đối không nên ép buộc con cái. Đồng thời, thay vì nhồi nhét, ép buộc con phải học thêm các môn văn hóa, hãy trang bị cho con những kiến thức phổ biến nhất bởi việc học trong đời sống mới là điều quan trọng và giúp trẻ phát triển toàn diện, hài hòa.

Xin cảm ơn PGS về cuộc trò chuyện này!

Huyền Thanh (thực hiện)
.
.
.