Nghị lực vươn lên của cậu học trò làng An Lợi

Thứ Năm, 03/09/2020, 07:09
Từ làng quê An Lợi, xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong (Quảng Trị), trong suốt 3 năm ngược lên TP Đông Hà trên chiếc xe đạp điện để theo học THPT, cậu học trò Lê Văn San đã xuất sắc ghi tên mình vào danh sách những học sinh đạt 2 điểm 10 môn Toán và Hóa trong kì thi tốt nghiệp THPT năm 2020…  


Ngôi nhà nhỏ của San bên cánh đồng lúa cuối làng An Lợi. Nhận được kết quả thi, em rất vui nhưng vẫn không quên phụ giúp mẹ ra đồng chở lúa, phơi lúa. San bảo: “Em tranh thủ giúp ba mẹ thêm ít bữa kẻo vào năm học mới, em đi học xa rồi không san sẻ được công việc nhà cùng ba mẹ”. 

Hỏi ra mới biết, mẹ San là giáo viên tiểu học, còn ba Sam làm công nhân xí nghiệp thủy nông. Em theo học tiểu học và THCS ở làng. Năm hết lớp 9, San quyết định xin ba mẹ thi vào trường THPT Đông Hà, cách nhà gần 10 cây số. Hiểu được ước mơ của con, ba mẹ San dù lo lắng nhưng cũng thuận ý và động viên con nỗ lực.

Cậu học trò Lê Van San.

Ngày thi đỗ vào cấp 3, ba mẹ San quyết định mua cho em một chiếc xe đạp điện để đến trường. “Có ngày cả học thêm và học chính khóa, em đi về hết 3, 4 vòng xe. Kể ra cũng mệt nhưng chị gái em đã theo học đại học ở Huế, nhà chỉ còn mỗi mình em, nếu em cũng ở lại thì ba mẹ buồn và lại không có ai phụ giúp việc nhà”, San giải thích lý do không ở trọ lại Đông Hà như nhiều bạn bè khác.

Nói về phương pháp học tập, San cho rằng, ngoài học ở trường và hỗ trợ của thầy cô, bạn bè thì sự tự giác đóng vai trò quyết định. Trong 2 năm đầu cấp 3, San đều đặn đi học thêm các môn để nắm vững kiến thức. Đến năm lớp 12, vì dịch COVID-19, San không tham gia học thêm mà thay vào đó, em tự tìm kiếm các khóa học online, tự tìm tòi các nguồn tài liệu thông qua mạng Internet để học và rèn luyện. San tập trung thời gian nhiều hơn cho các môn khối B00 để quyết tâm thi vào đại học.

San nói: “Mỗi môn học cần có một phương pháp khác nhau để nắm kiến thức. Ví như môn Toán đòi hỏi tư duy cao, vì vậy em thường nắm kỹ kiến thức cơ bản, làm nhiều bài tập. Từ đó phát triển tư duy để làm các bài tập nâng cao. Với Hóa thì phải nắm và hiểu được bản chất của các phản ứng, từ đó vận dụng giải các bài tập liên quan đến bản chất và phản ứng hóa học. Còn với môn Sinh thì có nhiều lý thuyết nhưng không nên học thuộc lòng mà cần phải nắm được bản chất để ghi nhớ lâu mới có thể áp dụng giải các bài tập”.

Quá trình học, San lập ra cho mình thời khóa biểu phù hợp từng thời gian. Vào giai đoạn tăng tốc để chuẩn bị bước vào kì thi thì em dành mỗi ngày ít nhất 3 tiếng tự học cho mỗi môn khối B00. 

“Em luôn đặt mục tiêu cho mỗi môn học để hướng đến nghề nghiệp của tương lai. Hôm nhận kết quả điểm thi tốt nghiệp, em rất bất ngờ và vui, cả đêm không ngủ. Thực ra trước đó khi thi em chỉ cố gắng hết sức mình, với câu hỏi phân hóa thì em tự nghĩ ra cách giải chứ không chắc chắn lắm vì đó là những câu hỏi em ít gặp trong quá trình học”, San nói.

Với thành tích 2 điểm 10 môn Toán, Hóa và Sinh đạt 9,75 điểm, San tự tin chọn nguyện vọng vào khoa Răng Hàm Mặt – Trường Đại học Y Hà Nội. Đây là ngành học được San yêu thích từ năm lớp 10 và nhận thấy mình có khả năng nên đã đầu tư để hướng đến mục tiêu này. 

Điều đáng khâm phục là dù cuộc sống có phần vất vả hơn so với nhiều bạn bè khác nhưng San vẫn luôn cố gắng và đạt thành tích học sinh giỏi suốt 12 năm liền. San có mặt trong đội tuyển thi học sinh giỏi của trường và đạt giải Ba môn Hóa cấp tỉnh. Ngoài ra, San còn đam mê thể thao và đạt 1 HCV Võ thuật cổ truyền do tỉnh Quảng Trị tổ chức và 1 HCV hội thao Quốc phòng tỉnh.                    

Thống kê của Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị, kì thi tốt nghiệp THPT năm 2020, toàn tỉnh có 31 thí sinh đạt điểm 10 ở các môn, trong đó Lê Văn San là thí sinh duy nhất đạt 2 điểm 10. Có 2 môn Văn và Lý không có điểm 10. Tỷ lệ tốt nghiệp toàn tỉnh đạt 97,45%.
Thanh Bình
.
.
.