Xét tuyển đại học, cao đẳng: Thành công hay thất bại?

Chủ Nhật, 16/08/2015, 08:35
Từ 2 kỳ thi như mọi năm, năm nay Bộ GD&ĐT đã rút gọn chỉ còn 1 kỳ thi để giảm tốn kém, căng thẳng cho học sinh. Tuy nhiên, chủ trương này đã bộc lộ nhiều bất cập, đặc biệt là trong khâu xét tuyển vào các trường ĐH và CĐ.

Thực tế này khiến dư luận xã hội đang có những đánh giá khác nhau, thậm chí là trái ngược nhau về mức độ “thành công” và “thất bại” của kỳ thi “2 trong 1” đầu tiên này.

PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam về vấn đề này.

PV: Trong những ngày vừa qua, dư luận xã hội đang xuất hiện 2 luồng ý kiến trái ngược nhau. Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng, kỳ thi THPT quốc gia năm nay cơ bản là thành công. Song cũng có ý kiến khẳng định, kỳ thi năm nay đã hoàn toàn “thất bại”. Là người có nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?

PGS Trần Xuân Nhĩ: Tôi nghĩ không nên gọi là thất bại. Vì như thế quá nặng nề và phủ nhận sạch trơn những gì mà Bộ GD&ĐT đã làm được trong kỳ thi “2 chung” đầu tiên. Trong đó, cái được lớn nhất là Bộ GD&ĐT đã gói gọn được hai thành một kỳ thi, điều mà từ trước đến nay, rất nhiều người mong muốn. Đề thi nghiêm túc, đổi mới, phát huy được khả năng sáng tạo của học sinh, học sinh thi tại địa phương, có kết quả là được nộp đơn vào các trường tự chủ tuyển sinh. Đó là những cái được khá căn bản, chúng ta đừng nên phủ nhận.

Tuy nhiên do là năm đầu tiên được tổ chức nên ngay cả Bộ GD&ĐT cũng không thể lường hết được những khó khăn, phức tạp nảy sinh trong quá trình thực hiện, đặc biệt là trong khâu xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Chính vì thế, nói kỳ thi đã thành công hoàn toàn cũng là không chính xác.

Điều quan trọng là Bộ GD&ĐT phải thẳng thắn nhìn nhận, lắng nghe dư luận xã hội để rút kinh nghiệm, sửa đổi, bổ sung kịp thời để năm sau kỳ thi sẽ được tổ chức thuận lợi hơn. Tôi cũng mong rằng, chúng ta cũng đừng vì thấy những khó khăn trong trước mắt mà cho rằng kỳ thi thất bại rồi “tẩy chay” nó là không đúng.

PV: Theo phản ánh của nhiều phụ huynh, với quy trình xét tuyển phức tạp và rối rắm như hiện nay, mục tiêu tiết kiệm mà Bộ GD&ĐT đưa ra chỉ là tiết kiệm cho ngân sách nhà nước khi gộp 2 kỳ thi làm một, chứ trên thực tế không hề tiết kiệm cho chính thí sinh và gia đình khi thời gian chạy đi nộp rồi rút hồ sơ là rất dích dắc. Nguyên nhân dẫn đến những rắc rối này bắt đầu từ đâu, thưa ông?

PGS Trần Xuân Nhĩ: Như tôi đã nói, việc kết hợp 2 kỳ thi làm một là chủ trương đúng. Nhưng cái không đúng của Bộ GD&ĐT là quá ôm đồm trong quá trình thực hiện nên dẫn đến lúng túng, bị động. Lẽ ra trách nhiệm chính của Bộ là ra đề thi, phối hợp với các Sở GD&ĐT và một số trường ĐH tổ chức tốt kỳ thi THPT quốc gia; xây dựng kho dữ liệu điểm thi quốc gia để các trường làm căn cứ xét tuyển. Nhưng vì quá ôm đồm nên Bộ đã “ôm” luôn một số việc lẽ ra thuộc về các Sở GD&ĐT và các trường ĐH.

Đơn cử như việc công bố điểm thi, thay vì giao cho các Sở GD&ĐT, các địa phương hoặc các trường in và gửi phiếu báo điểm cho học sinh thì Bộ đã “độc quyền” công bố điểm thi dẫn đến tình trạng nghẽn mạng và sau đó đã phải sửa sai bằng cách cho phép các cụm thi địa phương được đồng loạt công bố điểm thi. Còn trong giai đoạn xét tuyển ĐH, CĐ, vai trò chính của Bộ GD&ĐT là giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường và đưa ra mức điểm sàn để các trường làm căn cứ xét tuyển. Còn lại, quá trình tuyển sinh như thế nào thì nên giao quyền tự chủ cho các trường bởi mỗi trường có một tiêu chí, đặc thù riêng.

PGS Trần Xuân Nhĩ, Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT.

Tuy nhiên, Bộ đã tham gia quá sâu và vô tình “tước” mất quyền tự chủ của các trường. Thậm chí là chủ quan, quá tin vào CNTT khi yêu cầu các trường phải sử dụng phần mềm xét tuyển lọc ảo của mình. Trong khi đó, phần mềm này hiện nay chưa chạy, chỉ chạy khi thí sinh hoàn tất nộp hồ sơ nên ảo rất lớn. Hệ quả là Bộ đã không lường hết số lượng ảo khi nộp hồ sơ xét tuyển, không lường trước hết sự rắc rối khi cho phép thí sinh đăng ký tới 4 nguyện vọng...

Theo tôi, Bộ GD&ĐT cùng các Sở GD&ĐT chỉ cần làm tốt một kỳ thi quốc gia. Còn các trường dựa trên kết quả đó để tự chủ tuyển sinh theo đúng đặc thù của mình thì sẽ tốt hơn và sẽ tránh được những rắc rối trong xét tuyển như hiện nay.

PV: Rút kinh nghiệm từ kỳ thi năm nay, kỳ thi THPT quốc gia 2016 cần được tổ chức như thế nào để giảm áp lực cho cả thí sinh, gia đình và xã hội, thưa ông?

PGS Trần Xuân Nhĩ: Tôi cho rằng Bộ nên mạnh dạn thay đổi mục tiêu “ba chung” như hiện nay là chung đợt thi, chung đề thi, chung đợt xét tuyển thành “hai chung”. Tức là chỉ tổ chức kỳ thi THPT quốc gia chung đề thi và chung đợt thi, còn công tác xét tuyển ĐH, CĐ thì nên giao cho các trường ĐH, để các trường tự chủ dựa trên kết quả của kỳ thi “hai chung”. Trong đó, ở từng khâu, trách nhiệm của Bộ, của các Sở GD&ĐT địa phương cần được phân định rõ, tránh tình trạng Bộ ôm quá nhiều việc, dễ dẫn đến lúng túng, bị động như hiện nay.

Để đảm bảo kỳ thi diễn ra thuận lợi, khi chưa có ngân hàng đề thi cho các cơ sở lựa chọn thì Bộ ra một đề thi chung. Nhiệm vụ của Bộ là phải làm tốt đề thi, đáp án chấm thi để phân hóa được cả học sinh tốt nghiệp và xét tuyển ĐH. Hơn nữa, thay vì tổ chức vào tháng 7, Bộ nên tổ chức kỳ thi vào tháng 6 để tránh nắng nóng và không lãng phí thời gian của học sinh.

Còn việc tuyển sinh ĐH, CĐ thì nên giao quyền tự chủ cho các trường. Trường nào thấy có thể căn cứ vào kết quả thi THPT quốc gia, họ có thể lựa chọn lấy kết quả đó hoặc tổ chức thi. Việc ấy do trường quyết định. Nơi nào họ cần tiến hành thi, họ sẽ kiểm tra dựa trên đặc thù ngành nghề của họ. Nếu làm được như thế sẽ phát huy tốt được lợi thế của kỳ thi THPT quốc gia và tránh được những rắc rối trong xét tuyển ĐH, CĐ như hiện nay.

Ông Trần Trung Hiếu (Nghệ An), phụ huynh có con thi khối C:

Là một người công tác lâu năm trong ngành giáo dục cũng là một phụ huynh có con thi ĐH, bản thân tôi đánh giá cao những đổi mới của kỳ thi THPT quốc gia năm nay, đặc biệt là cách ra đề thi mở, phát huy khả năng tư duy và sáng tạo của học sinh và cách tổ chức thi tương đối chặt chẽ, nghiêm túc. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đổi mới tích cực đó, do Bộ GD&ĐT chưa lường hết được những khó khăn trong quá trình triển khai, đặc biệt là việc xét tuyển ĐH, CĐ nên đã xảy ra nhiều bất cập, bị động khiến phụ huynh bức xúc.

Với cách xét tuyển như năm nay, ngay cả các thí sinh có điểm số cao cũng cảm thấy bất an vì không biết mình có nằm trong khu vực an toàn khi danh sách thay đổi chóng mặt từng giờ, từng phút. Sự thay đổi liên tục này khiến cho tâm lý của thí sinh bị ảnh hưởng nghiêm trọng do chưa chuẩn bị kịp.

Diễn biến những ngày qua cho thấy, có những thí sinh “trượt” phải rút hồ sơ khi điểm không hề thấp và sẽ có những em “đỗ” khi mà điểm chưa hẳn đã hơn các em “trượt” bởi trong cuộc đua này, dường như việc nắm bắt thông tin và kỹ thuật còn quan trọng hơn điểm số. Và trong “cuộc chiến” thông tin này, vất vả, mệt mỏi, tốn kém, thậm chí là thiệt thòi phần lớn dồn về các thí sinh và phụ huynh ở vùng sâu, vùng xa, những nơi không thuận lợi trong việc tiếp cận internet và đi lại quá bất tiện, xa xôi với hàng trăm km...

Huyền Thanh (thực hiện)
.
.
.