Nên thí điểm cả việc hiệu trưởng cũng chuyển sang chế độ hợp đồng
- Sẽ rà soát 1,4 triệu giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, phục vụ đổi mới
- Sẽ có sách giáo khoa mới để tập huấn cho giáo viên trong tháng 4-2018
Thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) sẽ thí điểm bỏ công chức, viên chức và thay bằng chế độ hợp đồng với giáo viên đang làm “nóng” dư luận với nhiều ý kiến trái chiều. PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý-giáo dục Hà Nội về vấn đề này.
PV: Vừa qua, Bộ GD&ĐT thông tin, sẽ thí điểm bỏ công chức, viên chức và thay bằng chế độ hợp đồng với giáo viên. Quan điểm của ông về vấn đề này?
TS. Nguyễn Tùng Lâm: Mục đích của ngành giáo dục khi đưa ra ý tưởng thí điểm thay công chức, viên chức bằng chế độ hợp đồng là nhằm cải tiến và nâng cao chất lượng đội ngũ, trên cơ sở đãi ngộ để chọn được người tài.
Theo quan điểm của tôi, không chỉ Bộ GD&ĐT mà cả những bộ, ngành khác cũng nên tiến tới bỏ công chức, viên chức, thay vào đó là chế độ hợp đồng để chọn lọc cán bộ có chất lượng. Bởi lẽ, chỉ có cạnh tranh mới nâng cao được chất lượng và thiết lập được chế độ đãi ngộ tương xứng.
TS Nguyễn Tùng Lâm. |
Bên cạnh đó, theo xu hướng, về lâu dài, nhà nước không thể đứng ra quản lý tất cả các cơ quan đơn vị mà chỉ thiết lập luật chơi và cách chơi nên chuyển biên chế sang hợp đồng sẽ là việc mà sớm hay muộn tất cả các ngành đều phải làm.
Việc chuyển sang chế độ hợp đồng sẽ tạo ra sức ép nhất định để các giáo viên có động lực hơn, thay vì chỉ cố vào được biên chế rồi thả lỏng. Về lý thuyết là như vậy, song trên thực tế để làm được điều này hoàn toàn không dễ.
Để thực hiện, cần có đề án cụ thể với hàng loạt điều kiện đảm bảo đi kèm. Không nên đưa ra những ý tưởng chung chung, vừa khó khả thi, vừa khiến giáo viên thêm bất an, lo lắng khi bị đưa ra làm thí nghiệm.
PV: Thưa ông, nhiều giáo viên bày tỏ lo ngại về việc nếu chuyển từ biên chế sang hợp đồng và giao toàn quyền cho hiệu trưởng thì chắc chắn sẽ dẫn tới chuyện lạm quyền. Và điều này sẽ gây ra những hệ lụy tiêu cực, thậm chí là tác dụng ngược?
TS. Nguyễn Tùng Lâm: Như tôi đã nói, để thực hiện chủ trương này, cần một loạt điều kiện đảm bảo đi kèm. Trong đó, vấn đề đầu tiên là phải giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính, về tuyển dụng nhân sự cho các trường. Nghĩa là không chỉ giáo viên mà ngay cả các hiệu trưởng cũng phải chuyển đổi sang chế độ hợp đồng.
Nói cách khác, trước khi chọn giáo viên, sẽ phải chọn hiệu trưởng trước với các quy định cụ thể về quyền của hiệu trưởng, quyền của giáo viên một cách rõ ràng, sòng phẳng. Khi ông hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về số phận của trường mình thì mới khách quan, công tâm thực sự trong tuyển dụng, bởi nếu trường không phát triển thì hiệu trưởng cũng sẽ bị mất hợp đồng vì không hoàn thành nhiệm vụ được giao.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ GD&ĐT chỉ nên thí điểm chuyển chế độ hợp đồng với những giáo viên trẻ, giáo viên mới ra trường, còn những giáo viên có thâm niên thì không nên. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
TS. Nguyễn Tùng Lâm: Tôi cho rằng, khi đã có đủ hành lang pháp lý để thực hiện thì nên thí điểm trước đối với số giáo viên mới ra trường, chưa có hợp đồng hay biên chế. Còn đối với số giáo viên cũ, do hiện nay chất lượng còn chưa đồng đều, cũng cần nghiên cứu lộ trình áp dụng phù hợp, làm sao tạo điều kiện để các thầy cô giáo có thời gian để tự hoàn thiện dần và yên tâm cống hiến. Đối với các giáo viên vừa có trình độ, kinh nghiệm vừa có thâm niên công tác thì không lo. Nhưng với những giáo viên chưa đạt chuẩn, cũng cần tiến hành đào tạo lại cho đạt chuẩn tối thiểu để tránh gây hoang mang trong đội ngũ. Nếu làm được như thế, tôi nghĩ rằng, giáo viên sẽ không ngần ngại và ủng hộ.
PV: Nếu thí điểm bỏ công chức, viên chức trong giáo viên tại một số cơ sở đào tạo, để chuyển sang chế độ hợp đồng theo quy định của Bộ luật Lao động thì cần phải sửa cả Luật Cán bộ công chức và sửa các quy định của Luật Viên chức hiện hành, rồi cả Luật Giáo dục. Điều này liệu có khả thi không, thưa ông?
TS Nguyễn Tùng Lâm: Theo Luật Viên chức hiện hành thì giáo viên tại các trường công lập là viên chức, còn những người giữ cương vị lãnh đạo có chức vụ, chức danh sẽ là công chức. Giáo viên trong các đơn vị sự nghiệp công là viên chức do Quốc hội quyết định trên cơ sở ban hành, sửa đổi, bổ sung Luật viên chức.
Nếu Bộ GD& ĐT thí điểm bỏ công chức, viên chức trong giáo viên, đổ chuyển bằng chế độ hợp đồng theo quy định của Bộ luật Lao động thì cần phải sửa cả Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức hiện hành, rồi cả Luật Giáo dục mà thẩm quyền sửa luật là do Quốc hội quyết định. Do đó, nếu Bộ GD&ĐT muốn thực hiện ý tưởng này trên thực tế thì việc đầu tiên là phải đề nghị Quốc hội sửa Luật hiện hành.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!