Môn Lịch sử sẽ thay đổi như thế nào trong chương trình giáo dục phổ thông mới?
- Giáo viên phổ thông nói gì về phương án thi trắc nghiệm môn Lịch sử?
- Thí sinh TP Hồ Chí Minh hài lòng với đề thi môn Lịch sử
- Tìm được tiếng nói chung trong việc dạy và học môn Lịch sử
- Vì sao học sinh “quay lưng” với môn Lịch sử?5
Một trong những điểm đáng chú ý của dự thảo chương trình môn Lịch sử mới là thay vì tập trung dạy kiến thức lịch sử sẽ tiếp cận theo hướng xây dựng, hình thành các năng lực đặc thù cho học sinh. Đó là năng lực nhận diện, hiểu và sử dụng sử liệu; năng lực tái hiện quá khứ; năng lực phân tích, giải thích và đánh giá lịch sử và cuối cùng là năng lực vận dụng những bài học lịch sử.
Cụ thể, ở cấp tiểu học, chương trình chưa tập trung vào trang bị tri thức lịch sử mà mục tiêu cao nhất là giúp học sinh có được tình yêu với môn học và hình thành, phát triển ký ức lịch sử.
Tương tự, ở cấp trung học cơ sở, toàn bộ chương trình dành để trang bị nền tảng tri thức thông sử, tức là giúp học sinh có được tri thức cơ bản, cốt lõi, hệ thống nhất. Trên cơ sở đó, hình thành và phát triển những năng lực và phẩm chất cơ bản, cốt lõi. Đây là khác biệt lớn so với chương trình hiện hành.
Học sinh Trường THCS Nguyễn Siêu (Hà Nội) học Lịch sử tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám Hà Nội. |
Ở cấp trung học phổ thông, chương trình không bố trí dạy từ đầu đến cuối nữa mà được xây dựng thành chủ đề và một số chuyên đề, giúp học sinh có kiến thức mở rộng và sâu sắc hơn. Mục đích để sau khi học xong phổ thông, dù không đi theo ngành khoa học xã hội hoặc khoa học lịch sử mà theo các ngành khác, nhưng nếu cần, các em có được năng lực tìm hiểu lịch sử suốt đời.
Do cách tiếp cận môn học có sự khác biệt như vậy nên ở bậc tiểu học và trung học cơ sở, môn Lịch sử được tích hợp với Địa lý. Trong đó, ở bậc tiểu học, môn Lịch sử và Địa lý được tổ chức dạy và học từ lớp 4. Sự tích hợp sẽ theo logic kết nối hai loại hình không gian, của Địa lý là địa phương, đất nước em và thế giới; của Lịch sử là không gian gia đình - cộng đồng - dân tộc - thế giới.
Ở cấp trung học cơ sở, môn Lịch sử và Địa lý là môn học bắt buộc, được tổ chức dạy và học ở cả bốn lớp (6, 7, 8 và 9) với thời lượng 105 tiết/năm học. Cấu trúc chương trình môn học được xây dựng theo logic là nội dung giáo dục Lịch sử được thiết kế theo tuyến tính thời gian từ thời nguyên thủy đến cổ trung đại, cận hiện đại, trong từng thời kỳ có sự đan xen lịch sử thế giới, khu vực và Việt Nam.
Trong nội dung giáo dục Địa lý, mạch nội dung đi từ địa lý đại cương đến địa lý khu vực và địa lý Việt Nam. Ngoài ra, có một số chủ đề tích hợp liên môn Lịch sử và Địa lý như Biển Đông gồm các kiến thức tổng hợp về nhiều vấn đề, như địa lý biển, kinh tế biển, lãnh hải, việc xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và các cuộc chiến tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Ở cấp trung học phổ thông, Lịch sử là môn học độc lập, không còn tích hợp với Địa lý nhưng không còn là môn học bắt buộc mà được lựa chọn trong nhóm môn Khoa học xã hội nhằm phù hợp với việc phân hóa, hướng nghiệp cho học sinh.
Thay vì thiết kế môn học theo nội dung, ở cấp trung học phổ thông, học sinh sẽ được học theo các chuyên đề. Đơn cử như trong phần lịch sử Việt Nam, học sinh được học theo các chuyên đề như lịch sử văn minh Việt Nam; các cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc; Các cuộc cải cách lớn trong lịch sử Việt Nam; Hành trình đổi mới của Việt Nam; Ngoại giao Việt Nam-truyền thống và hiện đại; Làng xã Việt Nam-truyền thống và hiện đại; các dân tộc Việt Nam...
Trong đó, những chủ đề trước đây vốn được xem là nhạy cảm như Hoàng Sa-Trường Sa, chiến tranh biên giới phía Bắc và cải cách ruộng đất cũng đều sẽ được đề cập đến trong chương trình.