"Loạn" sách tham khảo, lo kiến thức "chuẩn"

Thứ Sáu, 28/09/2018, 07:16
Sau lễ khai giảng năm học mới, lần lượt các trường phổ thông tổ chức họp phụ huynh và thông báo mới. Tuy nhiên, bước ra khỏi phòng họp, nhiều người không khỏi lo lắng thêm khoản tiền lãng phí không cần thiết về chuyện sách bổ sung, sách bổ trợ. Lo nhất là con mình "bội thực" vì phải nộp một lúc quá nhiều nội dung trong các loại sách này mà không biết kiến thức có chuẩn hay không.



Qua tìm hiểu chúng tôi được các phụ huynh học sinh (PHHS) cho biết, ngoài bộ sách giáo khoa (SGK) cơ bản do Bộ GD-ĐT ấn hành, tuỳ theo từng trường, từng cấp học mà PHHS lại được gợi ý mua thêm bên ngoài hoặc mua ngay tại trường nhiều đầu sách bổ trợ khác nhau. Sách cho 2 môn chính: Toán, Tiếng Việt; sách tham khảo của các môn phụ... 

Trường theo mô hình tiên tiến lại có thêm sách "nội bộ" do Hội đồng Sư phạm của trường biên soạn. Đặc biệt, nhiều nơi còn có sách dành riêng cho học sinh tại địa phương như vấn đề PHHS tại Quảng Nam bức xúc được đưa trên mạng tuần qua. 

Tại TP Hồ Chí Minh, một số phụ huynh tại trường tiểu học khu vực Thủ Đức ngạc nhiên khi có trường thông báo mua thêm nhiều sách hướng dẫn, bổ trợ bên cạnh SGK chính thống như Học mỹ thuật theo định hướng phát triển năng lực, sách Luyện tập Tin học. Cả 2 sách đều do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành, giá đắt hơn nhiều lần so với SGK.

Anh Bách, ngụ tại Tân Bình, TP Hồ Chí Minh, có con học lớp 1 cũng cho biết nhà trường thông báo phụ huynh phải mua trọn bộ SGK theo yêu cầu của trường khoảng gần 200.000 đồng, trong đó có thêm quyển Luyện tập Tin học.

Phụ huynh học sinh khó lựa chọn sách nào phù hợp cho con khi đứng trước cả "rừng" sách tham khảo.

Chị Minh Tâm, phụ huynh có con học lớp 3 thì cho biết, kể từ khi con mình học lớp 1 mình đã được nhà trường hướng dẫn danh mục những đầu sách cần mua. Các con phải học nhiều loại sách khác nhau, chị cũng không thể nhớ nổi hết tên đầu sách. 

Chị này nói: "Tôi tạm thống kê, ngay từ khi con học lớp 1, ngoài bộ SGK cơ bản còn phải mua thêm sách bổ trợ. Tiếng Việt và Toán bổ trợ (bắt buộc) là 2 cuốn đã làm chồng sách của con xếp cao trên bàn, đếm tới 24 cuốn. Trong đó, có nhiều sách bổ trợ như: vở luyện chữ đẹp quyển 1, luyện đọc hỗ trợ học vần, Thực hành Mỹ thuật (theo định hướng phát triển năng lực). Riêng 2 môn chính, nhà trường yêu cầu mua thêm là Toán và Tiếng Việt do nhà trường cung cấp. Khi lên lớp các con học 1 sách chính và 1 sách bài tập, nhưng nhiều khi tôi lo lắng nên ra ngoài nhà sách mua thêm 2 cuốn bài tập (Tiếng Việt và Toán)… Có cuốn biên soạn với nhiều đề toán mình còn không hiểu thì làm sao con hiểu?".

Ngoài ra, môn Tiếng Việt, sách tham khảo cũng có rất nhiều, như cuốn "Tập làm văn 3-4-5" được thầy cô hướng dẫn mua cho con học thêm được vốn từ, hiểu cách phân tích câu, ngữ pháp để nâng cao trong học môn Văn... nhưng lo ngại khi học sách này con mình chìm vào việc nghiền ngẫm làm bài văn mẫu trong sách.

Chị Thuỷ có con đang theo học lớp 2 mô hình tiên tiến tại 1 trường tiểu học thuộc quận Gò Vấp lại tỏ ý lo ngại trong vấn đề giảng dạy trên sách bổ trợ ở trường được hướng dẫn mua thêm là 2 cuốn bài tập Tiếng Việt và Toán. Đây là sách "nội bộ" của trường. Do Hội đồng Sư phạm nhà trường biên soạn. Hình thức là sách photocopy. Từ lớp 1 tới lớp 5 đều theo "mô típ" này. Sách bổ trợ mua của nhà trường khoảng 15.000/cuốn. Hai cuốn này thì PHHS đóng tiền nhưng sách để ở trường do cô giáo hướng dẫn làm bài luôn trên lớp.

Đề cập tới cách học trên cuốn sách nội bộ này, PHHS trên nói: Dù nhà trường giải thích, bộ sách ra với mục tiêu, giúp nắm bắt được 100% kiến thức theo bộ sách của Bộ GD-ĐT, nhưng thay vì phương pháp giảng dạy truyền thống là học sinh làm bài tập (tiếng Việt hay Toán) thường phải viết lại nội dung yêu cầu bài làm vào vở, sau đó viết phần trả lời bên dưới. Cách làm bài truyền thống đó đã hoàn toàn biến mất khi học trên các cuốn sách bài tập hiện nay. 

Trong đó, với mô hình có vẻ "công nghiệp" hoá, do giáo viên đã soạn luôn câu chữ cho các em. Các em chỉ nhìn và điền vào. Nhanh, không mất thời gian ghi lại nhưng rất lo là sẽ khiến các con trở nên thụ động, viết chậm, lười tư duy. Lâu dần mất thói quen luyện chữ viết, khó có tính kiên nhẫn. 

"Chúng tôi tin tưởng kiến thức con được học tại trường nhưng kỳ vọng của chúng tôi khi đưa con vào học ở trường tiên tiến ngoài kiến thức chuyên môn, các con còn phải học giỏi tiếng Anh, Công nghệ thông tin, còn phải được tiếp thu kiến thức chuẩn và học được nhiều về kỹ năng sống để ra đời"-phụ huynh này nhấn mạnh.

Nhiều người có con học tại THCS Hồng Bàng, quận 5 thì lo ngại, khi lựa sách tham khảo điều làm họ băn khoăn là ở nội dung. Nhiều đầu sách mới ra nhưng nội dung không mới. Muốn tìm được sách hay cho con phải mất khá nhiều thời gian. 

Nếu như trước đây, khi các loại sách tham khảo mới xuất hiện thường để cho học sinh luyện đề Văn, Toán... do biên soạn là những nhà giáo có uy tín, kinh nghiệm nhằm nâng cao kiến thức so với việc học ở trên lớp, thì hiện nay không khó để nhận thấy sự giống nhau trong nhiều bộ sách tham khảo đang bán nhan nhản ở các nhà sách mà phần bìa nổi bật với màu sắc, nội dung quảng cáo như: "sách được biên soạn bám sát chương trình SGK mới nhất của Bộ GD-ĐT". "Tự tin chinh phục điểm 9-10 với đầy đủ các dạng đề"; "100 bài văn hay"; Những bài làm văn chọn lọc, những bài làm văn mẫu... nhưng nội dung bên trong có thực là mới hay không, chuẩn hay không thì hầu như đang bị bỏ ngỏ.

Huyền Nga
.
.
.