Có hay không "lợi ích nhóm" giữa biên soạn và phát hành sách giáo khoa?

Thứ Tư, 19/09/2018, 16:04

“Đề nghị Bộ trưởng quan tâm tổ chức thanh tra ngay vấn đề này. Liệu có biểu hiện “lợi ích nhóm” giữa biên soạn và phát hành sách hay không? Trước đây SGK không phải như vậy nhưng sau đó người ta cứ đưa vào các bài tập, hình vẽ”, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nói.


Ngày 19-9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận, cho ý kiến về báo cáo tổng hợp của Chính phủ, báo cáo của Chánh án TAND tối cao, VKSND tối cao và cá nhân có liên quan về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn tại kỳ họp, kết luận của UBTVQH về chất vấn tại phiên họp.

Tội phạm được kiềm chế, đạt yêu cầu Nghị quyết của Quốc hội

Theo Báo cáo tổng hợp việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV, Chính phủ đã chủ động tập trung chỉ đạo quyết liệt, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng điều tra, xử lý tội phạm để hạn chế mức thấp nhất việc trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, nhất là đối với các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành phiên thảo luận

Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của Quốc hội về tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai và bảo đảm bồi thường cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự. Tham gia các đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng kiểm tra, giám sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng tại một số địa phương.

Do triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, công tác điều tra, xử lý tội phạm có những chuyển biến tích cực, rõ nét. Chất lượng điều tra khám phá tội phạm được nâng lên; tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ án hình sự đạt 82%, án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 92,27% (vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra).

Trình bày dự thảo Báo cáo Tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Tình hình tội phạm đã được kiềm chế, một số loại tội phạm đã giảm đã đạt yêu cầu của các Nghị quyết của Quốc hội. Chất lượng công tác điều tra, khám phá tội phạm cũng đã nâng lên. Các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng cơ bản thực hiện đúng quy định của pháp luật, hạn chế được việc trả hồ sơ điều tra bổ sung. 

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra một số tồn tại trong công tác điều tra xử lý tội phạm như: Tỷ lệ điều tra khám phá một số loại tội phạm chưa cao; tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm về kiến nghị khởi tố ở một số địa phương còn thấp. Số vụ án phải trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung tuy có giảm nhưng còn cao. Còn để xảy ra trường hợp bị can bị oan phải đình chỉ trong giai đoạn điều tra.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp luật Lê Thị Nga đánh giá cao thái độ nghiêm túc của Chính phủ và các cơ quan tư pháp trong việc trả lời các kiến nghị cử tri và chất vấn của Quốc hội. Bộ trưởng, trưởng ngành, Thủ tướng, Chính phủ rất cầu thị lắng nghe ý kiến của các ĐBQH. 

“Có những vấn đề tồn tại cả chục năm, có những lĩnh vực tồn tại mấy chục năm, không thể một ngày, hai ngày giải quyết được nên chúng tôi rất chia sẻ”, bà Nga nói.

Tuy nhiên Chủ nhiệm UBTP kiến nghị các cơ quan tư pháp có giải pháp mạnh mẽ để ngăn tội phạm ngay chính trong lực lượng chuyên trách đấu tranh phòng, chống tội phạm để củng cố niềm tin của người dân.

“Vừa rồi xuất hiện tình trạng tham nhũng ngay trong chính cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng. Như khởi tố, bắt giam nguyên Phó Chánh án TAND tỉnh Phú Yên về hành vi tham ô, và một số vụ án vừa qua trong lực lượng Công an” – bà Nga nói. Bà cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) rà soát lại quy trình tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia để ngăn chặn các tiêu cực phát sinh.

Tại sao mỗi năm xuất bản 100 triệu SGK rồi năm sau không dùng được?

Cầm một cuốn sách Toán lớp 1 để minh hoạ cho băn khoăn của mình về sách giáo khoa (SGK) và sự lãng phí trong in ấn SGK, Chủ nhiệm UBTP nói: Trước đây bài tập riêng, SGK riêng thì giờ Toán lớp 1 luyện tập chung với SGK. Các cháu làm bài tập, nối hình, kẻ thêm hình, ghi bài tập vào trong đó. Như thế đương nhiên là khoá sau không dùng được.

“Chúng tôi phản ảnh lại ý kiến của cử tri, chuyển đến Bộ trưởng GD-ĐT là lý do tại sao mỗi một năm xuất bản khoảng 100 triệu bản SGK, xã hội chi khoảng 1.000 tỷ đồng nhưng đến năm sau không dùng được nữa? Có những nghi ngại xung quanh việc độc quyền xuất bản của Nhà xuất bản Giáo dục” – Chủ nhiệm UBTP nêu.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải

Đồng quan điểm, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quan tâm tới vấn đề SGK vì mỗi cuốn sách chỉ 10-12 ngàn đồng nhưng ảnh hưởng đến muôn nhà.

“Đề nghị Bộ trưởng quan tâm tổ chức thanh tra ngay vấn đề này. Liệu có biểu hiện “lợi ích nhóm” giữa biên soạn và phát hành sách hay không? Trước đây SGK không phải như vậy nhưng sau đó người ta cứ đưa vào các bài tập, hình vẽ”, bà Hải bày tỏ lo ngại dù hết sức chia sẻ với Bộ trưởng.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng, trong điều kiện đất nước khó khăn thì đôi khi kinh tế quan trọng hơn, nhưng một vài kỳ gần đây Quốc hội đã đặt ra nhiều vấn đề về văn hóa, xã hội. Có phải chăng đất nước chúng ta đã bước qua ngưỡng cao hơn một chút, đời sống người dân đã khá hơn nên đã đến lúc nghĩ tới các hoạt động văn hóa.

Tuy nhiên ông cũng đề nghị Chính phủ cần có động thái lớn về văn hoá, không chỉ nhìn nhận vấn đề phát triển gắn với an ninh, quốc phòng mà phải gắn với nhiều vấn đề khác như môi trường và văn hóa. “Thế hệ trẻ của chúng ta đang ra sao, từ đạo đức, tôn trọng luật pháp, và đặc biệt là vấn đề mê tín đang tăng lên thì như thế nào đây?”, ông Bình nói.

Toàn cảnh phiên họp

Cũng đề cập đến lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, cử tri rất phấn khởi với chủ trương phát triển thể thao cũng như những thành tích của ngành thể thao trong thời gian vừa qua. Song nhiều cử tri cũng băn khoăn việc các cuộc thi sắc đẹp quá tràn lan thời gian vừa qua.

“Câu hỏi cử tri đặt ra là mục đích của các cuộc thi sắc đẹp hiện nay là gì và các cuộc thi này đã đạt được mục đích đặt ra hay chưa?”, bà Hải nêu.

Trưởng Ban Dân nguyện đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm có tổng kết việc tổ chức các cuộc thi sắc đẹp để phát huy mặt tích cực và hạn chế những tiêu cực, bởi hiện nay nhiều cô gái “chỉ sau một ngày trở nên nổi tiếng, dẫn đến nhiều vấn đề khác”…

Kết lại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đánh giá, nội dung các báo cáo mà UBVQH xem xét rất quan trọng, là cơ sở để Quốc hội thảo luận, chất vấn, đánh giá lại việc triển khai các yêu cầu của Quốc hội tại kỳ họp sắp tới.

“Đây không chỉ thể hiện trách nhiệm của Chính phủ, các ngành trước nhân dân, cử tri mà còn là cơ hội để cung cấp thông tin, giải trình, thảo luận, trên cơ sở đó có các giải pháp tích cực”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, TAND tối cao, VKSND tối cao, các bộ ngành nghiên cứu, tiếp thu, hoàn chỉnh các báo cáo. Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội khẩn trương hoàn thiện báo cáo thẩm tra gửi Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp, chuẩn trình ra Quốc hội trong kỳ họp sắp tới.


An Quỳnh
.
.
.