Lo ngại quá tải chỗ trọ, nghẽn mạng tại Cụm thi THPT quốc gia khu vực ĐBSCL
Qua kiểm tra thực tế, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga nhận định, vấn đề Bộ GD-ĐT còn lo nhất chính là các địa phương lần đầu tiên đảm nhận tổ chức cụm thi ĐH, nên sẽ gặp nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm về công tác hỗ trợ cho thí sinh như nhà trọ, hoặc trong việc phối hợp xử lý các tình huống bất thường xảy ra.
Ngoài ra, còn một lo ngại nữa là ở những địa phương khó khăn, hạ tầng công nghệ thông tin yếu, nếu xảy ra việc nghẽn mạng thì ảnh hưởng đến việc công bố kết quả điểm thi, không thuận lợi cho thí sinh đăng ký xét tuyển trực tuyến.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga thăm hỏi học sinh Trường THPT Chuyên Bến Tre đang ôn thi tại trường vào sáng 17-6. |
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, Bến Tre có 2 cụm thi. Cụm thi xét tốt nghiệp có 7 điểm thi với 103 phòng thi với số lượng thí sinh dự thi tại cụm thi là 2.377. Số lượng cán bộ coi thi được huy động của đơn vị chủ trì cụm thi là 124; số cán bộ, giảng viên của đơn vị phối hợp (Trường ĐH Mở TP Hồ Chí Minh là 129 người. Cụm thi dành cho thí sinh xét tuyển vào ĐH, CĐ (do Trường ĐH Luật TP TP Hồ Chí Minh chủ trì) có 7.416 thí sinh với 9 điểm thi, 208 phòng thi. Số lượng cán bộ coi thi là 624 cán bộ coi thi.
PGS-TS Trần Hoàng Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh cũng băn khoăn, do tình hình thời tiết hiện nay rất bất thường, dễ xảy ra tình trạng giông bão, mất điện. Thực tế có 9 điểm thi nhưng trong đó 5 điểm thi không có máy phát điện dự phòng. Ngoài ra, tình trạng đảm bảo ATVSTP cũng là điều cần quan tâm vì thành phố quá nhỏ, trong khi lưu lượng thí sinh, phụ huynh, cán bộ coi thi dồn về một lúc quá đông.
Ông Lê Văn Chín, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bến Tre cũng thừa nhận, việc giới thiệu chỗ trọ cho thí sinh chưa đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu. Cả thành phố Bến Tre chỉ có vài ngàn chỗ trọ nhưng thí sinh và phụ huynh đi thi lên đến khoảng 14 ngàn người thì đây là vấn đề đáng lo ngại.
Do đó, ông Nguyễn Hữu Phước, Phó chủ tịnh tỉnh Bến Tre đã đề xuất với phía đại diện của các ban ngành liên quan, như ngành y tế cần phải chuẩn bị trước các phương án cụ thể, chủ động. Nhất là cần đảm bảo tuyệt đối không để xảy ra tình trạng mất ATVSTP. Công ty Điện lực phải có đủ máy phát điện để dự phòng, và Sở GT-VT phải đảm bảo đủ các phương tiện để đảm bảo đưa thí sinh đến điểm thi an toàn.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng lưu ý, Ban chỉ đạo tỉnh cần quan tâm nhu cầu chỗ trọ cho thí sinh để đảm bảo sức khỏe đi thi tốt. Đặc biệt là vừa qua, vùng ĐBSCL chịu tác động nặng nề của hạn hán và xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Cần quan tâm, hỗ trợ thí sinh, không để bất kỳ thí sinh nào vì hoàn cảnh khó khăn phải bỏ thi. Trong đó, vai trò của Đoàn thanh niên tỉnh rất quan trọng, cần có ngay phương án hỗ trợ cho các thí sinh. Bên cạnh đó cần quan tâm tập huấn giám thị làm công tác thi; bảo mật đề thi; các phương án ứng phó với kẹt xe, thiên tai, lũ lụt; chuẩn bị tốt hạ tầng công nghệ đảm bảo hoạt động thông suốt…
Qua làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang chiều cùng ngày, tỉnh này cũng cho biết, tỉnh này chỉ tổ chức 1 loại cụm thi ĐH cho 11.695 thí sinh với 11 điểm thi. Về công tác hỗ trợ thí sinh, Trường ĐH Tiền Giang tiếp nhận hỗ trợ 15.000 suất cơm và nước suối miễn phí cho thí sinh. Tỉnh cũng đã huy động gần 800 chỗ ở miễn phí, gần 4.000 chỗ trọ giá rẻ và tại các ký túc xá giá từ 10.000 đồng – 20.000 đồng/người/ngày. Ngoài ra, tỉnh cũng tổ chức xe đưa đón thí sinh đến các điểm thi.
Về vấn đề chỉnh sửa sai sót thông tin của thí sinh, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng trấn an thí sinh hãy yên tâm, đến ngày 30-6 (ngày làm thủ tục dự thi) thi sinh vẫn được điều chỉnh thông tin sai sót.