Đưa hoạt động trải nghiệm vào trường học:

Liệu có nảy sinh tình trạng “lạm thu”?

Thứ Ba, 19/02/2019, 07:05
Hoạt động trải nghiệm là cần thiết, gắn lý thuyết với thực hành song nhiều ý kiến cũng bày tỏ sự lo ngại về việc liệu hoạt động này có tạo ra kẽ hở dẫn đến tình trạng “lạm thu” trong trường học.


Hoạt động trải nghiệm là một nội dung hoàn toàn mới trong chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Khác với các môn học khác chủ yếu diễn ra trong lớp học, hoạt động trải nghiệm có thể tổ chức cả ở ngoài lớp học, thậm chí ngoài trường học. 

Mặc dù đây là một hoạt động cần thiết, gắn lý thuyết với thực hành song nhiều ý kiến cũng bày tỏ sự lo ngại về việc liệu hoạt động này có tạo ra kẽ hở dẫn đến tình trạng “lạm thu” trong trường học.

Trong chương trình GDPT mới, Hoạt động trải nghiệm (cấp tiểu học) và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp (cấp THCS và THPT) không phải là môn học mà là hoạt động giáo dục bắt buộc thực hiện từ lớp 1 đến lớp 12.

Mục tiêu nhằm giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực thích ứng với cuộc sống, năng lực thiết kế và tổ chức hoạt động, năng lực định hướng nghề nghiệp thông qua các chủ đề hoạt động gắn với những nội dung cụ thể về bản thân, quê hương, đất nước, con người. Thời lượng dành cho Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp là 3 tiết/tuần.

Thời lượng dành cho hoạt động trải nghiệm trong chương trình giáo dục phổ thông mới là 3 tiết/tuần.

Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được tổ chức trong và ngoài lớp học, trong và ngoài trường học; theo quy mô nhóm, lớp học, khối lớp hoặc quy mô trường; với 4 loại hình hoạt động chủ yếu là Sinh hoạt dưới cờ, Sinh hoạt lớp, Hoạt động giáo dục theo chủ đề và Hoạt động câu lạc bộ; với sự tham gia, phối hợp, liên kết của nhiều lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường.

Ở cấp tiểu học, nội dung Hoạt động trải nghiệm tập trung nhiều vào các hoạt động phát triển bản thân, kỹ năng sống, quan hệ với bạn bè, thầy cô và người thân trong gia đình. Ở cấp THCS, chương trình tập trung nhiều hơn vào các hoạt động xã hội, phục vụ cộng đồng và bắt đầu đẩy mạnh hoạt động hướng nghiệp.

Ở cấp THPT, Hoạt động trải nghiệm tập trung cao vào nội dung giáo dục hướng nghiệp. Thông qua các chủ đề sinh hoạt tập thể, hoạt động lao động sản xuất, câu lạc bộ hướng nghiệp và các hoạt động định hướng nghề nghiệp khác, học sinh được đánh giá và tự đánh giá về năng lực, sở trường, hứng thú liên quan đến nghề nghiệp; có thể tự chọn cho mình ngành nghề phù hợp; được rèn luyện phẩm chất và năng lực để thích ứng với nghề nghiệp tương lai.

Việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm là cần thiết, tuy nhiên, nhiều ý kiến bày tỏ sự băn khoăn như kinh phí sử dụng cho các hoạt động này được lấy từ đâu? Liệu hoạt động này có tạo kẽ hở để nảy sinh tình trạng lạm thu trong các nhà trường khi mà thực tế cho thấy, hiện vẫn còn một số khoản thu được núp dưới danh nghĩa “xã hội hóa”.

Chị Hoàng Mai Hà, phụ huynh có con học tiểu học tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết: Khi tổ chức các hoạt động ngoài nhà trường sẽ nảy sinh vấn đề kinh phí. Lúc đó, việc nhà trường có thể “mượn danh” các hoạt động này để lạm thu cũng là tình huống có thể xảy ra.

Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận Hoàn Kiếm Hà Nội cũng băn khoăn rằng: Với kinh phí được cấp hiện nay, nếu tổ chức hoạt động trải nghiệm cũng là bài toán khó vì sẽ tốn kém hơn, ngay cả khi hoạt động đó tổ chức tại trường. Trong tình huống nảy sinh kinh phí phát sinh, trường có được thu thêm hay không? Thu ở mức bao nhiêu.

Có lẽ những vấn đề này cũng cần phải có quy định, hướng dẫn cụ thể, minh bạch để thuận lợi hơn cho cả nhà trường, phụ huynh trong quá trình thực hiện. Còn theo một số giáo viên tại Nghệ An, các hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường sẽ không dễ áp dụng đối với học sinh vùng nông thôn, miền núi, nơi có điều kiện kinh tế khó khăn.

Chẳng hạn, muốn tổ chức cho các em đi thực địa, thực tế, tham quan một số nơi như danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, làng nghề… biết lấy nguồn kinh phí nơi đâu? Nếu phụ huynh đóng góp, nhiều em sẽ chẳng được đi vì gia đình không có điều kiện, trong khi đó đây lại là hoạt động bắt buộc trong nhà trường.

Về vấn đề này, PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa, Ban soạn thảo chương trình Hoạt động trải nghiệm cho biết: Hoạt động trải nghiệm là chương trình giáo dục bắt buộc nên không đòi hỏi việc đóng góp ngoài quy định. Khi thiết kế chương trình, ban soạn thảo chương trình đã nghĩ đến sự phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất trường học ở Việt Nam, sao cho các trường học có thể tổ chức được hoạt động này trong nhà trường.

Đối với các hoạt động trải nghiệm tổ chức ngoài nhà trường, các khoản kinh phí phát sinh một phần có thể sử dụng từ đóng góp của phụ huynh và đặc biệt là từ công tác “xã hội hóa”. Tất nhiên, sự đóng góp này cũng cần được các bên thống nhất, công khai minh bạch về tài chính để sử dụng đúng mục đích và không để xảy ra tình trạng “lạm thu” như lo ngại của nhiều phụ huynh.

Hùng Quân
.
.
.