Làm gì để tăng cơ hội trúng tuyển ngay trong đợt xét tuyển đầu tiên?

Chủ Nhật, 28/07/2019, 18:10
Ngày 29-7 là thời điểm cuối cùng để thí sinh điều chỉnh nguyện vọng đăng ký trực tuyến. Thời gian điều chỉnh nguyện vọng đăng ký trực tiếp kéo dài đến hết ngày 31-7. 

Do nhiều năm nay, phần lớn các trường đại học (ĐH) tốp đầu, trường ĐH có thương hiệu thường hoàn thành việc xét tuyển ngay trong đợt 1 vào đầu tháng 8 nên các chuyên gia tuyển sinh cho rằng, thí sinh cần cân nhắc kỹ để có thể trúng tuyển ngay trong đợt xét tuyển đầu tiên.

TS. Lê Viết Khuyến, Trưởng ban hỗ trợ tuyển sinh, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng: Nhìn vào phổ điểm của kỳ thi THPT quốc gia năm nay cho thấy, điểm trung bình các môn thi cao hơn năm trước, hầu hết các môn đều có mức điểm trung bình trong khoảng từ 5 đến 6 điểm, tỷ lệ thí sinh đạt từ 15 điểm trở lên chiếm 75%... Những căn cứ này dự báo điểm chuẩn của các trường sẽ tăng hơn so với năm trước. 

Với phổ điểm thi năm nay, điểm chuẩn vào một số ngành, một số trường tốp đầu dự kiến sẽ tăng nhẹ. Tuy nhiên, những trường top giữa có thể tăng từ 1-2 điểm. 

“Thí sinh cần cân nhắc thận trọng trước khi điều chỉnh nguyện vọng bởi có những trường tốp giữa nếu như không đạt được số lượng tuyển sinh cần thiết, nhà trường sẽ tự động hạ điểm chuẩn để có thể tuyển sinh đủ số lượng yêu cầu. Số liệu xét tuyển những năm gần đây cho thấy, đợt xét tuyển đầu tiên (từ ngày 6 đến 8-8) là quan trọng nhất vì khi kết thúc, khoảng hơn 70% chỉ tiêu đã được lấp đầy, nhiều trường ĐH lớn, những ngành học hấp dẫn đã tuyển đủ chỉ tiêu”- TS Lê Viết Khuyến lưu ý.

Cũng theo chia sẻ của TS Lê Viết Khuyến, để tăng cơ hội trúng tuyển vào ngành yêu thích ngay trong đợt xét tuyển đợt 1, việc bổ sung nhiều nguyện vọng không quan trọng bằng biết cách sắp xếp thứ tự hợp lý trên cơ sở đối chiếu điểm thi với điểm chuẩn các năm gần nhất của ngành, trường mà thí sinh muốn vào. Vì khi trúng tuyển nguyện vọng đầu tiên, tất cả các nguyện vọng xếp sau đều vô giá trị. 

Do vậy, thí sinh phải tìm hiểu kỹ điểm chuẩn năm ngoái của các ngành dự kiến năm nay sẽ đăng ký rồi cộng khoảng 1 đến 2 điểm dự kiến tăng trong năm nay. Trong bảng đăng ký, thí sinh nên xếp những trường, những ngành mình yêu thích nhất lên trên cùng.  Ngoài ra, để dự phòng rủi ro, đảm bảo an toàn, thí sinh nên đăng ký thêm 3, 4 nguyện vọng nữa cho những ngành có điểm chuẩn thấp hơn hoặc gần với ngành mà mình yêu thích.

TS Nguyễn Đào Tùng, Trưởng phòng quản lý đào tạo Học viện Tài chính cũng cho rằng: Ngoài điểm số của mình, thí sinh cần tham khảo thêm phổ điểm, điểm chuẩn các năm trước của ngành mà mình đã đăng ký. Thí sinh nên chọn và đăng ký khoảng 6 nguyện vọng, chia theo 3 nhóm ngành tương ứng với nhóm có điểm chuẩn cao, nhóm có điểm chuẩn ở mức trung bình và nhóm có điểm chuẩn ở mức thấp so với điểm thi của mình. 

Đặc biệt, để bảo đảm chắc chắn cơ hội trúng tuyển, thí sinh lưu ý nguyện vọng cuối cùng nên chọn ngành có điểm chuẩn ở những năm trước thấp hơn điểm thi của mình ít nhất 2 điểm.

Nhiều phụ hụ huynh đồng hành cùng con trong đợt điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển ĐH-CĐ năm 2019.

Tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh ĐH-CĐ 2019 vừa diễn ra tại Hà Nội, Đại tá Vũ Xuân Tiến, Trưởng ban Thư ký tuyển sinh quân sự, Bộ Quốc phòng cũng đã đưa ra lời khuyên đối với các thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường quân đội. 

Theo Đại tá Vũ Xuân Tiến, năm nay nhìn chung tỷ lệ chọi vào các trường quân đội giữ ổn định so với năm 2018. Thậm chí, có một số trường như Sỹ quan lục quân, sỹ quan không quân... tỷ lệ chọi giảm so với năm 2018. 

“Với mức từ 18 - 23 điểm năm nay khá nhiều thí sinh đạt được, nhưng số điểm 24 trở lên được phân tích là không nhiều cho nên thí sinh hãy xem xét kỹ, mạnh dạn giữ lại nguyện vọng của mình nếu như điểm thi đạt từ 24 điểm trở lên”-Đại tá Vũ Xuân Tiến nói.

Lưu ý thêm với thí sinh trong đợt điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển, TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học cũng cho rằng: Khi đã xác định được ngành nghề mà mình yêu thích, việc còn lại không quá phức tạp. 

Các em chỉ cần xem, hiện nay có những trường nào, ở khu vực nào đang đào tạo ngành đó. Đồng thời xem tương quan điểm thi của mình như thế nào so với những người cùng dự thi và cùng dự tuyển. Trên cơ sở đó, các em chọn trường đào tạo những ngành mà mình yêu thích nhưng phù hợp với điều kiện và mức điểm của mình.

“Sau khi đã lựa chọn được rồi, các em nên xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 cho đến hết. Nếu như ngành nghề theo thứ tự ưu tiên đã đúng rồi thì các em chỉ cần ngồi đợi kết quả. Bởi vì cơ chế tuyển sinh sẽ xét theo thứ tự ưu tiên nguyện vọng 1. Nếu không trúng nguyện vọng 1, sẽ chuyển xuống nguyện vọng 2 và nguyện vọng 3… Các nguyện vọng này do chính các em đã lựa chọn theo thứ tự ưu tiên. Khi xét tuyển thì tất cả các nguyện vọng đều bình đẳng với nhau về điểm số. Vì vậy, các em không quá lo lắng khi thay đổi nguyện vọng. Quan trọng là chúng ta có chọn được ngành học, trường học phù hợp hay không; có xếp được thứ tự ưu tiên đúng hay không?”-bà Phụng chia sẻ.

Huyền Thanh
.
.
.