Không tổ chức bán trú cho sinh tiểu học khi chưa an toàn

Thứ Tư, 06/05/2020, 17:13
Đây là chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Hồ Chí Minh trong văn bản hướng dẫn các trường tiểu học về công tác tổ chức cho học sinh đi học lại.

Theo kế hoạch học tập, ngày 8/5 học sinh lớp 5 sẽ trở lại trường, còn các khối từ lớp 1 tới lớp 4 là ngày 11/5. Theo đó, Sở GD&ĐT yêu cầu các trường đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, y tế tại trường, các vật dụng chống dịch Covid-19 như thiết bị đo thân nhiệt, khẩu trang, xà phòng...

Khi học sinh đi học trở lại phải đo thân nhiệt trước khi vào trường. Không để phụ huynh, người không có nhiệm vụ vào trường. Nhà trường bố trí người đón và giao nhận trẻ tại cổng; không tập trung học sinh toàn trường vào cùng một thời điểm ở các khu vực công cộng như cổng trường, sân trường, khu rửa tay.

Tổ chức chào cờ và các hoạt động giáo dục trong phạm vi từng lớp học, không tổ chức các hoạt động tập thể tập trung đông học sinh ở sân trường như chào cờ, sinh hoạt, xếp hàng dưới sân…

Sở lưu ý nhà trường không mở máy lạnh ở tất cả các phòng học, phòng chức năng, đảm bảo mở cửa để các phòng được thông thoáng; khuyến cáo căn tin không hoạt động, không tổ chức bán trú và các hoạt động ngoại khóa khi điều kiện, thời điểm và thực tế đơn vị chưa an toàn.

Khi chưa an toàn thì không tổ chức bán trú cho sinh tiểu học (Ảnh minh hoạ)

Các trường bố trí giờ vào học, ra chơi, ra về lệch giờ, lệch ca giữa các khối lớp để tạo giãn cách. Thời gian lệch ca có thể 20 phút tùy tình hình đơn vị. Trong giờ ra chơi cần giám sát, nhắc nhở học sinh không tụ tập, mỗi buổi cho học sinh ra chơi tối đa 20 phút (chủ yếu cho các em nghỉ ngơi và đi vệ sinh).

Kết thúc mỗi buổi học nhà trường duy trì việc vệ sinh, tẩy trùng trường lớp, bổ sung dung dịch khử khuẩn... để chuẩn bị cho buổi tiếp theo.

Về nội dung chương trình giảng dạy,  thời gian 2 tuần đầu khi học sinh tiểu học đi học trở lại hướng dẫn kỹ năng phòng chống dịch, ôn tập nội dung đã học trực tuyến, hướng dẫn các môn chưa học và phụ đạo cho học sinh chưa tham gia học trực tuyến; 1 tuần tiếp theo ôn tập, củng cố, kiểm tra, đánh giá kết quả học trực tuyến, kiểm tra giữa học kỳ 2 học sinh lớp 4, lớp 5.

7 tuần tiếp theo thực học từ tuần 29 đến 35. Thực hiện ôn tập, kiểm tra định kỳ cuối năm học, xét hoàn thành chương trình lớp học, hòan thành chương trình tiểu học.  Các trường sẽ hoàn thành chương trình giáo dục học kỳ 2 trước ngày 11/7. Từ 13 đến 15/7 sẽ tổng kết, kết thúc năm học 2019-2020.

Nơi học sinh rửa tay phòng chống dịch COVID-19

Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT thành phố cũng chỉ đạo các đơn vị giáo dục quận, huyện khẩn trương triển khai thực hiện quyết định của UBND thành phố về kế hoạch huy động trẻ ra lớp và tuyển sinh các lớp đầu cấp năm học 2020-2021. Trong đó, các thủ tục liên quan phải được thực hiện trực tuyến.

Đối với việc tuyển sinh đầu cấp, năm nay các đơn vị thực hiện công khai các mẫu đơn và thủ tục trên cổng thông tin điện tử của đơn vị. Các thủ tục liên quan đến công tác tuyển sinh phải được thực hiện trực tuyến.

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, đây không phải là năm đầu tiên TP Hồ Chí Minh áp dụng hình thức tuyển sinh trực tuyến, mà từ năm học trước, nhiều quận, huyện như quận Tân Bình, Tân Phú… đã triển khai thí điểm các phần mềm tuyển sinh trực tuyến nhưng chưa áp dụng đồng loạt, bởi còn nhiều thủ tục rườm rà liên quan đến xác minh hộ khẩu, địa bàn phân tuyến.

Về sách giáo khoa (SGK) lớp 1, theo Sở GD&ĐT, đến thời điểm này hầu hết các quận, huyện đã chọn xong bộ SGK lớp 1 theo chương trình mới được thực hiện trong năm học 2020-2021.

Có hai bộ sách được các trường lựa chọn nhiều là "Chân trời sáng tạo" và "Cánh diều", vì phù hợp với đặc thù địa phương và những tiêu chí của thành phố đưa ra. Sau khi hội đồng từ các trường lựa chọn sách, sau đó gửi về Phòng GD&ĐT quận/huyện tổng hợp và gửi về Sở để trình thành phố phê duyệt.

Về SGK tiếng Anh lớp 1, theo Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, trong hướng dẫn tổ chức dạy học môn tiếng Anh lớp 1 theo chương trình giáo dục mới, SGK sử dụng dạy học tiếng Anh tự chọn lớp 1 theo chương trình mới (2 tiết/tuần) phải thuộc danh mục SGK đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt. Riêng với tiếng Anh tăng cường lớp 1, tùy theo nhu cầu, sự tự nguyện của học sinh và đồng thuận của phụ huynh sẽ được thiết kế từ 4-8 tiết/tuần.


Huyền Nga-Nhân Sơn
.
.
.