Không có người học, nhiều trường nghề ở Hải Phòng đóng cửa

Chủ Nhật, 13/08/2017, 07:57
Theo báo cáo của Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Hải Phòng, hiện mạng lưới cơ sở dạy nghề trên địa bàn thành phố có 46 cơ sở, gồm 11 trường cao đẳng, 10 trường trung cấp, 11 trung tâm dạy nghề, 14 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên (GDTX) các quận, huyện.


Ngoài ra còn có 13 cơ sở khác tham gia hoạt động dạy nghề. Năng lực đào tạo theo đăng ký dạy nghề của các cơ sở là hơn 60 nghìn người, trong đó cao đẳng nghề là hơn 6.500 người, trung cấp hơn 7.000 người và sơ cấp hơn 46.000 người.

Nhiều cơ sở đào tạo dạy nghề không thể tuyển sinh đủ chỉ tiêu.

Tuy nhiên, số lượng tuyển sinh năm 2016 của tất cả các cơ sở chỉ đạt hơn 48.000 người, trong đó trình độ cao đẳng chỉ bằng 44% và trung cấp chỉ đạt 41% năng lực đào tạo.

Đáng chú ý, số cơ sở dạy nghề không tuyển sinh được là 16 đơn vị, trong đó có 6 cơ sở công lập là các trung tâm giáo dục nghề nghiệp quận, huyện và 8 cơ sở dạy nghề ngoài công lập. Trường Cao đẳng nghề Duyên Hải được đầu tư xây dựng khang trang, rộng rãi, có đến 40 phòng học nhưng hiện tại chỉ sử dụng không đến 1 nửa, còn lại khóa cửa.

Tương tự như Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hải Phòng, từng là đơn vị đầu đàn về trường nghề tại Hải Phòng nhưng cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút học sinh. Hiện mỗi năm chỉ tuyển được khoảng 500 học sinh, sinh viên, bằng một nửa so với trước đây.

Do không tuyển được học sinh nên một số trường trung cấp nghề tại Hải Phòng đã phải đóng cửa, như Trường Công nghiệp Bạch Đằng và Trường Công nghiệp Phà Rừng.

Giám đốc Sở LĐTB&XH Hải Phòng Nguyễn Bách Phái cho rằng, nguyên nhân là do nhận thức về dạy và học nghề chậm được cải thiện, người lao động chưa nhận thức đúng về lợi ích của học nghề.

Cùng với đó, do công tác định hướng cho học sinh theo học các ngành nghề mặc dù đã thực hiện nhưng còn gặp nhiều khó khăn, việc phân luồng chưa thực sự tốt làm ảnh hưởng đến cơ cấu lao động. Ngoài ra, số ngành nghề tại các cơ sở còn chưa được đầu tư đồng bộ, công nghệ lạc hậu, đặc biệt là tỉ lệ giảng viên có trình độ giảng dạy tích hợp kết hợp giữa lý thuyết và thực hành đạt chất lượng chưa nhiều.

Đứng trước những tồn tại của một số trường nghề trên địa bàn thành phố hiện nay, Sở LĐTB&XH Hải Phòng hiện đang hoàn thiện, tổ chức thực hiện đề án quy hoạch mạng lưới cơ sở dạy nghề đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Theo đó ngành LĐTB&XH sẽ tiến hành rà soát, sắp xếp lại các cơ sở dạy nghề công lập của thành phố theo hướng ưu tiên phát triển các nghề phục vụ ngành kinh tế mũi nhọn, các nghề được lựa chọn đầu tư trọng điểm đạt trình độ các nước trong khu vực ASEAN và thế giới, đồng thời xem xét, giải thể các cơ sở dạy nghề không đủ năng lực đăng ký hoạt động đào tạo.

V.Huy
.
.
.