Trường nghề trọng điểm cũng khó tuyển sinh

Thứ Bảy, 12/07/2014, 14:39
Kết quả kiểm định chất lượng dạy nghề năm 2013 được Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐ-TB&XH công bố trong sáng 12/7, đã cho thấy một thực tế có tới 79,5% tổng số cơ sở dạy nghề trên toàn quốc không thực hiện tự kiểm định chất lượng và nộp báo cáo về Tổng cục.

Một thực tế mà chính Cục trưởng Cục Kiểm định chất lượng dạy nghề, Tổng cục Dạy nghề cũng phải thừa nhận là rất nhiều cơ sở dạy nghề, Cục phải giục giã gắt gao thì mới tham gia. Thế mới có chuyện, trong năm 2013, trong số 275 có sở dạy nghề gửi báo cáo kết quả tự kiểm định về Tổng cục Dạy nghề theo đúng quy định, chỉ có 94 trường cao đẳng nghề -CĐN trong tổng số 162 trường CĐN (chiếm 58%), 61 trong tổng số 302 trường trung cấp nghề - TCN (chiếm 20,2%), 120 trong tổng số 875 trung tâm dạy nghề (chiếm 13,7%). Từ năm 2008 đến nay, cũng chỉ có 89 cơ sở dạy nghề được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng dạy nghề. Cá biệt có trường hợp Trung tâm Dạy nghề Bách Khoa (Đồng Nai) đã không thực hiện tự kiểm định; ngày 28-4, Bộ LĐ-TB&XH đã ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng dạy nghề của trung tâm này.

Trường CĐN Kỹ thuật Công nghệ (Đông Anh, Hà Nội) là 1 trong 40 trường trọng điểm xây dựng chất lượng cao, cũng rất chật vật trong tuyển sinh.

Riêng trong năm 2013, chỉ có 35 cơ sở dạy nghề có đề nghị tham gia kiểm định chất lượng. Kết quả kiểm định chất lượng dạy nghề năm 2013 được Bộ LĐ-TB&XH công nhận như sau: có 20 cơ sở dạy nghề đạt cấp độ 3 (cấp độ cao nhất), trong đó có 15 trường CĐN và 5 trường TCN; 7 có sở dạy nghề đạt cấp độ 2 (4 trường CĐN và 3 trường TCN); 8 cơ sở dạy nghề đạt cấp độ 1 (3 CĐN, 4 TCN và 1 trung tâm dạy nghề). Đáng lưu ý là kết quả kiểm định của một số cơ sở dạy nghề rất thấp, có trường TCN chỉ đạt 20 điểm. Tổng cục Dạy nghề cho biết, đã lựa chọn các trường đạt kết quả kiểm định chất lượng dạy nghề ở cấp độ 3 để tiếp tục tiến hành thử nghiệm hệ thống kiểm định chất lượng chương trình đào tạo và có kế hoạch lựa chọn thí điểm hệ thống quản lý chất lượng của cơ sở dạy nghề.

Về hiệu quả sau kiểm định, ông Phùng Đức Vinh, Hiệu trưởng Trường CĐN Du lịch Vũng Tàu, một trong 40 trường trọng điểm được đầu tư trở thành trường đào tạo nghề chất lượng cao, cho rằng, sau kiểm định, nhà trường nhận thấy rõ trường mạnh ở điểm nào, còn tồn tại những gì, để xác định đúng phương hướng hoạt động. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều trường nghề khác, ông Phùng Đức Vinh cũng kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH cần có chính sách phù hợp hỗ trợ các trường dạy nghề trong công tác tuyển sinh để nâng cao chất lượng đầu vào vì hiện nay các trường dạy nghề đang gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh.

Trong khi đó, có một băn khoăn của rất nhiều trường nghề đã tham gia kiểm định chất lượng dạy nghề là họ thực hiện đúng quy định, được công nhận chất lượng nhưng dường như vẫn chưa có sự động viên khuyến khích nào, còn thiếu chính sách ưu đãi và tạo điều kiện cho các trường đạt kiểm định cấp độ 3, so với các trường kiểm định chưa đạt chất lượng và những trường không tham gia kiểm định.

Được công nhận đạt chất lượng tốt mà cũng chật vật tuyển sinh thì rõ ràng ngành dạy nghề vẫn còn thiếu những cú hích căn bản, ngoài nội lực của các trường, vẫn còn thiếu cơ chế chính sách đủ linh hoạt. Nghịch lý này nếu không được giải quyết thấu đáo thì sẽ là một sự lãng phí quá lớn của xã hội, của Nhà nước và của toàn dân, không đáp ứng được đòi hỏi của thị trường lao động

Thu Uyên
.
.
.