Có hay không chuyện 'lạm phát' Giáo sư tại Việt Nam?
- Sẽ “loạn” chức danh Giáo sư nếu các trường đều có quyền bổ nhiệm
- Đại học Tôn Đức Thắng đang làm tổn thương đội ngũ Giáo sư, Phó Giáo sư
GS.TSKH Trần Văn Nhung: Nói Việt Nam đang “lạm phát” GS, PGS là hoàn toàn cảm tính, thiếu cơ sở và thiếu chính xác. Thực tế cho thấy, từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến nay, tổng số GS, PGS đã được phong và công nhận ở nước ta là 11.619 người, gồm có 1.680 GS và 9.939 PGS, tức là số PGS nhiều gấp 6 lần so với GS và trong số này có nhiều người đã mất và nghỉ hưu. Lực lượng GS, PGS mới vừa đủ để thay thế và bù kịp số cũ, nhất là GS. Vì vậy, gần 100% những người sau khi được HĐCDGSNN công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS đều được các cơ sở giáo dục ĐH bổ nhiệm chức danh GS và PGS. Từ những con số trên cho thấy, số lượng của các GS, PGS ở Việt Nam, đỉnh cao nhất của nhà giáo hiện vẫn còn khá “mỏng” so với dân số 90 triệu người và so với đội ngũ giảng viên đại học của nước ta hiện nay.
GS.TSKH Trần Văn Nhung. |
PV: Nếu so với quy mô dân số thì tỷ lệ GS, PGS của Việt Nam hiện đang là mỏng. Vậy còn so với các quốc gia khác trên khu vực và thế giới thì sao, thưa ông?
GS.TSKH Trần Văn Nhung: Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, trong năm học 2014-2015, tổng số sinh viên đại học là 1.825.000, số giảng viên đại học là 65.670, trong đó có 10.424 TS, 37.100 thạc sỹ, 536 GS và 3.290 PGS. Như vậy, chỉ có xấp xỉ 0,06 GS và 0,36 PGS trên 1 vạn dân; 5,8 GS hoặc PGS trên 100 giảng viên đại học; 0,21 GS hoặc PGS trên 100 sinh viên; 23,6% GS, PGS là nữ. Tỷ lệ này là rất thấp nếu so sánh với các nước trên thế giới. Cụ thể, tại Trung Quốc, năm 2013, dân số 1,36 tỷ, có 3,85 GS hoặc PGS trên 1 vạn dân; 0,22 GS hoặc PGS trên 100 sinh viên; 14% GS và 29% PGS là nữ. Tại CHLB Đức, năm 2014 có 3 GS trên 1 vạn dân và 1,7 GS trên 100 sinh viên. Cộng hòa Áo, năm 2015 có 0,62 GS trên 1 vạn dân và 1,7 GS trên 100 sinh viên. Tại một số trường đại học của Hoa Kỳ, năm 2015 trung bình có 13,4 GS, PGS trên 100 sinh viên. Trong khi đó, con số này tại một số trường đại học trọng điểm của Việt Nam như Đại học Quốc gia Hà Nội là 1,69 GS, PGS trên 100 sinh viên; Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh 0,42 GS, PGS trên 100 sinh viên, Đại học Bách Khoa Hà Nội là 0,84 GS, PGS trên 100 sinh viên và Đại học Y Hà Nội là 2,7 GS, PGS trên 100 sinh viên.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh việc mỏng về số lượng, chất lượng GS, PGS của chúng ta hiện còn chưa cao, khi mà số lượng các công trình nghiên cứu, các bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín hiện còn khiêm tốn. Theo ông, chúng ta cần phải làm gì để nâng cao hơn nữa chất lượng GS, PGS để có thể đáp ứng với yêu cầu hội nhập?
GS.TSKH Trần Văn Nhung: Vấn đề xem xét, đánh giá, công nhận đạt tiêu chuẩn GS và PGS của Việt Nam đã và đang từng bước hội nhập với khu vực và quốc tế từ tư duy, khái niệm, tiêu chuẩn khoa học cho đến cách thức tiến hành. Quá trình đánh giá, công nhận tiêu chuẩn GS, PGS của chúng ta hiện đang tuân thủ theo cách làm của các quốc gia tiên tiến, đã chú ý cả 2 mặt: Tiệm cận với quy trình tiên tiến, nhưng cũng tiệm cận với chất lượng khoa học tiên tiến. Theo đó, các GS, PGS mới thuộc bất kỳ lĩnh vực khoa học nào, khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội và nhân văn trong thời hội nhập và cạnh tranh quốc tế đều phải có những kết quả nghiên cứu và ứng dụng khoa học đích thực được công bố trên các tạp chí khoa học quốc gia và quốc tế có uy tín cao, được thừa nhận rộng rãi và phải có những đóng góp hiệu quả cho đất nước về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh tùy thuộc vào đặc thù ngành nghề của mình.
Điều đáng mừng là trong số 522 GS, PGS được công nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS năm 2015, số GS, PGS có công trình nghiên cứu khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế có uy tín đã tăng lên so với năm trước, nhất là các lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ, y học... Cụ thể, đã có 165 GS, PGS trên tổng số 522 có bài đăng trên các tạp chí uy tín quốc tế. Ở lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ có 1.811 bài báo khoa học các loại, ở lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn có 15 bài. Tuổi đời của các GS, PGS cũng ngày càng được trẻ hóa. Đặc biệt, trình độ ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng của các GS, PGS đã được nâng lên rõ rệt, trong đó có ứng viên sử dụng tốt từ 2 đến 3 ngoại ngữ.
Tuy nhiên, những kết quả khoa học này vẫn còn khiêm tốn và chúng ta cần phải tiếp tục vươn lên mạnh mẽ để theo kịp và hội nhập được với thế giới. Tôi xin nhắc lại câu nói nổi tiếng của nhà bác học Pháp Louis Pasteur “Khoa học không có tổ quốc, nhưng nhà khoa học phải có một Tổ quốc” để thấy trách nhiệm quốc gia và quốc tế của nhà khoa học thời hội nhập quốc tế ngày nay.
PV: Xin cảm ơn GS về cuộc trò chuyện này!