Hy vọng nhiều điểm cao trong môn Ngữ Văn tuyển sinh lớp 10

Thứ Bảy, 02/06/2018, 13:38
Đó là lời nhận xét, cảm nhận của nhiều học sinh tại khu vực TP HCM đưa ra sau khi kết thúc môn thi văn sáng 2-6.


10h sáng 2-6 sau khi kết thúc môn thi Văn tuyển sinh 10, tại điểm thi THCS Quang Trung-Gò Vấp, Thí sinh Nguyễn Minh Quang -  HS THCS Nguyễn Du cho biết đề thi văn năm nay khá dễ và thoải mái. Tuy nhiên em không chủ quan. Sau khi làm xong bài em ngồi lại xem xét cẩn thận và xin ra khỏi phòng thi trước giờ kết thúc 15 phút. Em cho biết mình có học lực môn văn cũng tạm được nên đoán chắc cũng sẽ đạt chừng 7 điểm.

Đề thi Văn không quá khó.
Cũng tại điểm thi này, em Hoàng Thị Thảo cho biết: "Phần Tiếng Việt câu 2, 3 rất dễ. Quan sát các bạn thi cùng phòng em thấy cũng tạm ổn. Mọi người có vẻ khá vui khi kết thúc làm bài. Có bạn viết tới 3-4 tờ giấy. Riêng em viết hết 2 tờ. Đề thi theo em là vừa sức, không dễ cũng không khó cũng không bị dài. Theo em, thí sinh nào cũng sợ đề thi văn dài, khó hoàn tất khi kết thúc 120 phút. Điểm này thì đề thi Văn năm nay đã khắc phục được so với đề thi năm ngoái".
Đề thi Văn 10 của học sinh TP HCM năm nay.
Đề văn năm nay hay, gần gũi với học sinh là nhận xét của nhiều thí sinh.

Thí sinh phấn khởi sau khi kết thúc môn thi Văn sáng 2-6 (Tại điểm thi THCS Quang Trung -Gò Vấp)

Cũng theo Thảo, đề văn 10 năm nay còn có rất nhiều phần đưa ra để học sinh phân tích. Thảo thích nhất là câu cuối với dạng Nghị luận văn học trong đó yêu cầu thí sinh viết về hình tượng người lính trong thời kì kháng chiến năm xưa. 

Đề cho 2 khổ thơ và yêu cầu thí sinh viết cảm nhận về bản chất của người lính. Theo em, với học sinh Việt Nam, khi tiếp nhận một đề văn như vậy thường khá là thích. Ngoài ra, phần nghị luận này được tới 4 điểm, đây là cơ hội để có nhiều điểm cao trong môn thi văn năm nay.

Bạn Nguyễn Minh Anh, tại điểm thi Trường THCS Phạm Văn Chiêu cũng cho biết, mới đọc đề thi em hơi khó hiểu, có chút hoang mang nhưng rồi bình tĩnh lại và cũng làm được. Trong đề có đề cập tới vấn đề tình gắn bó, chia sẻ quan điểm giữa cha mẹ và con cái. Theo em là phần này hay, gần gũi học sinh có thể suy nghĩ lại những gì xảy ra thực tế trong cuộc sống của mình mà trình bày lại. 

Còn câu 3 em cũng thích nhất vì với kiến thức đã học, đọc được thì với em là không khó khi làm. "Đây không phải thế mạnh của em, môn Toán và tiếng Anh mới là sở trường của em". Minh Anh nói.

Đánh giá về đề thi môn Ngữ Văn năm nay, Th.S Phan Thế Hoài, Tổ trưởng tổ Ngữ Văn, trường THPT Bình Hưng Hòa B, Q. Bình Tân chia sẻ: “Đề thi năm nay khá hay. Về cấu trúc đề thi thì tương tự đề thi năm ngoái. Nội dung đề thi hướng tới những vấn đề gần gũi với học trò, mang tính giáo dục cao. Riêng phần nghị luận xã hội mang tính mở giúp học sinh dễ dàng bộc lộ quan điểm của mình”.

Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của thầy Hoài, phần nghị luận xã hội, câu thứ nhất không có gì mới, học sinh có thể dễ dàng thực hiện. Câu thứ hai, yêu cầu cao hơn, muốn đạt điểm cao phải biết phát huy năng lực, cũng như kỹ năng của mình. Với câu này, học sinh khá giỏi trở lên có thể làm tốt hơn những học sinh có sức học trung bình. 

Cô giáo Đoàn Thị Như Ngọc, Tổ trưởng Tổ văn Trường THCS Huỳnh Văn Nghệ (quận Gò Vấp) cũng cho một vài phân tích: So với đề thi năm 2017, đề năm nay tương đương về độ khó, dễ. 

Cũng theo cô Như Ngọc, qua quan sát trong sáng thi môn văn có thể năm nay sẽ có tỉ lệ cao học sinh đạt 6 – 7 điểm cho môn này.

Cũng theo cô Lê Thị Thanh Huyền, Giáo viên Văn trường THCS Nguyễn Gia Thiều, Q. Tân Bình cho biết, đề thi môn Ngữ Văn năm nay đúng như định hướng của Sở GD-ĐT TP.HCM. Đề ra gần gũi với đời sống, tâm lý học sinh. Đó là vấn đề sử dụng rác thải nhựa ảnh hưởng đến môi trường, mối quan hệ cha mẹ, con cái... 

Ngoài ra, đề cũng có phần được đánh giá là HS khá thích đó là đề cập, khơi gợi lý tưởng sống của thanh niên, tuổi trẻ Việt Nam qua hình ảnh chiến sĩ lái xe, cô thanh niên xung phong thời kháng chiến chống Mỹ. 

Qua đó khơi gợi lòng quý trọng hoà bình, biết trân trọng thấu hiểu về sự hy sinh, mất mát mới có được cuộc sống ấm no hạnh phúc như ngày nay, từ đó học sinh có ý thức học tập vươn lên trong cuộc sống, trưởng thành trở thành người công dân có ích cho xã hội, lao động làm việc để góp phần công sức của mình sau này trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Huyền Nga
.
.
.